Nhưng chậm chân làm xe điện thì cũng chẳng tốt.
LÀM XE ĐIỆN QUÁ NHANH THÌ ÍT TIỀN
Xét trên bình diện chung của ngành xe hiện nay, có vẻ như hầu hết lãnh đạo các hãng xe đều có chung quan điểm rằng chuyển đổi sang làm xe điện là điều sớm muộn. Nhưng vấn đề lớn cho câu chuyện chuyển đổi này nằm ở tốc độ chuyển đổi. Tốc độ chuyển đổi sang làm xe thuần điện ảnh hưởng chính đến chiến lược mà hãng xe thực hiện.
Các nhà sản xuất xe truyền thống đã xác nhận rằng họ sẽ dần chuyển đổi sang làm xe thuần điện, nhưng thời gian của các hãng không giống nhau. Nếu như hãng xe chuyển đổi quá nhanh, hoặc cho ra mắt quá nhiều mẫu xe điện, thì sẽ tác động trực tiếp đến chi phí hoạt động và doanh thu từ các mẫu xe chạy xăng mà họ đang có.
Điểm mấu chốt là ở thời điểm hiện tại, xe sử dụng động cơ đốt trong vẫn là nguồn lợi nhuận chính, giá xe điện còn lâu mới tới mức tương đồng với xe xăng cùng loại và mang về lợi nhuận cho hãng xe. Nói một cách đơn giản hơn, làm xe điện quá nhanh có thể dẫn đến cháy túi.
bZ4X là mẫu xe thuần điện duy nhất mang thương hiệu Toyota.
Đi nhanh với xe điện không phải là điều tốt, đi chậm với điều tốt cũng chẳng phải điều lành. Đi chậm là đang bỏ lỡ cơ hội tồn tại trong mảng thị trường sẽ trở nên rất sôi động trong vài chục năm nữa - đây là quan điểm chung của nhiều lãnh đạo hãng xe.
Ông Jim Rowan, CEO của Volvo cho biết: "Chúng tôi không dám bỏ lỡ thị trường".
Volvo là một trong số nhiều hãng xe truyền thống đang tìm cách để chuyển mình thành một hãng xe điện 100%. Volvo cho biết hãng sẽ dừng toàn bộ các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2030.
Trên toàn thế giới, doanh số xe điện chiếm khoảng 10%, nhiều phần trong đó là các mẫu xe mang thương hiệu Tesla và BYD (Trung Quốc). Thế nhưng, đối với các hãng xe truyền thống thì xe điện vẫn chỉ là một trong các mảng mà họ kinh doanh, thậm chí còn được coi là nhỏ. Trong khi tại Tesla, lợi nhuận của họ đã liên tục tăng, còn tại các hãng xe truyền thống, họ lỗ, vì chi phí sản xuất pin tăng cao.
BYD Song (trong ảnh) là mẫu xe bán chạy nhất của BYD.
TỐC ĐỘ NÀO LÀ HỢP LÝ?
Ở nhiều ngành công nghiệp khác, doanh nghiệp cũng phải vật lộn với câu hỏi "xanh hóa" với vận tốc nào là đủ? Ví dụ như BP (doanh nghiệp lớn trong ngành xăng dầu), trong nhiều năm liền đứng ngôi vị số 1 trong việc loại bỏ mô hình kinh doanh có liên quan đến năng lượng hóa thạch, nhưng tháng này lại vừa cho biết rằng sẽ giảm tốc độ chuyển đổi, sản xuất thêm các sản phẩm dầu khí.
Nhưng các nhà chức trách thì lại đang thúc ép doanh nghiệp giảm các-bon trong hoạt động của họ. Tuần trước, Liên minh châu Âu đã chấp thuận việc cấm bán xe chạy xăng và xe chạy dầu từ năm 2035. Bang California ở Mỹ cũng có mốc thời gian tương tự.
Với những nhà đầu tư quan tâm đến môi trường, họ cũng đang rắn tay với các doanh nghiệp để giảm phát thải. Lãnh đạo các hãng xe truyền thống hẳn cũng đã thấy được các hãng xe điện khởi nghiệp được cưng phụng ra sao. Tesla là minh chứng quá rõ, khi giá trị của hãng (theo FactSet) đạt 659 tỷ USD. Giá trị của 4 "gã khổng lồ" truyền thống - General Motors, Ford Motor, Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Volkswagen - cộng lại vẫn kém con số của Tesla.
Nói đến lý do vì sao các hãng xe truyền thống còn chậm trong việc phát triển xe điện, họ trỏ đến các yếu tố khách quan - những điều mà họ không thể kiểm soát, như mức độ sẵn có của các nguyên liệu chính làm pin xe điện, hay khả năng đáp ứng của điện lưới.
Doanh số Tesla luôn đứng vị trí hàng đầu tại nhiều thị trường trên thế giới.
General Motors và Ford là hai thương hiệu có mục tiêu xa vời nhất với xe điện. Ford dự kiến tới hết thập kỷ này, nửa doanh số của hãng sẽ tới từ xe điện; General Motors thì đặt mốc năm 2035 để dừng sản xuất các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong (trừ các mẫu xe cỡ lớn / hạng nặng).
Hãng xe lớn nhất thế giới xét về doanh số - Toyota - thì lại muốn đưa ra cho khách hàng nhiều lựa chọn, thay vì chỉ có duy nhất một lựa chọn là xe điện. Toyota cùng lúc đầu tư cho xe điện, xe lai điện và xe sử dụng hydro.
Trong khi đó, VinFast từ Việt Nam thì đã dừng toàn bộ sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong sau khoảng 3 năm tham gia ngành công nghiệp, trở thành hãng xe đầu tiên trên thế giới từ bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong. Trong hồ sơ mà VinFast gửi lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast đã cho thấy hãng phát triển ô tô điện rất nhanh: 6 mẫu xe điện sau 6 năm thành lập. Hãng xe Việt hiện dành 100% nguồn lực cho phát triển phương tiện xanh, gồm xe máy điện, ô tô điện, xe buýt điện, và mới nhất là cả xe đạp điện.
Lô VinFast VF 8 đầu tiên dự kiến sẽ bàn giao vào cuối tháng 2 này.
Với hãng xe có quy mô nhỏ như Subaru thì tốc độ chuyển đổi mô hình sản xuất sang làm xe điện có tác động rất lớn. Hãng xe Nhật phải phán đoán xem khách hàng của họ, vốn đã quan tâm tới bảo vệ môi trường, có thể chấp nhận xe điện tới đâu.
CEO của tập đoàn xe Stellantis (đơn vị sở hữu 14 thương hiệu như Jeep, Peugeot, Maserati), ông Carlos Tavares, cho biết rằng: "Tôi không biết liệu khách hàng có chấp nhận phong cách sống mới nhanh như cách các hãng xe du nhập công nghệ mới hay không".
Ông Mike Manley, CEO của tập đoàn chuyên phân phối xe AutoNation, cho rằng câu hỏi tốc độ bao nhiêu không dễ trả lời, và đó là một vấn đề mà các hãng xe phải giải quyết: "Sau cùng, nếu đây [tốc độ chuyển đổi sang xe điện] là một vấn đề, thì đó là vấn đề mà chúng tôi phải đối diện".
Tags