Bàn tròn: Bóng đá Việt 'lưu danh' World Cup!

Thứ Tư, 25/06/2014 14:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thêm một lần nữa, bóng đá Việt Nam được thế giới nhắc đến, theo cách không tích cực cho lắm. Bàn tròn hôm nay sẽ nói về vấn đề này, với khách mời là nhà báo Dương Thanh Liêm (báo Thể Thao 24h), nhà báo Trương Anh Ngọc (TTXVN) và nhà báo Phan Tất Đức (TT&VH).

Phạm An: Các anh nghĩ thế nào về việc Raul Albiol vừa qua lấy bóng đá Việt Nam (BĐVN) làm ví dụ để thanh minh cho quyết tâm của đội tuyển TBN, cụ thể, anh ta nói: “Đây là World Cup, chứ không phải một trận giao hữu ở Việt Nam”?

Thanh Liêm: Tôi hiểu theo nghĩa Albiol bị ấn tượng bởi sự "đặc biệt" của BĐVN. Cái đó không xấu, chẳng có gì to tát cả, cũng không nên nhìn theo khía cạnh tích cực hay tiêu cực.

Phạm An: Thực tế là bóng đá nội của chúng ta không chỉ "đặc biệt", thưa anh? Một nền bóng đá bạo lực, tiêu cực, điều hành kém, khán giả quay lưng và thành tích quốc tế cũng kém thì không thể cho là chỉ "đặc biệt", mà còn thật sự yếu kém và đáng xấu hổ?

Thanh Liêm: Sự yếu kém và đáng xấu hổ thì là điều rõ ràng, với BĐVN sau bao nhiêu chuyện xảy ra. Nhưng tôi không nghĩ họ nhắc đến Việt Nam với hàm ý tiêu cực, về sự yếu kém và đáng xấu hổ.

Sự đặc biệt ở đây, có thể đúc kết bởi "cắt nghĩa" của các CĐV Quảng Ninh trên khán đài sân Chi Lăng trận play-off với Navibank Sài Gòn 3 năm trước: VFF - Vietnam football funny và "đúc kết" của ông Chủ tịch VFF 2 nhiệm kỳ Nguyễn Trọng Hỷ: "Chuyên nghiệp ở Việt Nam khác các nước khác".

“Làm sao thoát khỏi sự “tự hào” nhược tiểu?”

Phạm An: Thật ra, với mỗi lần quốc tế nhắc đến chúng ta, từ chuyện biển báo cấm người Việt, Mourinho, rồi Albiol, và còn nhiều nữa, đó có lẽ là dịp để tất cả tự nhìn lại mình. Có lẽ là lúc để chúng ta thoát khỏi tâm lý "tự hào" rất nhược tiểu như thường thấy?

Tất Đức: Có một lá thư của một bạn trẻ gửi Abiol trên một báo điện tử có lượng like (thích) và share (chia sẻ) rất cao. Phần lớn trong đấy là chỉ trích Albiol và tỏ sự ái rất cao. Ở đây, tôi thấy dường như văn hóa của chúng ta có vẻ quá nhạy cảm và dị ứng với việc bị chê (dù ở trường hợp này tôi không hề thấy Albiol có ý chê bai gì). Với các tiếp cận vấn đề theo kiểu này tôi e rằng chúng ta không có cơ hội phát triển, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá.

Tôi vẫn nhớ 1 giai thoại về người Nhật, rằng họ tặng cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang sau 1 trận giao hữu chiếc giày nhỏ để ám chỉ bóng đá Nhật so với BĐVN chỉ là chiếc giày nhỏ. Chỉ có cái nhìn thực tế, biết mình là ai và đứng ở đâu như vậy mới có thể đưa bóng đá cũng như xã hội vận động tiến lên mà thôi.

Trương Anh Ngọc: Chuyện ai đó nhắc đến chữ "Việt Nam" với hàm ý tiêu cực thực ra không có gì quá đặc biệt, bởi trong tiềm thức của người Phương Tây, Việt Nam đồng nghĩa với các cuộc chiến, thậm chí 1 cái gì đó lạc lậu. Chẳng hạn ở Italy, khi nói đến "Việt Nam", người ta có ý nói đến những xung đột nghiêm trọng, ví dụ như "cuộc chiến giữa các thành viên trong đảng là một "Việt Nam", nghĩa là rất căng thẳng và mệt mỏi.

Các bạn ở nhà không biết là ở Italy và Tây Ban Nha, BĐVN được nhắc đến, nhưng chủ yếu là những thông tin gì không? Bán độ và những pha đá thô bạo. Cách đây mấy tháng, một pha vào bóng thô bạo ở V-League được đưa lên truyền hình Italy và các trang web thể thao của Italy. Bản chất của thông tin là họ đưa tin những gì xảy ra, nhưng họ chỉ đưa những gì đáng quan tâm, câu khách, kể cả đó là tiêu cực (thường thì tiêu cực đáng chú ý hơn), còn tích cực thì không.

Phạm An: Tôi xin lỗi trước và xin hỏi thêm 1 điều tế nhị là các anh có cảm thấy xấu hổ vì cách hành xử của một bộ phận người Việt so với chuẩn quốc tế, với tư cách là một người Việt Nam?

Tất Đức: Tôi nghĩ bất cứ ai cũng sẽ thấy xấu hổ. Nhưng cái cách xử lý vấn đề liên quan đến cái sự xấu hổ ấy mới là điều quan trọng. Có nhiều người họ xấu hổ rồi tặc lưỡi để đấy hoặc chửi đổng cho sướng miệng rồi thôi. Xấu hổ phải đi liền với hành động khắc phục cái sự xấu hổ mới là điều cần thiết.

Thanh Liêm: Về thái độ của cá nhân tôi khi đọc những phát biểu có nhắc đến Việt Nam, tôi thấy cảm giác hơi bẽ bàng. Bởi tôi cũng lăn lộn, có hiểu biết về BĐVN nên tự tôi thấy mình là một phần trong đó.

Không cần quốc tế nhắc đến Việt Nam trên truyền thông. Khi đi tác nghiệp AFF ở Singapore, họ có thái độ khác dù biết tôi là phóng viên và khi làm thủ tục nhập cảnh thấy các cô gái "túi cứng, tóc vàng" qua Singapore bị dò xét, tôi cũng thấy nhục nhục.

“Hãy tư duy như một công dân toàn cầu”

Phạm An: Tôi đồng ý với mọi người, khi chúng ta nhìn được vào hạn chế bản thân và biết chúng ta đứng ở đâu thay vì tự hào một cách viển vông vì những điều không thật, đó là lúc chúng ta có thể thay đổi. Nhìn thẳng vào sự thật có lẽ là để loại bỏ tâm lý nhược tiểu và để thực sự có động lực hành động.

Nhưng đâu là cái phanh để chúng ta dừng lại đúng lúc giữa hai thái cực: 1) Ảo tưởng vào bản thân; 2) Quay ra chán ghét chính mình?

Tất Đức: Tôi nghĩ rằng đó là tư duy công dân toàn cầu. Nếu cứ quanh quẩn trong góc nhìn của mình thì chỉ nhìn lên được đến miệng giếng và thấy xung quanh thật chật hẹp, chán ngán thôi.

Trương Anh Ngọc: Một trong những điều mà tôi luôn làm với các bạn trẻ là động viên họ mở tầm nhìn ra thế giới, thậm chí phải tự tạo điều kiện để bước ra thế giới. Ở trong nước, đúng là chúng ta tiếp cận với thông tin thật, nhiều thật, nhưng đó là những thông tin rất nhiều chiều đa dạng và nếu không có tri thức, không có quan điểm, ta sẽ bị ngợp và không biết được điều gì tốt, điều gì không. Khi ra thế giới rồi, thực tế sẽ rất khác. Phải đi, phải tiếp xúc, phải học... tóm lại là đừng ngồi 1 chỗ quá lâu trước máy tính!

“Tôi sẽ mời Albiol đến Việt Nam”

Phạm An: Nếu phải nói 1 điều với Raul Albiol, các anh sẽ nói gì?

Tất Đức: Tôi sẽ gửi lời cảm ơn anh ấy, bởi tôi tin rằng những "người lớn" của BĐVN sẽ có cách hành xử khác với kiểu tự ái của các bạn trẻ đã viết thư ngỏ gửi Albiol.

Thanh Liêm: Tôi sẽ nói rằng có thể một ngày nào đó, một ai đó sẽ nói để anh biết rằng: Tây Ban Nha đã mang đến hạnh phúc cho rất nhiều khán giả ở Việt Nam từ EURO, World Cup. Nhưng Tây Ban Nha cũng khiến rất nhiều người tổn thương ở World Cup này. Hạnh phúc hay tổn thương đó, nó là giá trị tốt đẹp nhất mà bóng đá có thể mang lại.

Trương Anh Ngọc: Tôi có thể gặp trực tiếp Albiol và nói chuyện. Không phải chuyện giải thích hay thắc mắc cái gì cả, không phải chuyện nói rằng là tại sao cậu nói thế, Việt Nam đẹp lắm, tốt lắm, mà chỉ nói là lúc nào có thể, cậu hãy đến du lịch ở Việt Nam. Materazzi đã đến rồi, Capello đã đến rồi, cả Beckham nữa. Họ đều rất thích Việt Nam. Giờ đến lượt cậu, Albiol.

Phạm An: Tôi thì sẽ nói với anh ta: Sang Việt Nam, đổ xăng sẽ biết (vừa tăng 330 đồng/ lít). Đây là xăng Việt Nam, không phải xăng World Cup! Cám ơn các anh đã dự bàn tròn!

Thế giới nói về bóng đá Việt

“Vô địch ở giải nào cũng khó, kể cả… Việt Nam” (Jose Mourinho, 2009)

“Một trận đấu tồi. Tôi thà ở nhà bật ti vi xem một trận Việt Nam” (Jose Mourinho, 2009)

“15 phút đầu, ĐKVĐ Thế giới chơi như Việt Nam” (tờ AS, sau trận TBN thua Argentina 1-4 năm 2010)

“Raul và Soldado là người Việt hay sao mà không được gọi vào tuyển TBN” (Tờ Marca, 2011)


Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›