(Thethaovanhoa.vn)- Vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu, có rất ít các loại thực phẩm trong tự nhiên có chứa vitamin D (ngoài trừ gan một số loài cá như cá hồi, cá ngừ,..). Vitamin D và các dạng chuyển hóa của nó có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa calci, phát triển xương và thực hiện một số chức năng của tế bào. Thiếu trầm trọng vitamin D liên quan trực tiếp đến bệnh lý còi xương ở trẻ em cũng như bệnh lý nhuyễn xương ở cả trẻ em và người lớn.
Ở người, da là nơi tổng hợp vitamin D cho cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng (tia UV), và do đó đây là nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu. Tuy nhiên, lượng vitamin D được tổng hợp từ da lại ở dạng không hoạt động sinh học, cần được chuyển hóa qua gan thành dạng lưu hành và sau đó chuyển hóa qua thận thành dạng hoạt động sinh học.
Việc tổng hợp vitamin D từ da lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian tiếp xúc với ánh nắng, loại da, màu sắc da, mùa trong năm, thời gian trong ngày… Mặc khác, ở trẻ sơ sinh, người tàn tật hoặc người già thì việc tiếp xúc với ánh nắng là rất hạn chế.
Do đó, việc tổng hợp vitamin D từ da trong điều kiện lý tưởng là rất khó để đủ so với nhu cầu hàng ngày. Bởi vì những hạn chế đó, nên hiện nay tại Mỹ người ta đã bổ sung thêm vitamin D2 (hoặc D3) vào một số loại sữa tươi, sữa công thức, ngũ cốc và một số loại thực phẩm khác.
Nhu cầu vitamin D hằng ngày theo khuyến nghị của Viện y học Hoa Kỳ như sau: Trẻ từ 0-1 tuổi là 400 đơn vị/ngày, người từ 1-18 tuổi là 600 đơn vị/ ngày. Nhu cầu hằng ngày này không phân biệt giữa nguồn cung cấp từ thức ăn hay từ các chế phẩm vitamin D bổ sung.
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn nên được cung cấp vitamin D mỗi ngày, vì lượng vitamin D trong sữa mẹ là rất ít. Một số khuyến cáo đề nghị cung cấp 400 đơn vị/ngày cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn bắt đầu từ vài ngày sau sinh. Đối với sữa công thức, nếu lượng sữa tiêu thụ trên 1000ml mỗi ngày thì sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D cho ngày đó. Và do đó, trẻ cần được bổ sung thêm vitamin D ít nhất 400 đơn vị/ngày nếu lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày không đạt 1000ml hoặc loại sữa trẻ sử dụng không được bổ sung thêm vitamin D trong thành phần.
Hiện nay trên thị trường có nhiều chế phẩm bổ sung vitamin D nhưng chung quy lại thì có 2 dạng vitamin D là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 có nguồn gốc từ thực vật trong khi vitamin D3 có nguồn gốc từ động vật. Sự khác biệt giữa hai dạng này là không nhiều, tuy nhiên một vài nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin D3 có hiệu quả hơn so với vitamin D2. Vitamin D là một dạng thuốc thuốc không cần kê đơn nên dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng bán thuốc. Có nhiều dạng bào chế khác nhau như dung dịch, viên,.. với nhiều hàm lượng khác nhau như 400 đơn vị/ giọt, 800 đơn vị/ giọt, do đó đối với từng lứa tuổi, từng nhu cầu khác nhau mà sẽ có một liều bổ sung phù hợp khác nhau. Việc bổ sung vitamin D là cần thiết và việc sử dụng vitamin D là không phức tạp, tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Ngoài việc bổ sung vitamin D từ các chế phẩm có chứa vitamin D thì việc tổng hợp từ da cũng là một nguồn cung cấp vitamin D, do đó đối với trẻ nhỏ thì việc phơi nắng hằng ngày trong điều kiện lý tưởng cũng là một việc làm quan trọng. Tia UV-B trong ánh nắng là điều kiện cần để tổng hợp vitamin D, trên cơ sở đó thì việc tắm nắng toàn bộ cơ thể từ 10-15 phút mỗi ngày cũng có hiệu quả sản sinh Vitamin D cho cơ thể. Thời gian thích hợp cho bé tắm nắng nằm trong khoảng từ 6-9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Từ 6-9 giờ sáng, tia hồng ngoại và tia cực tím trong ánh mặt trời khá yếu, thích hợp để giúp bé thúc đẩy quá trình trao đổi chất cho cơ thể. Khoảng thời gian sau 5 giờ chiều sẽ giúp bé hấp thụ can-xi và phốt pho một cách tốt nhất, có ích cho sự phát triển xương.
BS. Huỳnh Vũ Nhựt Linh
Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long