(Thethaovanhoa.vn) - Vào tối 28/5 tới đây tại Hà Nội sẽ diễn ra phiên đấu giá 5 tác phẩm nghệ thuật, mà điểm nổi bật của nó là có giá dự kiến khá cao. Nhà tổ chức đấu giá có quyền định giá tác phẩm cần bán, nhưng ra giá như thế nào để phù hợp với thực tế thị trường lại là một điều rất cần bàn.
Ví dụ đôi chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo sẽ được bán với giá 2 tỷ đồng, sau đó một thời gian tân chủ nhân muốn bán lại, Công ty Cổ phần bán đấu giá Lạc Việt có mua không? Và mua thì sẽ mua với giá bằng bao nhiêu phần trăm đã bán?
Câu hỏi này đặt ra không phải để tranh luận với Công ty Cổ phần bán đấu giá Lạc Việt, mà để thấy rằng việc định giá bán không hề đơn giản. Việt Nam chưa đủ hệ thống thẩm định, làm giá, định giá, ngân hàng, bảo hiểm… và lịch sử đấu giá đủ dài để có thể dự kiến hợp lý giá bán cho một tác phẩm nào đó. Đặc biệt với những trường hợp mà tên tuổi còn mới mẻ với thị trường.
Phạm Anh Đạo từng được xem là nghệ nhân khuyết tật trẻ tuổi nhất của gốm Bát Tràng. Thế nhưng, trên thị trường nghệ thuật quốc tế và Việt Nam, nghệ nhân này chưa có nhiều tác phẩm được bán qua các phiên đấu giá công khai, vậy thì dựa vào tiêu chí nào để định giá bạc tỷ cho đôi chóe kia?
Sở dĩ vừa rồi ông trùm truyền thông Vương Trung Quân dám bỏ ra 207 triệu NDT (tương đương 704 tỷ VND) để mua một bức thư của Tăng Củng (1019-1083) là vì nó đã liên tục được đấu giá tại Bắc Kinh. Cách đây hơn 40 năm, trong một phiên đấu tại châu Âu, bức thư này đã được bán với giá tương đương 5 ngàn euro hiện nay.
Ngay cả với các danh họa lừng lẫy trên thị trường hiện nay như Pablo Picasso, Van Gogh, Mark Rothko, Willem de Kooning, Jackson Pollock… thì vẫn có rất nhiều tác phẩm được bán với giá 5-10 ngàn USD. Những tác phẩm đạt giá hàng chục, hàng trăm triệu USD đều có khởi điểm tương đối “dễ thở” trong quá khứ, nó phải có lịch sử mua bán rõ ràng, hấp dẫn.
Điều này cũng đúng với nhiều họa sĩ Việt Nam, ví dụ như Đào Hải Phong tại phiên đấu sắp diễn ra, từ 50 - 120 triệu đồng là chấp nhận được. Bởi nhiều năm qua, với các tác phẩm sơn dầu có kích thước vừa (chừng 80 x 130 cm) của họa sĩ này, nhà đấu giá từng bán vào khoảng 4.000 đến 6.000 USD. Trong khi với Hoàng Phượng Vĩ, Quách Đông Phương… thì cần suy nghĩ lại, tác phẩm họ có thể đẹp, nhưng chưa có nhiều dấu ấn tại các phiên đấu giá.
Tại Việt Nam đã diễn ra một số phiên đấu giá dạng từ thiện, nơi đó có tác phẩm bán được cả chục tỷ đồng. Hoặc như chuyện một nữ họa sĩ qua Singapore tự đề giá tranh mình 1 triệu USD, bán được hay không chẳng quan trọng.
Hoặc năm 2009 Nguyễn Khắc Cường tự rao bán tác phẩm Cây đời vĩ đại của mình với giá 180 tỷ đồng. Những trường hợp này, nếu bán được, đều xếp vào ngoại lệ, nó không hề phản ánh mặt bằng chung hoặc xu thế của thị trường nghệ thuật.
Chính vì vậy, việc tổ chức các phiên đấu giá như tối 28/5 tới đây là rất cần thiết, nên làm thường xuyên, nó không chỉ giúp tạo cơ sở nền tảng cho tương lai đấu giá, mà còn là cách để điều chỉnh giá bán nghệ thuật. Nhìn lại khoảng 30 năm tham gia thị trường quốc tế, dù nghệ thuật Việt Nam vẫn thuộc khu vực giá thấp, nhưng trong đó lại có nhiều nhân tố tự đề giá bán quá cao. Điều này rất cần điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags