(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
Rung giật cơ, giật mình chới với: từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa.
Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
Rung giật nhãn cầu.
Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp).
Liệt dây thần kinh sọ não.
Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
Tăng trương lực cơ (biểu hiện duỗi cứng mất não, gồng cứng mất vỏ)
Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
Phân độ bệnh: Tùy theo biểu hiện bệnh và các biến chứng bệnh tay chân miệng được phân ra các mức độ: độ 1, độ 2a, độ 2b nhóm 1, độ 2b nhóm 2, độ 3 và độ 4.
Điều trị bệnh tay chân miệng
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ.
Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.
Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở đối với bệnh tay chân miệng phân độ 1. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu từ độ 2a trở lên như:
Sốt cao ≥ 390C.
Thở nhanh, khó thở.
Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
Đi loạng choạng.
Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
Co giật, hôn mê.
Điều trị nội trú tại bệnh viện từ độ 2a trở lên.
Phòng bệnh tay chân miệng
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
BS-CK2 Phạm Nguyễn Yến Trang
Phó khoa Nhi Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long