Bạn có thể tử vong vì uống quá nhiều nước? Đây là giải đáp từ các chuyên gia

Thứ Hai, 09/01/2023 16:09 GMT+7

Google News

Theo một giả thuyết gần đây, võ sĩ huyền thoại Lý Tiểu Long có thể đã chết vì thận của ông không thể lọc hết lượng nước dư thừa.

Nam diễn viên Lý Tiểu Long, biểu tượng võ thuật Hollywood, đã đột ngột ra đi vào ngày 20/7/1973. Cái chết của ông đã được suy đoán và bàn luận sôi nổi trong nhiều thập kỷ qua. Một số người hâm mộ đưa ra giả thuyết rằng ngôi sao võ thuật này đã bị ám sát. Tuy nhiên, sau gần 50 năm kể từ ngày qua đời, cái chết của ông mới đây bỗng dưng lại được các nhà nghiên cứu đào xới lại.

Theo một bài báo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thận học Lâm sàng của Nhà xuất bản Đại học Oxford có tiêu đề “Ai đã giết Lý Tiểu Long? Giả thuyết hạ natri máu” được công bố vào tháng 3 năm ngoái, một số nhà nghiên cứu đã đặt ra những thuyết âm mưu xung quanh cái chết của võ sĩ huyền thoại vào năm 1973. Trong đó, họ đề xuất rằng nguyên nhân tử vong có thể là “phù não do hạ natri máu”.

Bạn có thể tử vong vì uống quá nhiều nước? Đây là giải đáp từ các chuyên gia - Ảnh 2.

Người hâm mộ chụp ảnh với tượng của cố huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.

Cụ thể, theo báo cáo khám nghiệm tử thi, nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long đã được xác định là do phù não hoặc tích tụ quá nhiều chất lỏng trong não dẫn đến sưng tấy. Nhưng nguyên nhân cụ thể dẫn đến căn bệnh này vẫn chưa rõ ràng.

Các giả thuyết của chuyên gia bao gồm nhiều lý do. Đó có thể là từ việc gắng sức quá mức và say nắng, kết hợp với một ca phẫu thuật mà ông đã thực hiện vài tháng trước khi cắt bỏ tuyến mồ hôi dưới cánh tay. Ngoài ra còn có phản ứng dị ứng với thành phần chính trong thuốc giảm đau mà ông được đưa sau những phàn nàn về chứng đau đầu.

Còn “phù não” đề cập đến hiện tượng sưng não do tích tụ chất lỏng trong não, trong khi “hạ natri máu” xảy ra khi nồng độ natri trong máu dưới mức bình thường và cơ thể giữ quá nhiều nước.

Do đó theo nghiên cứu trên, có khả năng Lý Tiểu Long đã chết vì thận của ông không thể bài tiết được lượng nước dư thừa, vì những lý do bao gồm các loại thuốc theo toa cũng như tiền sử chấn thương thận cấp tính và cả ảnh hưởng từ quá trình luyện tập.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít người chỉ tập trung vào tuyên bố rằng ông đã chết vì uống quá nhiều nước.

Bạn có thể tử vong vì uống quá nhiều nước? Đây là giải đáp từ các chuyên gia - Ảnh 3.

Bạn có thể chết vì uống quá nhiều nước không?

Vậy, điều đó thực sự có thể xảy ra với chúng ta không? Bao nhiêu nước là quá nhiều? Một người thực sự có thể chết vì uống quá nhiều nước không?

Sanjiv Kumar Sharma, một nhà thần kinh học tại Bệnh viện Max Smart Superspeciality ở New Delhi, Ấn Độ, nói rằng uống một lượng lớn nước sẽ không dẫn đến tử vong, trừ khi có các bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh nhân đang sử dụng nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não, thận và tim.

“Nếu bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận (một hoặc cả hai quả thận không còn hoạt động tốt) và uống nhiều nước, điều đó có thể gây hạ natri máu do pha loãng, trong đó nước sẽ bị giữ lại và bơm natri-kali trong cơ thể sẽ bị hỏng, gây ra sưng não và cuối cùng dẫn đến tử vong”, ông nói. “Tuy nhiên, nếu bạn không mắc bất kỳ bệnh tim hoặc thận tiềm ẩn nào, việc uống quá nhiều nước sẽ không gây phù não (sưng não) đáng kể để có thể dẫn đến tử vong.”

Điều đó nói lên rằng, tồn tại một mức độ “nhiễm độc nước”, xảy ra do uống quá nhiều nước trong một khoảng thời gian quá ngắn và nó có thể gây tử vong.

Nhưng, điều này hiếm khi vô tình xảy ra. Một số trường hợp đặc hữu có thể xuất hiện tình trạng này là trong các cuộc thi uống nước, khi người chiến thắng là người uống nhiều nhất và nín đi vệ sinh lâu nhất. Hoặc ai đó tập thể dục quá mức sau đó uống một lượng lớn nước để giải khát. Tình trạng thừa nước này làm đảo lộn sự cân bằng của các chất điện giải, khiến thận không có đủ thời gian để xử lý. Tình trạng hạ natri máu có thể xảy ra say đó.

Điều này cũng được thấy trong các tình huống như huấn luyện quân sự khắc nghiệt. Một nghiên cứu của Quân đội Mỹ cho thấy 17 học viên đã phải nhập viện trong hơn một năm vì nhiễm độc nước, trong khi một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng 3 binh sĩ đã chết vì nó. Tất cả dẫn đến khuyến nghị rằng không nên uống quá 1-1,5 lít nước mỗi giờ khi đổ mồ hôi nhiều.

Bạn có thể tử vong vì uống quá nhiều nước? Đây là giải đáp từ các chuyên gia - Ảnh 4.

Nhiều người đưa ra lời khuyên rằng nên uống 8 cốc nước mỗi ngày.

Nhưng đối với hầu hết người bình thường, chúng ta hầu như không bao giờ khiến cơ thể mình phải chịu đựng những tình trạng cực đoan đến như vậy, Tuy nhiên, một số yếu tố khác có thể dẫn đến việc hạ natri máu mà không liên quan đến lượng nước uống vào. Theo Sharma, những bệnh nhân bị nhiễm trùng não chẳng hạn như bệnh viêm màng não hay những người dùng thuốc giảm đau opioid hay các loại thuốc tương tự dễ bị tổn thương, vì trong những trường hợp này nước được giữ lại trong cơ thể.

“Não bị phù không chỉ do lượng nước dâng cao”, ông nói. “Ngay cả một bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan cũng có thể tích tụ amoniac trong cơ thể dẫn đến phù não, vì vậy có nhiều yếu tố tác động.”

Tương tự như trường hợp của Lý Tiểu Long, bài báo nghiên cứu cũng lưu ý rằng có những yếu tố khác tác động có thể dẫn đến tắc nghẽn ống thận của ông ấy, cản trở quá trình bài tiết nước tiểu. Chúng bao gồm tiền sử dùng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm, thuốc phiện, thuốc chống động kinh, uống rượu, tiền sử chấn thương thận cấp tính và việc luyện tập thể dục.

Bác sĩ chuyên khoa thận Rajesh Goel có trụ sở tại Delhi cũng nói rằng luôn có nhiều sự kiện xảy ra trước cái chết do tiêu thụ quá nhiều nước. Chúng có thể là việc bệnh nhân trải qua trạng thái ý thức bị thay đổi do sử dụng thuốc, các vấn đề về tim và buồn ngủ…

“Khi lượng natri cao, não sẽ gửi tín hiệu đến cơ thể để uống thêm nước và ngược lại khi lượng natri thấp”, ông nói. “Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến một người nào đó có thể tiêu thụ nhiều nước hơn chẳng hạn như lượng đường cao, mất nước do say nắng, mất nước quá nhiều do vận động hoặc lượng nước tiểu quá nhiều”.

Bạn có thể tử vong vì uống quá nhiều nước? Đây là giải đáp từ các chuyên gia - Ảnh 5.

3 lít nước thường được coi là giới hạn trên cho một ngày.

Vậy thì, lượng nước tiêu thụ lý tưởng mỗi ngày là bao nhiêu, nếu bạn không có bất kỳ vấn đề nào về thận, não hoặc tim? Theo bác sĩ Goel, 3 lít thường được coi là giới hạn trên cho việc tiêu thụ nước, nhưng thể tích này cũng phụ thuộc vào thời tiết.

Một người có khả năng tiêu thụ nhiều nước hơn vào mùa hè vì nước bị mất do đổ mồ hôi và ít hơn vào mùa đông vì các con đường khiến cơ thể mất nước - chủ yếu là đổ mồ hôi - ít hơn. “Trong điều kiện bệnh nhân có xu hướng nhiễm trùng nước tiểu hoặc hình thành sỏi, chúng tôi khuyên họ nên uống nhiều nước hơn, nhưng không phải trong mọi trường hợp”, ông nói.

Sau đó, điều quan trọng là nên thường xuyên đi kiểm tra để xem cơ thể có bất kỳ bệnh tiềm ẩn về thận nào không. Goel nói rằng các dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất liên quan đến rối loạn chức năng thận thường là đi tiểu bất thường hoặc thường xuyên, nôn mửa, khó thở và suy nhược toàn thân. Bác sĩ Goel cũng cảnh báo những người hút thuốc, vì thói quen này gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến giảm lưu thông máu trong thận.

Nhà thần kinh học Sharma cũng cho biết thêm: “Nếu bạn đang uống bốn lít nước mà vẫn cảm thấy khát và không đi tiểu được lượng nước tương đương, bạn nên đi kiểm tra lượng natri”.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cũng phá vỡ quy tắc phổ biến rằng cần uống 8 ly nước một ngày. Theo chuyên gia sức khỏe toàn cầu Rachel C. Vreeman thì “Hãy tin vào cơn khát của bạn”.

“Cơ thể bạn nói với bạn rằng bạn khát nước từ khá sớm”, Vreeman chia sẻ. Nhưng vấn đề là mọi người đã quá quen với những mục tiêu đến mức họ tường “ghi đè” lên tín hiệu khát của mình và không còn nhận thức rõ khi nào họ cần uống thứ gì đó. Tuy nhiên, mọi người có thể lấy lại sự cân bằng bằng cách chú ý hơn tới cơ thể, thay vì tự động uống một lượng nước nhất định.

Tóm lại, giống như mọi thứ trong cuộc sống, điều độ là chìa khóa cũng như việc nên lắng nghe cơ thể bạn thực sự muốn gì, cần và phù hợp với điều gì. Hãy tìm ra những gì phù hợp với bạn và gắn bó với điều đó.

Tham khảo Wired

Bảo Nam

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›