(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Dự kiến, cơ bản đến ngày 15/5 sẽ chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng gồm người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo.
Báo cáo việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: "Gói hỗ trợ đang được triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch và cho đến giờ này chưa phát hiện và chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương".
"Mở ngân khố quốc gia cho người nghèo, người yếu thế"
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, gói hỗ trợ an sinh xã hội là một quyết định chưa có trong tiền lệ; một quyết định thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Bộ trưởng nhắc lại một ý kiến nhận định, “tôi đã nhìn thấy ở đây về việc Nhà nước mở ngân khố quốc gia cho người nghèo, người yếu thế.
- COVID-19 tái hiện đại dịch cúm Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng hơn 50 triệu người
- Dịch COVID-19: Indonesia kêu gọi công bằng trong tiếp cận vật tư y tế
- Nhật Bản viện trợ 800 triệu USD phát triển thuốc và vắc-xin chống dịch COVID-19
“Nếu chúng ta chứng kiến những người già, người ốm đau, người bị suy giảm sâu về thu nhập được nhận hỗ trợ trực tiếp, người lao động đứt bữa, người bán vé số, với hàng trăm nghìn người đã được hỗ trợ trong thời gian vừa qua để vượt qua khó khăn, thách thức theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ mới thấy ý nghĩa, nhân văn như thế nào", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt, nhất là các địa phương. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiến gói hỗ trợ an sinh xã hội với 123 điểm cầu (3.400 người tham gia).
Các địa phương, các bộ, ngành như Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng cục Thuế đã tiến hành ban hành nhanh đầy đủ các hướng dẫn triển khai theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn, giám sát trực tiếp toàn diện việc triển khai Nghị quyết và quyết định của Thủ tướng.
"Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành 8 Bộ nhận diện toàn bộ hệ thống câu hỏi giải đáp, triển khai gói an sinh xã hội. Đã thiết lập, công bố Tổng đài 111 tiếp nhận 24/24h những phản ánh ý kiến đóng góp của nhân dân. 6 đường dây nóng điện thoại của Mặt trận và của Bộ LĐ-TB&XH, qua 5 ngày đã có 46.600 lượt điện thoại gọi đến; giải đáp tự động trên 12.000 lượt trong 4 ngày nghỉ (2 ngày nghỉ Lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần)", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng trong 4 ngày nghỉ Lễ và cuối tuần, nhưng gần như tất cả các ngành, các địa phương đều không nghỉ để tập trung triển khai tiền hỗ trợ đến nhân dân và người lao động. Đến nay, đã có 63/63 địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân; 40/63 tỉnh, thành đã chi tiền trên 20.000 tỷ, trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ; giải ngân 12.400 tỷ và cơ bản đến ngày 15/5 thì chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng này. Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do mất việc.
"Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để làm sao việc triển khai tiếp tục nhanh nhất và kịp thời nhất, đồng thời đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng đối tượng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Không lợi dụng dịch bệnh để sa thải lao động nữ lớn tuổi
Về tình hình về lao động, việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, gần đây có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để sa thải, ngừng việc đối với lao động nữ lao động nữ lớn tuổi và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. "Việc này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã cùng với một số địa phương kịp thời chấn chỉnh và đến nay thì không còn hiện tượng này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 4 là 102 nghìn người, tăng 9% so với tháng 3 năm 2020. Số lao động bị chấm dứt hợp đồng, tính đến cuối tháng 4 là 670.000 người, tăng 270.000 người; số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 tăng 20 % trong tổng số doanh nghiệp bị tác động là 70%. "Bắt đầu từ tháng 5, tình trạng này giảm đi và lao động bắt đầu trở lại thị trường lao động, nhất là lực lượng lao động tự do, khu vực kinh tế dịch vụ", Bộ trưởng Dung cho biết.
Về công tác quản lý lao động ngoài nước, nhất là việc cấp phép lao động đối với các chuyên gia, lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương tiếp tục duy trì cấp phép lao động bình thường, bảo đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Đối với chuyên gia và lao động có trình độ đang ở nước ngoài chờ vào Việt Nam. chúng ta thực hiện một cách thận trọng giải quyết từng bước, cấp phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo ưu tiên tính cấp thiết của từng ngành, tập trung vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp; ưu tiên các nhà quản lý điều hành mà không thể vắng mặt được, đi đôi với đó là kiểm soát chặt chẽ, phòng chống dịch theo quy định.
“Chúng tôi đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân, hạn chế việc rút bảo hiểm một lần; kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, mua gom sổ BHXH để hưởng chênh lệch. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH, cùng với BHXH nghiên cứu và sẽ chuyển nhanh sang bảo hiểm điện tử để hạn chế tối đa tình trạng này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Theo Báo Chính phủ
Tags