(Thethaovanhoa.vn) - Khi xuất hiện thông tin một đơn vị truyền thông trong nước đã mua bản quyền truyền hình giải đấu King's Cup 2019 với mức giá lên tới gần 7 tỷ đồng, đã có những tranh luận nổ ra. Thậm chí với không ít người, đây quả là con số gây sốc.
Vẫn biết rằng King’s Cup 2019 được tính điểm tích lũy cho các đội tuyển quốc gia, bởi giải nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA. Nhưng suy cho cùng và thực tế đây chỉ là giải giao hữu.
Đội tuyển Việt Nam chúng ta cũng chỉ thi đấu 2 trận và cũng không đặt nặng vấn đề thành tích tại giải đấu này. Ông Park chỉ xem đây là dịp để kiểm tra lực lượng, chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022 tháng 9 sắp tới.
Con số gần 7 tỷ đồng (khoảng 280.000 USD) như thông tin được công bố cũng tăng vọt tới trên dưới 7 lần so với giá bản quyền truyền hình các mùa trước của King’s Cup (chỉ trên dưới 40.000 USD).
Nhiều quan điểm trong giới chuyên môn đặt câu hỏi rằng, phải chăng mức giá đã được đẩy cao, vì những mục đích khác (giá trị thương mại chẳng hạn) ngoài bóng đá. Tính xác thực của con số này là bao nhiêu, cũng chưa có khẳng định. Chỉ có điều rõ ràng giá bản quyền truyền hình King’s Cup 2019 đã tăng nhiệt nhiều lần.
Phải chăng đắt xắt ra miếng hay chính sự nâng tầm của đội tuyển Việt Nam và nhu cầu của người xem tác động và góp phần quyết định chuyện này? Cũng có thể Thái Lan đã khôn ngoan, trong việc lựa chọn đối thủ và thổi sức nóng, qua đó thổi giá của King’s Cup lên cao vút.
Cần nhắc lại một chi tiết, khi nhìn vào cách những nhà tổ chức King’s Cup 2019 bất ngờ thay đổi thể thức thi đấu, tiến hành bốc thăm qua đó giúp gặp Việt Nam ngay trận đầu tiên thay vì Ấn Độ, cũng đã sáng tỏ nhiều điều. Thái Lan rất biết cách để làm tăng độ nóng giải đấu họ tổ chức, từ đó tối đa hóa và có điều kiện để thu về những giá trị kinh tế.
Khi mời đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Ấn Độ dự King’s Cup, Thái Lan đã dự báo giải đấu sẽ nóng lên. Họ đã nhìn ra sự quan tâm của người hâm mộ Việt Nam đối với đội tuyển quốc gia đã tăng cao hơn lúc nào hết. Từng đường đi nước bước của thầy trò HLV Park Hang Seo đều thu hút sự chú ý công luận, truyền thông.
Thái Lan có lẽ đang không vui vì gần 2 năm qua bị Việt Nam vượt mặt ở những cấp độ và giải đấu, nhưng không muốn nhìn Việt Nam qua mặt chỉ là lát cắt của vấn đề.
Thái Lan đã làm mọi cách để làm nóng giải đấu, với cả những tranh cãi ồn ào, những lời thách đấu, thậm chí còn dùng những từ mang tính ăn thua như “phục thù”, “đòi nợ” với đội tuyển Việt Nam. Đó là điều đã đành, còn đẩy giải đấu nóng lên bất thường, dường như để phục vụ cho mục đích khác.
Điều này đã có lợi rất nhiều với giải đấu, cụ thể là vấn đề bản quyền. Chưa bao giờ King’s Cup lại bán được giá bản quyền với mức cao như bây giờ. Cũng cần nhắc lại rằng ở những năm trước, Thái Lan thậm chí còn phát sóng miễn phí King’s Cup, bởi lúc đó, chẳng có đơn vị truyền hình nào đâm đầu vào mua một giải giao hữu.
Nếu đúng là Việt Nam phải bỏ ra tới 7 tỷ đồng để mua bản quyền King’s Cup thì mức giá “bỗng dưng muốn thét” đó phải chăng là cần thiết? Hay ngược lại, chúng ta đã bị đối tác ép giá và thật sự lãng phí, vì chưa chắc đã có đông đảo khán giả truyền hình trong nước lúc này quan tâm đến 2 trận đấu của thầy trò ông Park ở đất Thái.
Suy cho cùng, đây là giải đấu mà HLV Park Hang Seo xác định là nơi thử nghiệm đội hình, chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022, chứ không nặng tính ăn thua như người Thái.
Nhìn câu chuyện ở khía cạnh khác sẽ thấy một điều rất rõ ràng. Làm bóng đá bây giờ không chỉ là làm chuyên môn, mà phải nghĩ đến chuyện làm ra giá trị thương mại và khuếch trương thương hiệu.
Giá trị thương mại của King’s Cup được đẩy lên cao vùn vụt đến từ những động thái có lộ trình và tính toán hẳn hoi, khi bằng cách này hay cách khác, mời cho bằng được Việt Nam và Ấn Độ, những đội bóng đang để lại duyên nợ với người Thái lúc này.
Với bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá trong thời đại kim tiền thì mục đích cuối cùng vẫn là hiệu quả về tài chính, để có nguồn lực tài chính theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”, nhằm từ đó có thể phát triển lâu dài và ổn định.
Xét dưới góc độ này thì phải thừa nhận với nhau rằng, chúng ta đang lãng phí. Hay chính xác hơn, chưa nhìn ra và nắm bắt được cơ hội như thế, nếu nhìn lại đã bao năm King’s Cup được phát sóng miễn phí, hoặc có bán thì cũng giá rẻ trời cho.
Vậy nên, nếu thật sự giá tiền phải trả của đơn vị Việt Nam mua bản quyền truyền hình cao ngất ngưởng như thế đồng nghĩa với việc đối tác Thái Lan rất am hiểu thị trường Việt Nam. Họ đã xác định chính xác và đánh trúng vào nhu cầu và cả thị hiếu lúc này của người hâm mộ Việt Nam.
Gần 7 tỷ đồng cho 2 trận đấu. Liệu đắt có xắt ra miếng?
Trần Tuấn
Tags