(Thethaovanhoa.vn) - Không thể phủ nhận smartphone ngày nay đã trở thành vật dụng thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, việc để trẻ lạm dụng và trở thành “nghiện” điện thoại di động đã trở thành mối nguy hại thực sự cho sự phát triển của các em mà nhiều bậc phụ huynh không hề lường tới.
Các nghiên cứu y khoa cảnh báo rằng không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Còn với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế dưới 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức dưới 2 tiếng mỗi ngày. Trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm và quá nhiều có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt, rối loạn hành vi, chậm phát triển và giảm khả năng học tập.
- Trẻ em dùng iPad, smartphone: Đâu là điểm dừng?
- Trẻ em dùng ipad, smartphone - cấm, hạn chế hay thoải mái?
Nhưng thực tế trẻ em hiện nay đang dành quá nhiều thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử. Các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, ipad được cho là đang làm gia tăng các thói quen xấu và tác động tiêu cực đối với với trẻ nhỏ.
Nguyên nhân chính gây nên thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ ở trẻ chính là từ hành vi sử dụng của các bậc phụ huynh. Nhiều cha mẹ cũng “nghiện” và không thể rời mắt khỏi smartphone khi ở cạnh con trẻ, mà không phải vì mục đích phục vụ công việc. Nhiều người dùng điện thoại di động thay cho người giữ trẻ, dỗ cho trẻ ăn, dỗ trẻ học... nhưng chính điều này lại là cách giáo dục phản tác dụng.
Khi bố mẹ muốn thu hồi lại chiếc điện thoại, trẻ sẽ có những hành động tiêu cực như la khóc, thậm chí phản kháng và sinh ra thái độ hằn học, thù ghét người khác ngay từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ trở thành mầm mống tai hại cho việc hình thành và phát triển nhân cách, ý thức của trẻ sau này.
Trước những tác hại khủng khiếp mà điện thoại thông minh có thể gây ra cho trẻ, người lớn cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị không dây khác. Tuy nhiên, muốn điều chỉnh lại những hành vi của trẻ, chính cha mẹ phải tự điều chỉnh lại mình trước nhằm tạo dựng môi trường tốt để giáo dục trẻ.
Cha mẹ cần tạo thói quen không sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội hoặc chơi game, giải trí khi ở cạnh trẻ, phải giúp trẻ hiểu điện thoại là phương tiện để làm việc, muốn sử dụng vào mục đích khác, cha mẹ nên chờ con ngủ hoặc cách xa tầm mắt của con để tránh sự tò mò trong lòng trẻ.
Ngoài ra, bố mẹ hãy dành thời gian chăm sóc và vui chơi với trẻ đúng nghĩa, tăng cường các hoạt động giải trí ngoài trời cho trẻ. Dành thời gian cho trẻ, tập cho trẻ làm quen với các các trò chơi, hoạt động thể thao, thói quen lành mạnh để phát triển sức khỏe và trí óc, vừa giúp con khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất, vừa tránh xa được những nguy cơ gây hại tiềm tàng tới từ các thiết bị di động thông minh.
Nếu cho trẻ dùng điện thoại, không nên để quá lâu hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Khi ở gần trẻ, tránh gọi điện thoại nếu không cần thiết và không nói chuyện lâu lúc gần trẻ. Tuyệt đối tránh để điện thoại trên đầu giường trẻ để tránh trẻ tiếp xúc với sóng di động.
Trong tình huống cần thiết, trẻ từ 10 tuổi trở lên mới nên cho trẻ sử dụng điện thoại. Bố mẹ cũng nên cân nhắc kĩ trước khi sắm điện thoại cho con để phục vụ liên lạc. Trẻ còn nhỏ không nên cho dùng điện thoại đắt tiền. Ngoài việc các con bị sa đà việc chơi games, xem phim, vào mạng xã hội... nhiều em còn nguy hiểm tới tính mạng vì trở thành mục tiêu cướp giật, trộm cắp của nhiều đối tượng xấu.
Niềm vui mà cha mẹ tạo ra cho con trẻ với các hoạt động văn, thể, mỹ, những buổi vui chơi ngoài trời chính là phương pháp giáo dục hiệu quả vừa tạo thú vui tiêu khiển riêng cho trẻ nhỏ, vừa giúp con cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, ấm áp của gia đình, đồng thời tránh việc cho trẻ tiếp cận quá sớm với các thiết bị số hiện đại và không vô tình làm hại con trẻ từ chính thói quen của chúng ta.
Hòa Nguyễn (tổng hợp)
Tags