(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/3 âm lịch là ngày Tết Hàn thực được tổ chức rộng rãi trong các gia đình ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh phía Bắc.
Trong ngày này các gia đình đều làm bánh trôi bánh chay để cúng tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết nguồn gốc, ý nghĩa của ngày bánh trôi – bánh chay này.
Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Nguồn gốc chữ "Tết Hàn thực" này bắt nguồn từ một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời ở Trung Quốc.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn từng sống lưu vong được một hiền sĩ Giới Tử Thôi theo phò đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Giới Tử Thôi từng cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua.
Sau này vua Tấn Văn Công lại ra lệnh cả cánh rừng để ép Giới Tử Thôi phải theo mình, khiến hai mẹ con Giới Tử Thôi bị chết cháy. Vua Tấn Văn Công thương xót lập miếu thờ Giới Tử Thôi và hạ lệnh người dân phải kiêng đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội để tưởng nhớ (khoảng ngày 3/3 tới 5/3 âm lịch). Từ đó ngày 3/3 âm lịch hàng năm được coi là Tết Hàn Thực.
Tuy nhiên, Tết Hàn thực ở Việt Nam thì không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường.
Điều đặc biệt, vào ngày 3/3 hàng năm, người Việt còn sáng tạo ra phong tục làm bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội (Hàn Thực) với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB VHTT, 2006) do Nguyễn Bích Hằng biên soạn, được sự thẩm định, chỉnh lý của Thượng tọa Thích Thanh Huệ, cũng xác nhận thực tế này:
“Ngày nay, người Việt Nam vào tiết Hàn thực vẫn nổi lửa nấu nướng như thường, mà tượng trưng cho tết Hàn thực bằng làm bánh trôi – bánh chay. Vì vậy, tết này còn được gọi là Tết Bánh Trôi – Bánh Chay”.
Nhà nho Phan Kế Bính khi cuốn viết sách Việt Nam phong tục đã giải thích về Tết Hàn thực như sau: “Ta nhiễm theo tục ấy (tức Tết Hàn thực bên Trung Quốc), thành ra ăn Tết hôm mồng ba. Mà ta thì làm bánh trôi, bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi, mà tiếng là hàn thực, nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì”.
Như vậy, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Ngày giỗ tổ Hùng vương ngày 10/3 âm lịch hàng năm, người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn...
Bánh trôi bánh chay là đặc trưng trong ngày Tết Hàn thực của người Việt. Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca như những món ăn đặc trưng phổ biến.
Cổ tích cũng kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển...
- Tết Hàn thực: Nhà nhà mách nhau cách làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc
- Cách làm bánh trôi bánh chay cúng Tết Hàn thực
- Người Việt nổi lửa, cúng bánh trôi Tết Hàn thực có liên quan đến Giới Tử Thôi Trung Quốc?
Cúng Tết Hàn thực vào giờ nào?
Phần lớn các gia đình cúng Tết Hàn thực vào khoảng thời gian thuận tiện nhất, không quá cầu kỳ chọn giờ. Tuy nhiên, nếu coi trọng điều này, bạn có thể tham khảo các giờ cúng đẹp theo quan niệm phong thủy, gồm: Giờ Dần (3-5h), giờ Thìn (7- 9h), giờ Tỵ (9-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h), giờ Hợi (21h-23h).
Các giờ được cho là xấu gồm: Tý (23h-1h), Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
Văn khấn Tết hàn thực
Dưới đây là bài văn khấn Tết Hàn thực trong Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa thông tin:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là... Ngụ tại...
Hôm nay là ngày 3 tháng 3, gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ... (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
*Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo!
KN (tổng hợp)
Tags