(Thethaovanhoa.vn) - Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Rằm tháng Giêng cũng là một trong những lễ tiết quan trọng trong năm mới của các quốc gia ăn Tết theo Âm lịch.
Ý nghĩa ngày Rằm tháng Giêng
Lễ này theo truyền thống gọi là lễ Thượng Nguyên được bắt đầu từ đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Theo phong tục của người Việt, sau tết Nguyên đán, dư âm của tết và việc đón chào năm mới vẫn còn nhiều, người dân tổ chức tết Thượng Nguyên như một hình thức ăn tết lại.
- Bài văn khấn Rằm tháng Giêng Tết Nguyên Tiêu cầu an
- Chuẩn bị mâm cỗ, văn khấn cúng Rằm tháng Giêng Tết Nguyên Tiêu
- Văn khấn Rằm tháng Giêng theo 'Văn khấn cổ truyền Việt Nam'
Nhiều vùng miền còn gói lại bánh chưng và tổ chức nhiều hoạt động tế lễ, vui chơi như tết chính. Vì vậy trong dân gian có câu ca: “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”.
Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tết Thượng Nguyên cũng được tổ chức rất long trọng. Thậm chí tại Trung Quốc, Rằm tháng Giêng được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và trở thành “Lễ hội hoa đăng”. Ngày đó trước cửa các nhà đều treo đèn lồng ngũ sắc, người dân thường đến chùa cúng tế cầu an cho năm mới.
Xét về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng còn được xem là 1 lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu.
Bên cạnh đó, trong 12 tháng rằm, tháng giêng mang về nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như tết Nguyên tiêu, Thượng nguyên, Nguyên dạ … đó là do bắt nguồn từ sự giao lưu, tiếp nhận từ nền văn hóa Trung Hoa cùng sự kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa.
Theo Nho học thì xưa ngày này còn được gọi là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. Từ đó về sau lễ hội tết Nguyên Tiêu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân.
Vào những thế kỷ đầu công nguyên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam và truyền thống văn hóa này được tiếp nhận vào nước ta, trở nên sự hài hòa văn hóa giữa 2 bản sắc du nhập và bản địa. Vì vậy, ngày rằm tháng Giêng là 1 ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, theo truyền thống Phật giáo thì ngày rằm tháng giêng mang ý nghĩa rất lớn.
Ngày nay tục cúng Rằm tháng Giêng ở Việt Nam đã xa dần các điển tích nguyên thủy, sau tết người dân đã bắt tay vào công việc của một năm mới, bà con nông dân cũng khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, tuy nhiên một số tiết lễ cúng tế vẫn được duy trì.
Đây thường là dịp để người dân cúng lễ tại nhà hoặc tại chùa, thực nguyện những điều phước thiện, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn.
Tết Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu 2022 rơi vào ngày nào?
Năm nay có một sự trùng hợp thú vị: Ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần cũng là ngày đầu tiên của tháng 2 dương lịch. Vì thế, rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần chính là ngày 15/2/2022, nhằm vào thứ Ba.
Theo Lịch dụng sự, ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 cũng khá tốt để thực hiện nghi lễ cúng Rằm, nhưng nên tiến hành từ sáng sớm ngày 14 tháng Giêng âm lịch đến trước 19h ngày Rằm tháng Giêng âm lịch.
Khung giờ đẹp để thực hiện cúng Rằm Tháng Giêng vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch gồm:
Giờ Thìn (7h-9h), giờ hoàng đạo Thanh Long;
Giờ Tị (9h-11h), giờ hoàng đạo Minh Đường;
Giờ Thân (15h-17h), giờ hoàng đạo Kim Quỹ;
Giờ Dậu (17h-19h), giờ hoàng đạo Bảo Quang;
Nhưng lễ cúng Rằm tháng Giêng sẽ tốt hơn nếu cúng đúng ngày, với các khung giờ đẹp như sau:
Giờ Thìn (7h-9h), giờ hoàng đạo Tư Mệnh;
Giờ Ngọ (11h-13h), giờ hoàng đạo Thanh Long;
Giờ Mùi (13h-15h), giờ hoàng đạo Minh Đường;
Lễ cúng rằm tháng Giêng thường vào giờ Ngọ (tức là từ 11-13h ngày chính Rằm xưa nay được cho là tốt nhất. Nhưng ngày nay nhiều người vì bận rộn với công việc nên tùy cơ ứng biến mà cúng vào các ngày, giờ khác nhau, với quan niệm thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, thánh thần...
Cúng rằm tháng Giêng chuẩn bị những gì?
Chùa Ba Vàng xin gửi tới quý Phật tử danh sách đồ lễ cúng, bao gồm:
- Hương: Các loại hương đốt có hương thơm.
- Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).
- Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh.
- Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,... Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).
- Thực: Bánh chưng, xôi hoặc một bát cơm hoặc mâm cơm chay, bánh kẹo, sữa tươi, các loại nước trắng, nước ngọt (không bia, rượu).
Lưu ý: Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.
Cách sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng tại nhà
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ đồ cúng lễ, tùy điều kiện của mỗi gia đình, quý Phật tử nên sắp lễ như sau:
Trường hợp 1: Gia đình có đầy đủ bát hương thờ Phật, thần linh, vong linh: Sắp đủ ba lễ.
+ Cúng Phật: Hoa; quả; thực (bánh kẹo, bánh chưng hoặc xôi, hoặc bát cơm trắng); nước (nước trắng, nước chè).
+ Cúng thần linh: Hoa; quả; thực (bánh kẹo, bánh chưng hoặc xôi, hoặc bát cơm trắng); nước (nước trắng, nước chè).
+ Cúng vong linh: Hoa; quả; thực (bánh kẹo, bánh chưng hoặc xôi, hoặc bát cơm trắng hoặc mâm cơm chay); nước (nước trắng, nước chè).
Trường hợp 2: Gia đình không có bàn thờ Phật: Không sắm lễ cúng Phật nhưng vẫn đọc phần cúng Phật. Khi đọc thì hướng tâm tới Phật, nguyện dâng tất cả lễ đã sắm để cúng Phật; rồi thừa lộc Phật, vẫn hiến cúng được cho chư Thiên, chư Thần và các vong linh tại nơi đất.
Trường hợp 3: Gia đình chỉ có bát hương thần linh: Sắm lễ theo hướng dẫn cúng thần linh ở trên. Khấn đầy đủ theo bài hướng dẫn.
Trường hợp 4: Gia đình chỉ có bát hương vong linh: Sắm lễ theo hướng dẫn cúng vong linh ở trên. Khấn đầy đủ theo bài hướng dẫn.
Bài cúng rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu 2022
Văn khấn rằm tháng Giêng cúng gia tiên
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài bản cảnh Thành hoàng, ngài bản xứ Thổ địa, ngài bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỉ, thúc bá đệ huynh, cô di, tỉ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ...............................................
Ngụ tại:........................................................................
Hôm nay là ngày rằm tháng giêng năm........ gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ khảo, Tổ tỉ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).
Bài cúng rằm tháng Giêng cúng Phật
(Văn khấn rằm tháng Giêng tại chùa theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hoá Thông tin).
Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (3 lần, mỗi lần lạy 1 lạy)
(Cầm 3 nén hương quỳ đọc tiếp)
Nguyện mây hương lành này,
Biến khắp mười phương giới,
Trong có vô biên Phật,
Vô lượng hương trang nghiêm,
Viên mãn đạo Bồ Tát,
Thành tựu hương Như Lai. (1 lạy, và cắm hương vào bát hương)
Dâng hương cúng dàng rồi, dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng thường ở khắp mười phương. (1 lạy)
(Thành kính chấp tay thành búp sen đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật)
Phật thân rực rỡ tựa kim san
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại Chân Như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Án phạ nhật ra hồng. (3 lần)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Sa Bà Giáo Chủ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (1 lạy)
Chí tâm đỉnh lễ Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)
Con nay đều vì bốn ân, ba cõi pháp giới chúng sinh, nguyện xin ba chướng tiêu trừ, dốc lòng sám hối. (1 lạy)
(Quỳ đọc) Chí tâm sám hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì ba độc: tham, sân, si
Bởi thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối.
Như vậy tất thảy bao nghiệp chướng
Ắt hẳn tiêu diệt không tàn dư
Niệm niệm âm vang tận pháp giới
Độ khắp chúng sinh nhập Bất Thoái. (1 lạy)
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con kính lễ Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật ở khắp mười phương. (1 lạy).
Văn khấn Thần Tài ngày rằm
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật!
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật!
Con niệm Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần
- Con kính lạy ngài Đông trù tư mệnh táo phủ Thần quân
- Con kính lạy ngài Gia Môn Thổ Phủ, Thổ Chủ Tài Thần
- Con kính lạy các ngài Thần Tài vị tiền
- Con kính lạy Tiền Hậu địa chủ chư vị linh thần
- Con kính lạy Bản xứ Thổ địa Phúc Đức Chính thần
- Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong khu vực này.
Tín chủ chúng con là:... Ngụ tại:... Là (nhà ở, nơi kinh doanh buôn bán, công ty):... Kinh doanh...
Hôm nay là ngày rằm tháng…. năm…. âm lịch, tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị, thổ địa và chư vị Tôn Thần chứng giám.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, hanh thông thịnh vượng, âm phù dương trợ, đắc ngộ quý nhân, thương mại hanh thông, lộc tài tăng tiến, khách xa dẫn đến, khách gần dẫn lại.
Con cầu xin các ngài phù hộ cho:...
Nhận được nhiều hợp đồng lớn, gặp được nhiều khách hàng tốt, thực hiện công việc hợp đồng được hanh thông, đạt kết quả cao, để tín chủ chúng con có tài, có lộc, có ngân có xuyến, trên lo việc âm công phúc đức, dưới gánh việc gia trung, để (cửa hàng, công ty...) ngày càng phát triển.
Kính xin các ngài sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
Những lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng
Không nên dùng hoa giả, trái cây giả: Rất nhiều gia đình sử dụng hoa giả, trái cây giả đặt trên ban thờ để làm cảnh cho đẹp, vì chúng mẫu mã rất bắt mắt, dùng được lâu mà không lo hỏng, héo. Tuy nhiên, việc bày hoa, quả giả trên bàn thờ hay trong mâm lễ cúng là không nên, vì thờ cúng phải tịnh tâm, nhà có sao dâng lên vậy, nên dùng hoa tươi, trái cây tươi để dâng cúng thần Phật, tổ tiên.
Không nên dùng đồ chay giả mặn: Rất nhiều gia đình tránh sát sinh trong ngày rằm nên thường chọn mâm cỗ chay để dâng lên bàn thờ Phật và gia tiên, mong trong năm gia đình bình an, gặp nhiều điều may mắn, đây là một việc làm tốt. Tuy nhiên, gia chủ lưu ý, khi làm mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng là đồ chay thì nên làm đồ thuần chay.
Không đốt nhiều vàng mã: Trọng tâm của lễ rằm tháng Giêng là cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Tuy nhiên, đạo Phật không cổ xúy việc đốt vàng mã, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường. Vậy nên, người dân đi lễ nên dùng tấm lòng thành kính chứ không phải cố sắm mâm cao cỗ đầy hoặc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí.
Không dịch bát hương: Vào ngày rằm tháng Giêng, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Khi làm việc này lưu ý không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.
Không cúng thủ lợn: Theo quan niệm dân gian từ xưa tới nay, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể cúng cả đồ chay và đồ mặn. Tuy nhiên, nếu gia chủ cúng mâm cỗ mặn thì nên nhớ, chớ nên cúng thủ lợn. Thông thường các gia đình vẫn làm mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng tương đối giống với mâm cỗ ngày Tết với những món truyền thống, trong đó có thịt gà, thịt lợn, giò chả, măng miến… Người ta cho rằng cúng thủ lợn không tốt, ngày đầu năm đã sát sinh, có thể ảnh hưởng đến vận phúc của cả gia đình trong năm, vì thế vẫn nên hạn chế là hơn.
Không dùng tiền giả, tiền bất chính: Gia đình Việt thường có thói quen đặt tiền thật lên bàn thờ khi cúng tế, ngụ ý muốn cầu xin tài lộc, may mắn. Tuy nhiên cần lưu ý, tiền này nên là tiền thật, do chính sức mình làm ra. Tuyệt đối không dâng lên tiền giả hay tiền có nguồn gốc bất chính, có được từ những hành vi phạm pháp hay trái với đạo đức.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Khôi Nguyên (tổng hợp)
Tags