(Thethaovanhoa.vn)- Từ Technocom - nhà sản xuất trong Top 40 doanh nghiệp có giá trị nhất tại Ucraina đến tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam – Vingroup trải qua hành trình 25 năm liên tục “gieo trồng” những hạt mầm phát triển, lan tỏa những điều tốt đẹp, với khát khao cháy bỏng: tôn vinh giá trị Việt.
- VinGroup chính thức gia nhập lĩnh vực dược phẩm
- Vingroup ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Đại học Cornell và Pennsylvania
Vinfast – “hạt mầm” của công nghiệp 4.0
Những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, đảo Cát Hải nhộn nhịp một đại công trường giữa biển. Với tốc độ thi công thần tốc đã trở thành thương hiệu, dự án sản xuất ô tô Vinfast quy mô mô 335ha của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đang khẩn trương hoàn thành những hạng mục đầu tiên, vừa san lấp mặt bằng, vừa xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị.
Chỉ mới khởi công từ tháng 9/2017 nhưng dự kiến đến quý III năm 2018, hệ thống nhà xưởng, nhà máy lắp ráp ô tô và nhà điều hành sẽ được VINFAST cùng nhà thầu Coteccons đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện.
Những áp lực khó khăn cuối năm cộng với thời tiết giá rét của mùa đông miền Bắc dường như không hề thuyên giảm niềm hăng say lao động của công nhân, kỹ sư trên công trường. Ai cũng nhịp nhàng, khẩn trương, để trong vòng 24 tháng, nhà máy sẽ hình thành và ra mắt sản phẩm đầu tiên là xe máy điện.
Với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đây là một trong những dự án tâm huyết nhất của ông kể từ khi trở về lập nghiệp từ Đông Âu. Công nghiệp nặng với dự án VINFAST đã trở thành mảnh ghép thứ 7 trong hệ sinh thái Vingroup (bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế, nông nghiệp) nhưng mục tiêu thì vẫn không thay đổi, như cách ông Vượng nói: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Xuất thân là người sản xuất, sau gần 25 năm kể từ ngày sản xuất những thùng mì gói đầu tiên ở nơi đất khách quê người – tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trở lại với vai trò nhà sản xuất. Nhưng lần này, dự án của ông mang khát vọng và tầm nhìn khác hẳn – sản xuất ô tô thương hiệu Việt.
Trong lúc Vingroup đang khẩn trương cho dự án sản xuất ô tô VINFAST thì ở bên kia đại dương, ngành công nghiệp ô tô Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm vừa đi đến hồi kết sau khi nhà máy lắp ráp ô tô cuối cùng của nước này đóng cửa. General Motors, Nissan, Mitsubishi, Ford, Toyota… tại xứ sở chuột túi đều công bố chính thức chấm dứt sản xuất.
Không sở hữu thương hiệu ô tô nội địa nào, nước Úc hoàn toàn bị động trước các động thái của những hãng xe nước ngoài. Cái chết của ngành công nghiệp ô tô Úc không chỉ lấy đi 200.000 việc làm, mà còn khiến nước Úc mất đi toàn bộ thành tựu và kinh nghiệm trong ngành ô tô cũng như hàng loạt công nghệ trong tương lai. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những quốc gia chỉ tham gia vào chuỗi sản xuất, lắp ráp mà không đầu tư cho các thương hiệu ô tô nội địa.
Từ câu chuyện nước Úc để thấy rõ hơn những kỳ vọng đang dồn vào VINFAST về tương lai một ngành công nghiệp ô tô Việt tự chủ hơn. Công nghiệp ô tô đã được đặt ra tại Việt Nam hàng mấy chục năm qua nhưng chưa thực hiện được. Đó là lý do, sự ra đời của VINFAST đã làm nức lòng người Việt.
Tại lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VINFAST tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) hồi tháng 9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: “Những quốc gia có 50 triệu dân trở lên đều làm được ô tô, trong khi Việt Nam có gần 100 triệu dân".
Thực tế, công nghiệp ô tô ngày nay đã trở thành nơi hội tụ tinh hoa của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và là nền tảng quan trọng để tiến tới nền công nghiệp 4.0. Và VINFAST chính là một trong những “hạt mầm”, góp phần đánh thức động lực phát triển để có thể chờ đợi những quả ngọt của công nghiệp Việt Nam trong tương lai.
VinEco – lan tỏa “hạt mầm” nông nghiệp sạch
Trước khi lập nhà máy sản xuất ô tô ở Hải Phòng,Vingroup đã chủ động đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với ba mục tiêu: sản xuất ra các sản phẩm rau, quả sạch cho thị trường; áp dụng công nghệ cao trên các cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao.
Thương hiệu nông nghiệp VinEco được xây dựng xuất phát từ tâm nguyện “để người Việt được dùng thực phẩm sạch với chi phí hợp lý”.
Chính từ tâm nguyện đó mà “hạt mầm” nông nghiệp VinEco đã được Vingroup “gieo trồng” và phát triển nhanh chóng khắp Việt Nam, với 14 trang trại hiện đại, từ Tam Đảo, Long Thành đến Củ Chi… Và không chỉ có thế, hạt mầm VinEco đã được lan tỏa, nảy nở khắp các tỉnh thành thông qua mô hình liên kết với 1.000 hộ nông dân. Theo đó, tham gia chương trình, hộ nông dân được hướng dẫn, hỗ trợ từ quy trình sản xuất sạch, công nghệ, kỹ thuật, giống, thu mua sản phẩm đến phát triển thương hiệu và đầu ra sản phẩm.
Đến nay, chỉ sau 3 năm triển khai, VinEco đã đưa vào 14 nông trường với tổng diện tích gần 3.000 ha và hơn 1000 hộ sản xuất được ký kết hợp tác; mỗi tháng sản xuất hơn 2000 tấn nông sản tới tay người tiêu dùng.
Hạt mầm của “chất lượng sống mới”
Khi đang gặt hái được nhiều thành công lớn tại thị trường Đông Âu, ông Phạm Nhật Vượng đã ghi dấu ấn đầu tiên cho chiến lược chuyển hướng đầu tư về Việt Nam với Khu du lịch Vinpearl tại đảo Hòn Tre. Việc quyết định đầu tư vào đảo Hòn Tre vào thời điểm năm 2000 được đánh giá là rất mạo hiểm vì đây là một hòn đảo hoang vu, khô cằn và không có nước ngọt.
Thậm chí hồi đó còn có cả bài báo được đăng với tựa đề đại ý “người ta đã quẳng 500 tỷ đồng xuống biển như thế nào” khi nói về dự án đầu tư của ông Phạm Nhật Vượng. Nhưng chính điều này lại là minh chứng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và khả năng nhìn ra những “vị trí vàng” của doanh nhân tỷ đô này. Cho đến nay, từ dự án được “gieo hạt” ngày đó – Vinpearl đã phát triển một hệ sinh thái du lịch giải trí tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và tự hào là thương hiệu 5 sao duy nhất có nguồn gốc “thuần Việt” trong cả sở hữu lẫn quản lý vận hành.
Dự án thần tốc Vinpearl Nha Trang đã khích lệ người Vingroup bắt tay vào dự án mới: xây dựng tòa tháp đôi Vincom City Tower tại 191 Bà Triệu. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2004 đến nay, Vincom Bà Triệu vẫn được coi là một biểu tượng thành công về bất động sản, mở đường cho một phong cách đầu tư chuyên nghiệp và dẫn dắt sự thay đổi thị trường. Vincom nay đã phát triển thành một hệ thống lớn 46 TTTM, mang phong cách mua sắm hiện đại tới cho người tiêu dùng Việt khắp cả nước.
Sau tháp đôi 21 tầng Vincom Bà Triệu, Vingroup liên tiếp ra mắt các dự án Vinhomes Royal City và Vinhomes Times City. Tiếp đó là hàng loạt các dự án khác như Vinhomes Riverside, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Vinhomes Liễu Giai, Vinhomes Gardania, Vinhomes Greenbay, Vinhomes Skylake… xuất hiện tại Hà Nội, Vinhomes Central Park - với điểm nhấn là tòa nhà cao nhất Việt Nam 81 tầng - The Landmark 81 đang được thi công, Vinhomes Golden River…tại Tp HCM; Vinhomes Imperia Hải Phòng, Vinhomes Dragon Hạ Long, Vinhomes Bắc Ninh, Vinhomes Hà Tĩnh… đã và đang được xây dựng khắp Việt Nam
Những dự án này không chỉ góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị mà còn là “hạt mầm” thiết lập mặt bằng tiêu chuẩn sống cao cấp hơn cho người Việt. Bởi trước đây, một cuộc sống đẳng cấp chỉ đơn giản là “nhà cao cửa rộng” thì với sự xuất hiện của các dự án Vinhomes, một tiêu chuẩn mới về đẳng cấp sống đã ra đời. Nói như Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Vingroup đã tạo lập chuẩn mực mới theo đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực bất động sản, góp phần mang lại sự thay đổi trong tư duy, phong cách sống và thị trường bất động sản Việt Nam.
Những “hạt mầm” thiện nguyện
Có một điều lan tỏa rộng nhất nhưng lại ít được Vingroup nhắc đến nhất chính là Quỹ Thiện Tâm. Ra đời từ ngày 03/10/2006, với toàn bộ chi phí hoạt động được tài trợ bởi Tập đoàn Vingroup và các nhà hảo tâm mà chủ yếu là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Quỹ Thiện Tâm đã gieo hàng trăm ngàn “hạt mầm” thiện nguyện và nhân ái khắp mọi nơi.
Rất nhiều dự án và chương trình hành động thiết thực vì sự phát triển của cộng đồng như Phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; Chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học; Hỗ trợ phát triển các địa phương nghèo; Ủng hộ, cứu trợ đồng bào bị thiên tai; Xây dựng, phát triển các công trình y tế, văn hóa, giáo dục mang tính cộng đồng và từ thiện…
Trong đó, “Quỹ cho vay bê, nghé giống” là một dự án từ thiện điển hình được giá cao về tính bền vững, đang được triển khai ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Bởi không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu, chương trình còn tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng chăm sóc đàn bê cho các hộ nhận nuôi, từ đó phát huy tính tích cực trong lao động sản xuất, giúp các hộ vươn lên phát triển kinh tế bằng sức lao động của mình. Từ năm 2011 đến nay, Quỹ Thiện Tâm đã trao tặng 24.000 con bê nghé cho các hộ nghèo ở 27 tỉnh thành phố.
Trong lĩnh vực y tế, Quỹ Thiện Tâm đã hỗ trợ mang cuộc sống trở lại cho hàng ngàn số phận thông qua các chương trình tài trợ phẫu thuật, điều trị ung thư, tim mạch…
Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, Quỹ Thiện tâm cũng dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động kết nối cộng đồng thông qua Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) - mô hình đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần xây dựng những thế hệ cầu thủ trẻ thật sự tài năng, có đạo đức và văn hóa cho nền bóng đá nước nhà; Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA…
Với nhiều hoạt động lớn có ý nghĩa xã hội và nhân văn trên cả nước, người Vingroup đang gieo trồng những hạt mầm thiện nguyện, trở thành một điển hình cho tinh thần tương thân tương ái của người Việt.
Vĩ thanh
25 năm qua, từ nhà sản xuất thực phẩm ăn nhanh, Vingroup đã trở thành “người khổng lồ” trong mọi lĩnh vực từ bán lẻ, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng đến y tế, giáo dục, nông nghiệp hay hơn thế nữa trong tương lai là sản xuất ô tô.
Vingroup ngày hôm nay là một hệ sinh thái toàn diện.
Với triết lý kinh doanh “làm đẹp cho đời” của người sáng lập Phạm Nhật Vượng, Vingroup đang là “mái nhà” và “bệ phóng” cho hàng nghìn người Việt. Các công trình kiến trúc của Vingroup đã trở thành điểm nhấn của các đô thị rải đều trên cả nước, mở ra cơ hội cho hàng trăm nhà thầu xây dựng, hàng nghìn nhà cung cấp vật liệu xây dựng và hàng trăm nghìn nhân công. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, Vingroup đều đang nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái từ việc làm, đến thu nhập cho hàng nghìn người lao động, hàng trăm doanh nghiệp đối tác, theo phương châm “win-win”.
“Cứ cái gì tốt cho xã hội, tốt cho nhiều người và chúng tôi nhìn thấy mình có đủ năng lực thì chúng tôi sẽ làm”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói về phương châm kinh doanh của mình. Điều này được xác định thành sứ mệnh của Tập đoàn: "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt".
Người Nhật ủng hộ Kiichiro Toyota, Soichiro Honda, Konosuke Matsushita, Akio Morita... từ những ngày chập chững thành lập, sản phẩm thô sơ để có Toyota, Honda, Panasonic, Sony... nổi danh toàn cầu như ngày hôm nay.
Người Hàn cũng ủng hộ Chung Ju-Yung, Lee Byung-Chul, Koo In-Hwoi... từ những ngày sản phẩm như “cục gạch” để bây giờ có Hyundai, Samsung, LG... cạnh tranh vị trí số 1-2 toàn cầu.
Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi một doanh nghiệp tư nhân như Vingroup đang ngày một trưởng thành, lớn mạnh và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, đóng góp nhiều thành tựu cho đất nước.
Những doanh nhân như tỷ phú Vượng và những doanh nghiệp như Vingroup không chỉ đang “gieo trồng” các công trình, nhà máy, việc làm mà còn đang “gieo trồng” cả hoài bão, ước mơ cho bao người khởi nghiệp, lan tỏa “hạt mầm” niềm tin "dám nghĩ dám làm" và làm tử tế, đàng hoàng cho thế hệ trẻ./.
(Theo Nhà đầu tư)