(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, việc điều trị cho bệnh nhân nhi ung bướu có những khó khăn như nhận thức của người dân thấp, do vậy khả năng nhận định bệnh ban đầu thường chậm, khi đưa vào bệnh viện thì quá nặng.
Bên cạnh đó, tâm lý rằng ung thư là chết khiến nhiều gia đình không dốc sức vào chữa trị cho bệnh nhi, vì nghĩ rằng “kiểu gì cũng chết”, hết tiền không cứu được trong khi không còn tiền để lo cho những đứa con khác sinh sống và ăn học.
Tỷ lệ khỏi bệnh cao khi được chữa trị
Thực tế hiện nay cho thấy người lớn bị ung thư thì 2/3 là tử vong sau khi phát hiện và chữa trị, do việc tầm soát chưa được thực hiện thường xuyên nên không phát hiện bệnh trong giai đoạn ban đầu, đến khi phát hiện bệnh thì thường đã nặng, tổn thương và xâm lấn của khối u đến nhiều vị trí cơ thể, do vậy chi phí chữa bệnh rất cao mà khả năng sống thấp.
Trong khi đó, trẻ em mắc bệnh ung thư (bệnh nhi ung thư) có đến 2/3 được chữa trị là sống và hết bệnh, có thể hội nhập với cuộc sống sau này bình thường. Chỉ số chữa trị sống cho bệnh nhi ung thư ở Mỹ lên đến 80%, còn ở Việt Nam do phát hiện trễ, điều kiện chữa trị có những lúc thiếu thốn, phụ thuộc chủ yếu vào bác sĩ điều trị (mà lực lượng bác sĩ điều trị ung thư nhi hiện rất thiếu), tỉ lệ sống và khỏi bệnh cũng khoảng 50%.
Vấn đề là hiện nay bệnh nhi nhập viện thường đã ở giai đoạn nặng do cuộc sống khó khăn nên không phát hiện bệnh sớm, trình độ dân trí thấp nên sự hiểu biết và ứng phó khi phát hiện bệnh không chuẩn, khiến cho việc chữa trị thêm khó khăn và chi phí rất cao. Thực tế các bệnh nhi ung thư nhà khá giả cha mẹ đã đưa ra nước ngoài chữa trị, bệnh nhi điều trị trong nước thường do gia đình nghèo, đông con nên không thể chăm sóc và chi trả tốt tiền thuốc thang theo phác độ điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Đình Văn, Phó Trưởng khoa Ung bướu - Huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết qua thực tế điều trị bệnh nhi ung thư, ông nhận thấy việc chữa trị ung thư tập trung và kéo dài thời gian nên gia đình mất công ăn việc làm, do đó có gia đình đã tước đoạt quyền được chữa trị tới cùng của các bé.
Bác sĩ Nguyễn Đình Văn thẳng thắn đưa ra ý kiến nhận xét: “Thường người lớn bị ung thư việc chuẩn đoán và chữa trị khó khăn, do bệnh tiến triển chậm và khi đã xâm lấn nhiều bộ phận mới phát hiện, do đó tỉ lệ sống thấp. Vì thế, khi bị bệnh tâm lý chết là hết nên họ dốc toàn bộ của cải và sức lực để chữa trị cho chính mình. Trong khi đó, bệnh nhi ung thư, nếu mang tâm lý bệnh là chết thì có những gia đình cân nhắc, vì họ còn vài người con nên có khi không dốc hết lực để chữa trị.
Chưa kể, người lớn sau khi dùng thuốc thì về, vẫn có thể làm việc có thu nhập, trong khi bệnh nhi cần chữa trị thường xuyên, việc chăm sóc khiến cho gia đình mất công ăn việc làm. Vì thế, việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư thường khó khăn hơn là vậy”.
Phát hiện ung thư, hãy đưa trẻ đến bệnh viện
Việc nhận biết để phát hiện bị bệnh ung thư giữa bệnh nhân nhi và người lớn cũng khác nhau. Người lớn bị ung thư sẽ diễn ra trong một quá trình và thể hiện ra ngoài khác nhau nên cần phải được tầm soát thường xuyên để sớm phát hiện bệnh mới có thể chữa trị kịp thời.
Trong khi đó, bệnh nhi thường phát bệnh ngay, thể hiện bệnh ra bên ngoài, do vậy người thân trong gia đình cần tăng cường nhận thức để sớm phát hiện bệnh. Chẳng hạn, khi thấy trẻ sốt kéo dài, mệt mỏi, bầm da và có xuất huyết kéo dài, đau nhức xương... là có thể nghi ngờ bệnh. Bác sĩ Nguyễn Đình Văn lưu ý, ví dụ trẻ biết đi, đang đi chạy chơi bỗng bắt bố mẹ bế, hoặc té rồi ngồi trên giường không chịu đi lại vì đau có thể nghĩ đến ung thư máu, nổi hạch hay khối u cổ, bẹn, bụng, nhức đầu kéo dài, tăng dần, kèm ói vào buổi sáng thì có thể là u não…
Điều mà bác sĩ Nguyễn Đình Văn luôn muốn các bậc cha mẹ cần phải hiểu, ung thư nhi đa số phát hiện tiên lượng không xấu, cần được đưa vào các cơ sở y tế chữa bệnh ngay. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư nhi không phải là máy móc mà là phụ thuộc thuốc, do vậy phải phụ thuộc bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ có chuyên môn, được đào tạo bài bản.
Hiện nay thuốc trị ung thư cho bệnh nhi đã rất tốt, giảm độc tố cho bệnh nhi, nên không cần đẩy mạnh nghiên cứu thêm, trong khi người lớn tỉ lệ sống thấp nên tập trung vào nghiên cứu thuốc mới. Việc chữa trị ung thư cho người lớn phải trúng đích và chi phí cao, chẳng hạn ung thư máu chữa hết vài trăm triệu đến cả tỉ nhưng bệnh vẫn có thể tiến triển, trong khi bệnh nhi ung thư máu có khi chữa chỉ tốn ước trên 100 triệu đồng là có thể khỏi.
Tuy nhiên, lĩnh vực điều trị bệnh nhi ung thư hiện nay không thu hút các bác sĩ theo đuổi vì điều trị ung thư trẻ em biến chứng nhiều hơn, tác dụng phụ nhiều, không đủ khả năng điều trị hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. Điều trị bệnh nhân ung thư nhi, thường kéo dài, gia đình nghèo, nên chữa xong hết tiền, các bác sĩ không đành lòng. Hiện nay ở Bệnh viện Nhi đồng 2 thì các khoa sơ sinh, hồi sức và ung thư là các khoa bị coi là “tiêu tiền” của bệnh viện.
Do qui định của bảo hiểm y tế, mức trần thanh toán hiện nay 8 triệu đồng/tháng, đôi khi phác đồ điều trị phải sử dụng thuốc đắt tiền lên đến 12 triệu đồng/tháng, bảo hiểm không trả phần chênh lệch 4 triệu đồng vượt trần mà bệnh viện phải bù vào. Và thật sự, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang làm tất cả những điều này để mang lại sự sống cho các bệnh nhi ung thư.
Văn Minh hoa
Thể thao & Văn hóa