(Thethaovanhoa.vn) - Khi thị trường âm nhạc ngày càng phát triển và phát triển đa dạng, bản quyền âm nhạc lại càng được quan tâm hơn cả khi đây là hệ sinh thái cần được phát triển lành mạnh để kích cầu sản phẩm.
Sản phẩm âm nhạc cũng như các sản phẩm tiêu dùng khác, đều được tạo ra từ trí tuệ và tác giả là chủ sở hữu hợp pháp có đầy đủ các quyền lợi, quyền thù lao công bằng và xứng đáng do pháp luật quy định.
Theo đó, nếu sản phẩm tiêu dùng được mua – bán dựa trên thỏa thuận thì sản phẩm âm nhạc cũng được sinh tồn như vậy dựa trên luật bản quyền. Nếu các sản phẩm được bán ra và đem lại lợi nhuận thỏa đáng cho tác giả sẽ tạo thêm nguồn lực sáng tạo cho các nghệ sĩ. Và ngược lại, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền công nghiệp âm nhạc khi thiếu hụt sản phẩm.
Câu chuyện tưởng chừng như rất dễ hiểu này lại không hề dễ tiếp nhận trong môi trường phát triển âm nhạc bấy lâu nay.
Tại hội thảo trực tuyến về kinh doanh âm nhạc Việt Nam: Vietnam Music Week diễn ra ngày thứ 3 (3/6), đại diện của VCPMC (Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam) cho hay, lý do là bởi khi luật bản quyền âm nhạc theo luật sở hữu trí tuệ ra đời năm 2005, hành lang pháp lý chưa đủ để bao quát thực tiễn, trong khí đó, đại đa số cộng đồng, đặc biệt là những người trực tiếp sử dụng âm nhạc có hiểu biết chưa cao nên việc vi phạm diễn ra phổ biến.
Trong khi lĩnh vực sử dụng âm nhạc lại phủ sóng rất rộng, hầu như có mặt trên tất cả các “mặt trận”: intertnet, website, khách sạn, quán cà phê, phòng trà, truyền hình…. Và không phải đơn vị nào cũng hiểu đầy đủ về luật hay biết về đơn vị đại diện tập thể quyền và phải xin phép sử dụng khi kinh doanh.
Nhạc sĩ Huy Tuấn: “Nếu chưa giải quyết được vấn đề bản quyền thì nhạc Việt vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn” |
Cho đến nay, về cơ bản, lỗi của các đơn vị sử dụng vi phạm bản quyền âm nhạc mắc phải vẫn “quanh quẩn” về quyền tác giả và quyền liên quan.
Chính vì thế, những câu hỏi như:
- Thời gian qua, có rất nhiều producer trẻ remix một số ca khúc của những nghệ sĩ lớn (chiếm tỉ lệ 80%) và đã bị "ăn gậy bản quyền" rất nhiều.
Trước đây hồi năm 2019 có trường hợp bộ phim Ngôi nhà bươm bướm sử dụng ca khúc của Noo Phước Thịnh mà không có sự xin phép, buộc phải bồi thường kha khá nhiều tiền.
Vậy làm thế nào để bên bản quyền gỡ những vướng mắc muôn thưở trong việc bảo đảm bản quyền của bất kì một bản remix và bên tác quyền không làm khó nhau trong quá trình làm việc?
- Gần đây cộng đồng fans của Lady Gaga có khiếu nại về nữ ca sĩ Văn Mai Hương vì đã sử dụng các bài hát trong phim A Star Is Born để phát hành bản cover Tiếng Việt, đi biểu diễn và recorded, phát hành lại trên các nền tảng Youtube/ Facebook/ TikTok.
Vậy chính xác ca sĩ Văn Mai Hương đã có đăng ký/ xin phép tác giả và đơn vị bảo vệ bản quyền đã có bảo vệ được bài hát của ca sỹ/ tác giả chưa?
Những câu hỏi đặt ra ở trên cho thấy tính thời sự của vấn đề bản quyền chưa khi nào “nguội”.
- Kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam: Tiếp thị độc quyền bằng Music DNA
- Hội thảo trực tuyến ngành kinh doanh âm nhạc Việt Nam: Nhiều tiềm năng nhưng...
Các đại diện của VCMPC cho hay, về trường hợp của ca sĩ Noo Phước Thịnh, ca khúc được nhắc đến ở đây là Mãi mãi bên nhau.
Tác giả ca khúc là Đỗ Hiếu - thuộc thành viên của VCMPC. Bên sản xuất phim đã xin phép VCPMC khi sử dụng ca khúc. Tuy nhiên, trong hợp đồng ủy quyền giữa tác giả và VCPMC, điều khoản cấp phép quyền tác giả lại không bao gồm quyền liên quan là biểu diễn, hòa âm phối phí. Vì thế, khi nhà sản xuất thuê ca sĩ và nhạc sĩ hòa âm phối khí lại bản mới cho ca khúc này là thuộc quyền liên quan và việc dùng sound recording của Noo Phước Thịnh được xem là vẫn chưa đủ quyền sử dụng.
Trong khi đó, đơn vị đại diện quyền sở hữu tác giả của Lady Gaga thuộc đối tác hợp tác song phương với VCPMC nên show diễn của Văn Mai Hương đã có xin phép quyền biểu diễn. Tuy nhiên, quyền sao chép và phát hành thì VCPMC còn cần phải... kiểm tra lại.
Quy trình lên "gậy" bản quyền trên Youtube của VCPMC Có thông báo về thời hạn để những bên liên quan có thời gian liên hệ, giải quyết về sản phẩm vi phạm. Quá thời hạn trên, VCPMC sẽ xử lý theo quy định. |
Cùng với những chia sẻ cụ thể về hai trường hợp trên, VCMPC cũng cho biết, hiện nay, việc kiểm soát các ca khúc trên Youtube là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, ở một số quyền hạn nhất định, VCPMC cũng có thể lên "gậy" gỡ sản phẩm vì lý do vi phạm bản quyền tại đây.
Theo đó, lời khuyên dành cho tất cả những ai có nhu cầu sử dụng âm nhạc của các tác giả vào tất cả các mục đích ngoài mục đích phi lợi nhuận, không bị thu phí (được quy định ở điều 25 của luật sở hữu trí tuệ) thì: cần tìm hiểu về quyền tác giả cũng như quyền liên quan để tránh rủi ro pháp lý cũng như thiệt hại về quyền lợi.
- Nếu là quyền tác giả: cần liên hệ xin phép tác giả hoặc đơn vị được tác giả ủy quyền như VCPMC ( hiện nay, đơn vị này đã có 4600 nhạc sĩ Việt Nam và hơn triệu nhạc sĩ quốc tế ủy quyền). Khi xin phép, cần nêu rõ mục đích làm gì, thời hạn và phạm vi sử dụng.
- Nếu là quyền liên quan (remix, cover, ghi âm, ghi hình, phát sóng...): vẫn phải tìm hiểu về quyền tác giả để có license (giấy phép) từ chủ sở hữu quyền.
Cùng với trách nhiệm của người sử dụng âm nhạc, chính những chủ sở hữu sản phẩm cũng phải có trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi của mình như đi đăng kí bản quyền hoặc kí hợp đồng ủy quyền cho các đơn vị đại diện. Đặc biệt, nếu đồng tác giả, phải có sự thỏa thuận rõ ràng về tỉ lệ phân chia quyền sở hữu.
Thanh Tú
Tags