(LTS) Cuối tuần qua, tại Bảo tàng Hà Nội đã khai mạc Không gian nghệ thuật sáng tạo và Triển lãm nghệ thuật đương đại Ego - Người của họa sư Ngô Xuân Bính (kéo dài 3/2023). Hơn 300 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc đã được trưng bày. Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Nguyên An về triển lãm này.
1. Không phải ai ai trong giới văn nghệ ở ta bây giờ cũng biết Ngô Xuân Bính. Mặt khác,không phải ai cũng gợi cho công chúng sự tò mò, muốn tìm hiểu như Ngô Xuân Bính.
Chiều 18/11 rất đông người đã có mặt tại sảnh và toàn bộ tầng 1 rộng mênh mông của Bảo tàng Hà Nội, họ tràn cả ra ngoài khuôn viên phía trước quần thể kiến trúc của Bảo tàng. Đông đúc mà không quá ồn ào náo nhiệt. Trong số khoảng cả ngàn người có mặt, ta dễ thấy quá nửa là thanh niên và người trung niên. Ta có thể nhận ra nhiều danh sĩ kinh kỳ và cả từ Vinh, từ Huế, từ Đà Lạt… ra đây, từ Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định lên, từ Thái Nguyên, Phú Thọ xuống…
Khách đến mỗi lúc một đông hơn, có chỗ phải lựa bước, chen chân. Những tiếng chào khe khẽ ít dần, dàn nhạc gồm các nữ nghệ sĩ violin đồng loạt nâng phím đàn, âm thanh chưa vút lên, mọi người đã im lặng dần.
"Mới lạ đến mức kinh hoàng" - đó là nhận xét của một nhà văn - người đã từng dựng những cảnh đối thoại thẳng căng (chát chúa nữa) trong tiểu thuyết của mình. Khi có người gợi chuyện, ông điềm nhiên: "Nhiều tranh và tượng, tôi không dám cho là mình đã hiểu được"."Nhưng ngắm đi rồi ngắm lại bác thấy sao? - một người hỏi. Nhà văn trả lời: "Thích, rồi cũng lờ mờ hiểu ra".
Ngô Xuân Bính lúc này ở đâu? Điện thoại của ông để ở chế độ im lặng, "xin quý khách chờ…". Nhưng nhiều người trong nghề, trong giới nói: Kia kìa, ông ấy ẩn hiện ở các bức tranh, các nét màu… và ở mấy cụm tượng người khỏa thân - cách điệu, ở cả những pho tượng tạc từ đá trắng đậm chất tượng trưng ước lệ "rất khó hiểu ngay" kia nữa.
Một số tượng của Ngô Xuân Bính để trong phòng có kích thước không to lắm, nguềnh ngoàng, như cây khô, lại cổ quái như gỗ lũa vừa được vớt từ ao đầm, từ sông suối lên rồi cắt gọt, lắp ghép đi tí chút mà tượng hình các tư thế của con người với các trạng huống khác nhau trong đời thường… Chúng đã gợi cho người xem ý nghĩ: Nếu các tượng này được dựng lên với kích thước lớn hơn gấp cả trăm ngàn lần, rồi đặt giữa không gian lớn (quảng trường, nhà cao tầng…) thì có lẽ sức gợi nghĩ suy, sức khái quát cuộc đời - nhân gian - không gian… sinh tồn sẽ lớn hơn, sâu xa hơn nữa.
Có người hỏi: Ông Bính có nghĩ như thế không nhỉ?
Có người bảo: Ông này là họa sĩ, nghệ sĩ tạc tượng, lại cũng là nhà thơ, là Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga… chắc là ông ta cũng đã nghĩ rồi, nhưng chưa có điều kiện thực hiện hết đấy thôi.
2. Chăm chú và lặng lẽ dịch bước từ cụm trưng bày này sang cụm tranh với tượng và cả phù điêu ở gian trưng bày khác, người xem triển lãm của Ngô Xuân Bính tối nay được dịp so sánh và liên tưởng gần xa.
Một là, tượng của Ngô Xuân Bính thoạt đầu, đã gây cho người xem cùng lúc cả hai cảm nghĩ là: Rất táo bạo trong tạo hình và dựng khối, trong cả các chi tiết hình thể người. Táo bạo một cách quả quyết thế, rất riêng, nhưng không hoàn toàn xa lạ, chúng như các bức vẽ của chính ta hồi thơ bé, như các "tượng" của tuổi ấu nhi đắp từ cát biển, từ đất sét bờ ruộng, bờ ao vườn nhà mình cắm thêm mấy nhành cây lá, mấy quả cây khô tiện tay nhặt được…, lại cũng gợi ta nhớ nghĩ đến các quần thể tượng với không gian hoành tráng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng vài chục năm nay ở Đà Nẵng - Quảng Nam, ở Đà Lạt và TP.HCM…
Từ ý nghĩ này rất dễ trao cho tác giả một tên gọi: Ký ức tuổi thơ (của những người bình thường vốn có tính nhân loại hồn nhiên phổ quát nữa). Trẻ thơ ngộ nghĩnh… mà thâm trầm, tinh tế - đó là đặc sắc của nghệ thuật tạo hình đến độ vững vàng ở thời đương đại mà Ngô Xuân Bính đang là một đại diện đấy chăng?
Hai là, tranh của Ngô Xuân Bính cũng dễ khiến người xem nhớ lại và liên hệ tới tranh của một số họa sĩ như Thành Chương bởi sự phối sắc mạnh mẽ đầy chủ ý mà vẫn toát ra sự ngẫu hứng. Cả hai ông đều có cách vẽ, có phong cách khác hẳn phong cách tả thực (như chụp ảnh) mà thực ra, là có sự sắp đặt chu đáo tạo ấn tượng, đầy sức dẫn dụ, mê hoặc của họa sư Lê Huy Tiếp…
Nhưng, lại nhưng, tranh của Ngô Xuân Bình, thường có kích thước lớn hơn. Ông có dụng ý gì vậy - ở các kích thước này, nhất là mấy bức phóng to, choán hết cả bức tường rộng đến 7m, cao chừng gần 3m như thế? Đó là những bức tranh không có nhân vật (là người theo thường lệ), mà chỉ như là những nét màu xanh, đỏ, trắng, vàng… quyệt ngang hắt chéo hay phóng thẳng vào nền vải liên tục mà mạnh mẽ.
Người ta chỉ có thể phỏng đoán và thắc mắc, hân hoan và băn khoăn khi chiêm ngưỡng những bức tranh, hoặc là rực rỡ chói lóa hân hoan, hoặc là u trầm đen đỏ loằng ngoằng của tác giả mà chưa thể xét đoán được gì nhiều.
Tôi hỏi một ông đứng bên cạnh, sau nửa phút ừ à dè dặt, ông bảo: Có lẽ cái ông Nghệ có nghệ này đang tự cho phép mình hồn nhiên bộc lộ một vài ý nghĩ, suy tư và suy tưởng trong một tâm trạng rối bời thì phải, xin cầu cho những nghệ sĩ chân tâm giàu tài năng này rồi cũng tìm ra được lối đi riêng…
Người viết mấy trang này đã nghĩ: Ngô Xuân Bính - trong cõi tâm linh của mình, và cả trong/ qua bao ngày ngày, tháng tháng, năm năm quần quật với đủ loại lao động, thì đã tự xác quyết được đường đi và đích cần đến của mình rồi. Đồng thời, họa sĩ tài danh này cũng đang có sự điều chỉnh từ sự xác quyết ấy. Đọc thơ Ngô Xuân Bính ta sẽ rõ thêm, và xin đọc cả mấy dòng này nữa:
"Nhiều người vẫn hoài nghi về tương lai - bởi thế giới đã, đang và sẽ có nhiều biến cố bất thường khó lường… Nhưng cá nhân tôi, tôi tin tưởng nhân loại kỷ nguyên mới, kỷ nguyên sáng tạo thông minh: Luôn luôn biết chọn cho mình con đường đúng, con đường tất yếu phát triển bền vững.Đó cũng là khát vọng của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên các châu lục. Đấy cũng là thông điệp tinh thần đau đáu ấp ủ, dằn vặt trong tất cả các tác phẩm điêu khắc và hội họa của tôi".
3. Như thế, với sự kiện mở ra Một không gian nghệ thuật sáng tạo ở Bảo tàng Hà Nội, Ngô Xuân Bính đã tạo ra một sự đối thoại từ tốn mà sòng phẳng không chỉ ở tay nghề.Cùng với vốn liếng dày dặn đa ngành (đều có thành công), ông còn thúc đẩy cả một sự đối thoại về tư tưởng nhân sinh, tư tưởng nghệ thuật nữa. Đó là cuộc đối thoại của giới trí thức, giới nghệ sĩ tạo hình chân chính của Việt Nam thời nay - những người có cốt cách tinh hoa đang dồn thổi hào khí Đông A của tổ tiên vào từng tác phẩm và cùng tham gia, giao lưu và hội nhập quốc tế.
Nhân đây, cũng xin được nhắc lại là: Từ vài chục năm nay, hội họa và điêu khắc Việt Nam, rồi cả thơ của Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Hưng Tiến… đã làm những cuộc bứt phá. Từ lạ lẫm, thậm chí là chối bỏ, dần dần, công chúng và bạn nghề đã chấp nhận sáng tạo của những nhà cách tân này.
Ngô Xuân Bính có lẽ vất vả hơn, bởi mức độ xa lạ giữa ông - trong nghệ thuật tạo hình, và nhất là ở tác phẩm thơ, với đồng nghiệp và công chúng có phần xa ngái hơn. Nhưng vào thời điểm này, nếu ta thiếu Ngô Xuân Bính (và một số tài năng cùng sự mẫn tiệp, mẫn cán khác nữa)… thì nghệ thuật đương đại Việt Nam có vượt qua được tình trạng chững lại rồi vượt lên, để có được những tác phẩm thực sự là sáng tạo của riêng mình mà vững vàng tham gia vào quá trình giao lưu hội nhập thật sự bình đẳng với phần thế giới ngoài Việt Nam không?
Không gian nghệ thuật của Ngô Xuân Bính ở Bảo tàng Hà Nội sẽ còn đón khách muôn phương đến chiêm ngưỡng (và tranh luận) mấy tuần mấy tháng đến Tết và sau Tết nữa. Một số vấn đề chúng ta gợi lên lúc này, rồi sẽ có thêm cứ liệu mà phân tích, bình giải…
"Nếu các tượng này được dựng lên với kích thước lớn hơn gấp cả trăm ngàn lần, rồi đặt giữa không gian lớn thì có lẽ sức gợi nghĩ suy, sức khái quát cuộc đời - nhân gian - không gian… sinh tồn sẽ lớn hơn, sâu xa hơn nữa" - nhà phê bình Nguyên An.
Tags