(Thethaovanhoa.vn) - Nghe cử quốc thiều. Khóc. Vượt qua loạt luân lưu. Khóc. Bị loại. Khóc. Chấn thương và không thể tiếp tục chơi ở World Cup. Khóc. Những giọt nước mắt có vẻ “vô tội vạ” ở World Cup lần này là chủ đề của bàn tròn ngày hôm nay, với khách mời là nhà báo Nguyễn Đăng Khoa (báo Một thế giới) và nhạc sĩ Hà Quang Minh.
“Khóc hay chửi thề đều là để giải tỏa tâm lý”
Phạm An: Tôi muốn hỏi các anh một chút về "hiện tượng khóc" ở World Cup lần này. Nó có cảm xúc đến nỗi mà ai cũng khóc một cách vô tội vạ thế không?
2 ngày trước thì HLV tuyển Brazil còn thuê bác sĩ tâm lý để chữa bệnh khóc cho các cầu thủ. Một môn thể thao mạnh mẽ và giàu tính đối kháng mà sao lại có những khoảnh khắc "nữ tính" thế nhỉ, thưa các anh?
Hà Quang Minh: Tại sao chúng ta lại mặc định là “nước mắt” là nữ tính nhỉ? Tại sao đàn ông lại không được khóc nhỉ?
Hãy tra từ KHÓC; CRY; Pleure.... xem nào, toàn đàn ông viết ra những tác phẩm có chữ khóc ấy đấy.
Sinh ra là ta đã khóc rồi, bất chấp giới tính nào.
Đăng Khoa: Nói nữ tính thì cũng không đúng, vì đâu phải bây giờ cầu thủ mới khóc. Chúng ta biết Maradona khóc rất nhiều và cũng là cầu thủ ưa khóc nhất thì phải. Năm 82 thì xem tư liệu Maradona lúc đó 22 tuổi đá trận gặp Italy bị Gentile chơi xấu quá, trận đó Argentina thua thì tôi xem băng tư liệu cũng thấy ông khóc. Năm 1990 thì thua Đức ở chung kết cũng khóc và năm 1986 chắc chắn sướng quá cũng khóc.
Năm 1994 tôi có xem trận Maradona ghi 1 bàn, (trận gì nhỉ) ông chạy lại hôn vô ống kính rồi cũng khóc.
Hà Quang Minh: Theo tôi, khóc, hay chửi thề… đều là những biện pháp giải tỏa tâm lý thôi. Con người ta ở thời điểm nào đó buộc phải chọn một cách để giải toả tâm lý.
Khoa nhắc làm tôi nhớ. Tôi không mê Maradona lắm nhưng rất thích hình ảnh ông ấy khóc.
Hồi 2010 cũng có tuyển thủ Triều Tiên Jong Tae-Se khóc hu hu còn gì.
Đăng Khoa: Nói về nước mắt thì cầu thủ Nam Mỹ khóc nhiều nhất, ở World Cup này cũng vậy. Neymar, Silva, hay James đều khóc. Xưa nay cũng nhiều cầu thủ lừng danh Nam Mỹ cũng hay thế. Tôi nghĩ đó không phải trùng lặp mà vì tôi nghĩ chắc cuộc sống của người dân Mỹ latin sôi nổi, tình cảm và cuồng nhiệt nên họ dễ bộc lộ cảm xúc hơn cầu thủ nơi khác.
“Cầu thủ Việt Nam không dám khóc vì… mắc cỡ”
Phạm An: Nhưng khóc cũng cho thấy biểu hiện của sự mất kiểm soát bản thân, thưa các anh? Thể thao đối kháng cần rất nhiều lý trí chứ, và những giọt nước mắt cho thấy rằng họ để cảm xúc lấn át quá nhiều?
Hà Quang Minh: Một cầu thủ đã chơi trọn vẹn 90 phút, thậm chí 120 phút với sự kiểm soát bản thân cao độ rồi. Thế thì hết trận, ta phải cho họ buông xả ra chứ, cứ gồng lên kiểm soát mãi thế mệt lắm. Mà bóng đá lại cần cảm xúc. Thế nên tôi ủng hộ cầu thủ khóc.
Đăng Khoa: Tôi làm phóng viên bóng đá trong nước, tôi tiếp xúc với nhiều cầu thủ ngoại người Brazil nên đúng là tôi thấy họ có cảm xúc rất tự nhiên trong sân cỏ lẫn ngoài đời khi đi chơi, nhảy múa, ca hát. Họ thả hồn theo cảm xúc và cũng có chút hoang dã, nhất là các cầu thủ Brazil da màu. Nên tôi nghĩ chuyện khóc ở World Cup kỳ này cũng không có gì gọi là mới. Chỉ có điều tôi cũng muốn nói như lần trước là công nghệ truyền hình bây giờ phát triển quá, không có ngóc ngách nào là thoát được ống kính nên sự đặc tả cảm xúc càng thể hiện rõ hơn nữa.
Phạm An: Neymar còn khóc khi cử quốc thiều cơ, anh Hà Quang Minh, và thực tế là những giọt nước mắt "đột xuất" ấy đã khiến những người Brazil rất lo lắng.
Đăng Khoa: À, chuyện cử quốc thiều thì lâu rồi tôi có lần nghe Tấn Tài đội trưởng ĐTVN nói rất mộc mạc: "Cứ mỗi lần nghe quốc ca là em muốn khóc quá anh ơi". Mà cũng đúng, cầu thủ Tây thì tôi không rõ chứ các cầu thủ Việt Nam mình khi đá quốc tế ở các giải SEA Games, AFF Cup họ cũng hay kể là khi quốc ca trỗi lên họ cũng có cảm giác nổi da gà, sởn gai ốc vì xúc động nhưng họ kiềm không dám khóc vì chắc... mắc cỡ.
Các anh cũng biết rồi ở Việt Nam mình có khi thấy cầu thủ khóc cũng đem ra làm đề tài đàm tiếu nên cầu thủ họ cũng "ngượng", còn Tây thì mấy chuyện đó họ tôn trọng coi là điều tốt, nên nếu cầu thủ có khóc thì tôi nghĩ khán giả, nhất là khán giả nhà cũng sướng và yêu quý cầu thủ hơn.
Hà Quang Minh: Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết trong “Hịch tướng sỹ” là “Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Ai dám bảo Đức Thánh Trần là không trượng phu?
Phạm An: Tôi không định kiến với khóc, nhưng các anh thử nghĩ mà xem, các anh vẫn sẽ ngại khóc nếu suy nghĩ rằng "bối cảnh này, khóc là yếu đuối là hèn", chỉ có khóc trong thể thao là được ưu ái vậy thôi!
Đăng Khoa: Trở lại câu chuyện cầu thủ khóc ở World Cup kỳ này, vừa rồi tôi có dịch bài phỏng vấn của CNN với thủ môn Cesar về chuyện Neymar với Silva khóc khi đá penalty với Chile thì Cesar có nói: "Cũng bình thường vì trong hoàn cảnh đó, cảm xúc quá mãnh liệt nên họ bộc lộ cảm xúc ra thôi". Ý Cesar cũng ngầm bảo là "Cầu thủ Brazil lúc đó nhiều anh sợ quá, vì nghĩ đến viễn cảnh bị loại ở vòng 1/8 thì khủng khiếp đến mức nào". Tôi nghĩ một khi sợ quá người ta không khóc ở mắt thì có khi lại "khóc" ở dưới quần ấy chớ (cười).
Hà Quang Minh: Tôi cho là nếu cảm xúc thúc đẩy thì cứ bật khóc. Như thế cho nó hợp tự nhiên. Sợ nhất là không khóc, đá trượt luân lưu xong vẫn nhe răng cười (cười).
“Nước mắt không đáng sợ bằng vô cảm”
Phạm An: Có lẽ chúng ta đều thống nhất rằng sợ nhất là vô cảm các anh nhỉ? Bóng đá Việt Nam và những gì để giải trí nói chung của Việt Nam có lẽ cũng lâu rồi không làm chúng ta phải khóc?
Đăng Khoa: Đúng vậy. Bóng đá Việt mình nhiều lúc muốn khóc thật cho nó cũng chẳng khóc được. Vậy mới sợ. Thà thắng hay thua đều tạo cho người ta cảm giác rưng rưng thì mới là bóng đá chứ bóng đá thắng thua hay đá như thế nào mà từ khán giả cho đến người xem đều trơ trơ ra. Tôi cũng muốn được thấy nước mắt của bóng đá Việt Nam như hồi AFF Cup vậy.
Hà Quang Minh: Vì bóng đá nội không khiến người ta phải quan tâm tới mức VUI-SƯỚNG-ĐAU-KHỔ-TRĂN TRỞ cho nó nữa rồi.
Đăng Khoa: Ở Việt Nam thì hồi trước Thể Công, Cảng Sài Gòn giải thể người ta còn có khóc chút ít, sau rồi giải thể CLB như cái dịch nên chẳng ai khóc dù rằng những cái tên như Bình Định, Khánh Hòa... cũng là máu thịt của người hâm mộ địa phương. Chúng ta bàn về nước mắt nhưng cũng nhớ là BĐVN từ lâu rồi không còn nước mắt, không ai muốn khóc và cũng chẳng biết khóc để làm gì. Mọi thứ cứ trơ trơ ra, tôi làm bóng đá nội tôi sợ thấy cảm giác trơ lỳ đó lắm.
Phạm An: Trung tâm bóng đá Viettel vừa rồi bị giải thể có lẽ cũng đã đủ lấy đi nước mắt của nhiều người, thưa các anh?
Hà Quang Minh: Bác ruột tôi là người góp 1 phần trong việc đổi lại từ cái tên CLB Quân Đội quay trở lại là tên Thể Công. Năm 2000, ông ấy về hưu. Khi Thể Công bị bán cho Thanh Hoá, lúc ấy tôi cũng đã vô cảm với nó rồi. Thế nên Viettel giải thể, tôi càng vô cảm hơn.
Đăng Khoa: Viettel giải thể thì tôi nghĩ có một số cố bi kịch hóa lên vậy thôi chứ để nói rằng khóc thật cho đúng nghĩa từ khóc là không có. Thể Công giải thể người ta đã chai rồi, huống gì Viettel. Có chăng là chúng ta tiếc khi thấy một trung tâm đào tạo trẻ có bài bản, có cơ sở tốt lại bị giải thể theo kiểu lãng nhách như vậy trong khi BĐVN thì đào tạo trẻ đang khủng hoảng. Mất đi một lò đào tạo, dù ko phải là CĐV Thể Công thì ai cũng xót khi Viettel không còn.
Phạm An: Vâng, hóa ra chúng ta giờ còn phải ước gì mình có thể khóc nổi với bóng đá nội. Và rõ ràng, nước mắt không đáng sợ, đáng sợ nhất là vô cảm đến mức không còn gì để khóc.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags