Bàn thờ Việt trong ánh sơn mài vàng son

Chủ nhật, 06/02/2022 13:28 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi rất ấn tượng với triển lãm tranh sơn mài Nối... tiếp! của họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc diễn ra cuối năm qua tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Nguyễn Tiến Ngọc không ngần ngại vẽ cả chiếc bàn thờ.

'Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020': Sơn mài - vẫn cần sự đột phá

'Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020': Sơn mài - vẫn cần sự đột phá

Trưng bày 48 tác phẩm của 38 tác giả, Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Dù chưa thật bao quát, nhưng có thể xem đây là một lát cắt về những tác giả làm sơn mài theo kỹ thuật truyền thống tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Đó là không gian linh thiêng trong các gia đình Việt Nam, nhất là những dịp lễ, tết - nơi dần được đồng nhất với thế giới bên trên bầu trời, trong đó hai cây nến tượng trưng cho đôi vầng nhật nguyệt, các nén hương tượng trưng cho tinh tú…

“Bàn thờ dân dã khu vực châu thổ sông Hồng của người Việt Nam là những di sản phi vật thể vô cùng quý báu… Vẻ đẹp đó được kết tinh lại sâu sắc trong hiện tại đang có được là nhờ quá khứ nghìn năm vun đắp mà thành”. Những hình ảnh về đồ thờ, lễ hội xuất hiện giản dị và trang trọng trong nhiều tác phẩm.

Trong triển lãm này, bên cạnh việc chiêm ngưỡng các tác phẩm sơn mài với những hiệu ứng của tạo hình, thì ý nghĩa biểu tượng và lối thể hiện của cá nhân nghệ sĩ là phần có sức nặng không kém. Xin được cùng chiêm ngưỡng và gợi mở những giá trị đó.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc

Chất thời gian trong sơn mài Nguyễn Tiến Ngọc

Nhìn vào triển lãm, người ta thấy một không khí ấm cúng bởi gam màu nóng chủ đạo trong các tác phẩm. Nghệ sĩ chủ yếu sử dụng vàng, bạc để tạo chất. Đỏ của son, kết hợp độ trong của sơn cánh gián, sơn then của phẩm màu, thêm vào sắc xanh của phẩm trên bạc.

Vàng, đỏ son là hai chất màu cơ bản của tranh sơn mài hiện đại và cũng là chất “vàng son” của lịch sử sơn mài Việt Nam, gắn với nghệ thuật sơn ta trang trí trên đình chùa di tích. Những sắc xanh như làm nhiệm vụ cân bằng lại với hiện tại, mang màu sắc của văn hóa lúa nước, để sơn mài đi tiếp vào đời sống dân dã.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nối tiếp 1"

Bút pháp ấn tượng kết hợp gợi tả, ước lệ, đồng nhất với tinh thần tôn trọng những biểu tượng truyền thống. Bên cạnh đó, sự bóp méo hình thể mang đến lối biểu hiện giàu cảm xúc của tác giả. Ở nhiều tranh, vật thể được tối giản trong không gian hai chiều, gợi tính tượng trưng về ý nghĩa nhiều hơn tả hình chất.

Cảm giác về thời gian hiện rõ trong màu thâm trầm của cánh gián, qua hiệu ứng bong tróc nứt nẻ của khảm trứng, đôi lúc ánh vàng bao quanh các đồ vật gợi vẻ hào quang của quá khứ và tâm linh. Nhiều chỗ mất hình hay hình và nền được xóa nhòa ranh giới, khiến các hình tượng hiện lên như ảo ảnh trên nền tối. Không gian đồng hiện với rất nhiều vật thể được bố cục tưởng chừng lộn xộn lại là chủ ý góp phần thể hiện hiệu quả cảm giác đan xen giữa ký ức và hiện tại, giữa thực và hư.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nối tiếp 8"

Như vậy, vẫn bằng những hiệu ứng và thủ pháp quen thuộc trong sơn mài hiện đại, nhưng chính việc lựa chọn và đồng bộ những thủ pháp tạo hình thích hợp với biểu cảm cá nhân, họa sỹ đã tạo nên một tinh thần giản dị nhưng vẫn sâu lắng cho các tác phẩm.

Biểu tượng văn hóa trong “Nối… tiếp”!

Hệ thống biểu tượng của tín ngưỡng, văn hóa dân gian Việt Nam xuất hiện trong tranh Nguyễn Tiến Ngọc với mật độ dày đặc. Trong xã hội Việt Nam hiện đại, những hình thức của nghi lễ và đồ thờ cũng ít nhiều thay đổi và giản lược ngay trong cái nôi làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

“Đồ thờ là hình thức vật thể, hoặc đơn sơ, hoặc vô cùng phức tạp về thẩm mỹ chế tác, lệ thuộc hoàn cảnh cụ thể mỗi thời kỳ lịch sử…” – anh cho biết. Ở một mức độ nhất định, những ý nghĩa gốc quan trọng của nó vẫn được bảo lưu trong dân gian và những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nối tiếp 9"

Nguyễn Tiến Ngọc không ngần ngại vẽ cả chiếc bàn thờ. Đây cũng là hình ảnh của chiếc bàn thờ đã được biến đổi và đơn giản hóa từ những chiếc nhang án, sập thờ. Nhiều gia đình nhỏ được tách ra và trong điều kiện diện tích nhỏ hẹp, chiếc bàn thờ giản đơn được thiết kế treo trên tường cao, phần nào cho ta thấy được dấu ấn của một thời khó khăn trong mỗi gia đình Bắc bộ và sự cố gắng thích nghi của việc duy trì sợi dây tâm linh trong điều kiện sống mới.

Bên cạnh đó tác giả cũng thể hiện những ban thờ đầy đủ sung túc trên nhang án bằng những bức tranh khổ lớn. Ngày Tết, bắt đầu một năm mới, ban thờ được trang hoàng đẹp đẽ nhất. Bàn thờ dần được đồng nhất với thế giới bên trên bầu trời, trong đó hai cây nến tượng trưng cho đôi vầng nhật nguyệt, các nén hương tượng trưng cho tinh tú. Trong những nghiên cứu của học giả Trần Lâm Biền có nói tới: “Những biểu hiện lễ hội của cộng đồng nguyên thủy là một trong những hình thức tiếp cận sớm nhất với tinh thần của loài người… trong đó, cư dân Việt nguyên thủy thờ thần mặt trời, từ lửa sinh ra khói, dần con người hội tụ vào nến và hương”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nối tiếp 13"

Bởi vậy, những gia đình Việt Nam còn sự hiểu biết nguồn gốc này, không bao giờ sử dụng hương nến điện vì ý nghĩa của nến hương truyền thống nhờ có khói mới tiếp cận được với tổ tiên, thần linh.

Trên ban thờ còn có một vật quan trọng là chiêc “độc bình” trong ý nghĩa “đông bình, tây quả”: phía bên trái đặt một lọ độc bình và phía bên phải đặt một chiếc mâm bồng đựng ngũ quả vào ngày lễ. Điều này được giải thích trong nghiên cứu Đồ thờ trong di tích của người Việt của tác giả Trần Lâm Biền: “Sự sắp xếp trên chứa một ý nghĩa sâu xa mang tính triết học. Chiếc bình rất đẹp, nhưng người ta không sử dụng để đổ nước và cắm hoa vào đó, vì nó tượng trưng cho “tâm không” của Đạo Phật, biểu hiện về khía cạnh sâu xa mang tính bản chất của Đạo Phật nhằm kêu gọi chúng sinh phát triển từ tâm vì muôn người muôn loài đã cùng một gốc, và đồng thời bình mang tính biểu tượng hướng đến tâm đạo, trí tuệ.” Và “…ngày nay di nhận thức ngày một phát triển và phần nào tùy tiện mà người ta đặt lên bàn thờ không chỉ có một mâm bồng mà nhiều mâm bồng nhỏ khác nhau, thậm chí đã có hoa giấy lại còn thêm cả hai lọ hoa tươi mà quên mất ý nghĩa của lọ độc bình”.

Bên cạnh việc thờ cúng gia tiên và Phật, thần linh thổ địa riêng lẻ trong mỗi gia đình, thì các lễ hội chung ở đình chùa là một nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội không chỉ làm nhiệm vụ tôn vinh những vị thần linh chung, cố kết cộng đồng làng xã, thể hiện mong ước cho đời sống ấm no mà còn là dịp “cài cắm” những tín ngưỡng phồn thực của sự sống và cái chết để giáo dục con cháu một cách hết sức tự nhiên. Bởi vậy, tác phẩm đám rước trong triển lãm của Nguyễn Tiến Ngọc mang một ý nghĩa quan trọng trong mạch ý của triển lãm.

Triển lãm Nối… tiếp! của họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc đem đến một cái nhìn trân trọng và giàu biểu cảm về những nét văn hóa dân gian đẹp đẽ của cộng đồng Việt Nam, đặc biệt là vùng châu thổ sông Hồng. Gia đình Việt ngày nay, dù có giàu có hiện đại hay điều kiện kinh tế eo hẹp đến đâu cũng không bỏ bàn thờ thần linh, gia tiên. Có lẽ bởi đó cũng là nét văn hóa cơ bản còn lại để kết nối với cội nguồn quá khứ và bám rễ để mong cầu sự phù trợ về mặt tâm linh của cộng đồng Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nhớ 7"
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Lễ rước Thánh"
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Đồ chơi dân gian"
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Đèn 5 bấc"
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Khẩu niệm"

  Trần Thu Huyền
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›