(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một giả định rất thú vị, nhất là khi bình luận viên bóng đá ở Việt Nam vừa tạo ra làn sóng tranh cãi. Hôm nay, bàn tròn sẽ nói về vấn đề này với các khách mời là bình luận viên Đình Khải, cựu cầu thủ Đặng Gia Mẫn, nhà báo Hoàng Nhật và nhạc sĩ Hà Quang Minh.
Phạm An: Thưa ông Đặng Gia Mẫn, vừa rồi trên truyền hình, ông đã đọc một bức thư ngỏ góp ý khá thẳng thắn cho các bình luận viên ông lấy lại trên Facebook. Vào thời điểm ấy, ông đọc được từ trên Facebook và rồi đưa ra ý kiến luôn, hay là đã chuẩn bị nó sẵn rồi?
Đặng Gia Mẫn: Không, tôi thấy ý kiến của độc giả hay quá nên đã xem kỹ từ sáng. Tôi coi đó là món quà (góp ý) của người hâm mộ gửi đến đội ngũ BLV để họ làm tốt hơn. Tôi đã thay một vài từ gay gắt để dễ nghe hơn.
Phạm An: Thưa ông Mẫn, bức thư ngỏ ông đọc thực sự đã tạo ra 2 làn sóng trái ngược: Một bên cho rằng đó là một góp ý thích đáng trong bối cảnh các bình luận viên thường xuyên tạo ra sự phản cảm, một bên cho rằng không nên góp ý một cách công khai và mang tính làm bẽ mặt họ. Ông nghĩ sao?
Đặng Gia Mẫn: Vừa rồi có bạn cũng nói với tôi họ hiểu cái tâm của tôi, nhưng cũng bảo rằng tôi đọc thư góp ý của người hâm mộ không đúng lúc, đúng chỗ.
Vậy thì tôi đọc ở đâu cho đúng bây giờ ? Nếu tôi sai ở điểm nào đó thì tôi xin lỗi. Nhưng tôi vẫn hy vọng các BLV sẽ lắng nghe ý kiến của độc giả (cũng là của tôi). Chỉ cần tiết chế, giảm đi khoảng 30% thông tin bên lề thì sẽ tuyệt vời luôn.
Phạm An: Nhưng qua sự kiện vừa rồi, có lẽ mọi người cũng thấy là khán giả của chúng ta đôi khi quá khắt khe?
Đình Khải: Cách đây 8 năm, tức là vào dịp World Cup diễn ra ở Đức, việc phê phán các BLV cũng đã xảy ra.
Nhưng BLV là một nghề đặc biệt, hiện ở nước ta vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo BLV cả. Lại là cái nghề "làm dâu trăm họ" nên rất dễ xảy ra tình trạng được lòng người này thì mất lòng người kia. Theo mình, về cơ bản các BLV hoàn thành nhiệm vụ của mình. Còn có hay hay không thì mỗi BLV phải tiếp tục rèn luyện thêm nữa. Mình nghĩ, mọi người nên góp ý về những cái được và cái chưa được, giúp các BLV tự sửa mình thì tốt hơn.
Đặng Gia Mẫn: Đúng là có khắt khe, một số còn không lịch sự, đặc biệt là trên Facebook.
Hà Quang Minh: Thật ra, tôi cho rằng độc giả, khán giả đang tự cho mình một cái QUYỀN quá lớn, một đòi hỏi quá lớn. Họ cho là cầu thủ, ngôi sao… có nghĩa vụ phải PHỤC VỤ họ. Tư duy này cũ rồi, phải thay đổi thôi.
Phạm An: Anh Hà Quang Minh, ý kiến vừa rồi cũng là cực đoan, thực ra công chúng có quyền phán xét, và công chúng tức là số đông, cũng cần phải được thông cảm. Nếu coi truyền hình là dịch vụ giải trí, người làm dịch vụ thậm chí còn luôn có lỗi vì khiến công chúng khó chịu.
Hà Quang Minh: À không, ý của tôi không phải là cấm công chúng nhận xét. Họ có quyền mà. Nhưng họ đã đi qua ranh giới của nhận xét để nhiều khi thành chửi bới, thóa mạ.
Phạm An: Anh Minh và mọi người hẳn còn nhớ vụ bình luận viên danh tiếng Andy Gray bị hãng Sky Sports sa thải cách đây ba năm chỉ vì một lần lỡ miệng chê bai một nữ trợ lý trọng tài, những lời bị coi là phân biệt giới tính? Phương Tây họ có vẻ không có văn hóa duy tình như người Việt ?
Hà Quang Minh: Phương Tây họ duy lý. Song họ ít chỉ trích mà thay vào đó là khuyến khích. Khi cần, họ chỉ dừng ở chỉ trích chứ không thoá mạ. Còn người phương Đông, phải kìm nén cái tôi cũng bởi luôn có hàng ngàn con mắt xã hội săm soi.
Phạm An: Tôi đồng ý với anh Minh, phương Tây họ thường không thóa mạ, mà chỉ trích và mỉa mai một cách sâu cay, nhưng cũng đủ để bình luận Andy Gray "cảm thấy muốn tự tử" sau sự cố.
Vậy thì điều đó cũng đặt ra câu hỏi, rằng lỗi nằm ở cả 2 phía ? Andy Gray có tâm lý cầu thị và hối lỗi vì làm cho công chúng thất vọng đến nỗi ông ta cảm thấy muốn tự tử. Các BLV cũng cần phải ở một tâm thế như vậy với nghề nghiệp của họ chứ, anh Minh?
Hà Quang Minh: Tôi nghĩ, mỗi người cần ý thức, cân đong, đo đếm cái hành vi của mình sẽ mang lại hệ quả gì. BLV có thể được thông cảm, ngôi sao cần được thông cảm, nhưng họ cũng cần tự ý thức và uốn nắn mình. Ở chiều ngược lại, khán giả cũng phải xem lại ý thức của mình đã đúng đắn chưa.
Đình Khải: Theo tôi, cũng cần phải thông cảm với người xem. Bởi khi mà họ kỳ vọng mà không được đáp ứng, thì rất dễ gây phản ứng. Chỉ có điều, tôi mong tất cả hãy bình tĩnh.
Đừng chạy theo dư luận đám đông, đừng phê phán một cách nặng nề. Thay vào đó, nếu có thể chỉ ra những khiếm khuyết của BLV, những yêu cầu cần sửa đổi cho phù hợp, thì sẽ tốt hơn.
Phạm An: Tôi xin trích đăng lại ý kiến của một độc giả comment (bình luận) trên trang Daily Mail cách đây 3 năm tôi vừa lượm lặt được, khi BLV của Sky Sports là Andy Gray lên tiếng rằng công luận làm cho ông ta có cảm giác "muốn tự sát", anh Minh: "Tôi không phải thủ phạm, tôi là nạn nhân. Xem đi, tôi buồn lắm, tôi muốn tự sát, tội nghiệp tôi quá! Hãy là những người đàn ông, nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận mình sai lầm và dám chịu. Thái độ này đầy rẫy ở nước Anh, khi những người làm sai đều tìm cách chứng minh rằng đó không phải là lỗi của họ và họ cần được thương hại, thay vì bị trừng phạt".
Hoàng Nhật: Tôi không có ý bênh vực hay chỉ trích ai, nhưng có vẻ như làn sóng "ném đá" trong xã hội đang lan mạnh, không chỉ qua vụ BLV này, mà ở nhiều vụ khác.
Trong khi đó, xã hội phương Tây có vẻ như bao dung hơn. Liên tưởng sang bóng đá, nếu Balotelli cũng bị “ném đá” nặng nề thì liệu Italy có một cầu thủ xuất sắc như vậy?
Tôi muốn nhắc lại một hình ảnh hồi EURO 2012, trong buổi tập của đội tuyển Italy, trong khi các cầu thủ khác nghiêm túc tập luyện thì Balotelli đùa giỡn thoải mái. Với những cầu thủ nổi loạn như Balotelli, càng ép anh ta vào một khuôn phép nào đó thì càng dễ làm hỏng cậu ta. Cá tính mạnh mẽ như vậy cần có một sự tự do nhất định, hướng dẫn anh ta bùng nổ đúng lúc, đúng chỗ.
Hay như cách đây vài ngày, Balotelli có viết trên Twitter là nếu muốn tuyển Italy giúp tuyển Anh thì Nữ hoàng phải hôn vào má anh ta. Nếu như chuyện đó xảy ra ở Việt Nam, tôi nghĩ có thể Balotelli sẽ lĩnh một đóng gạch đá đủ xây sân vận động từ các nhà "đạo đức học" đầy rẫy ở xã hội mình.
Phạm An: Nếu một người có cá tính dị thường như Suarez cũng rơi vào môi trường văn hóa chỉ trích quá nặng nề thì liệu anh ta có thể gượng dậy sau những sai lầm như những gì đã diễn ra ở Liverpool không, anh Hà Quang Minh?
Hà Quang Minh: Tôi kể câu chuyện này thay cho câu trả lời: Vào năm 1997, Nguyễn Mạnh Dũng, số 3, Thể Công, hay đi giày màu đỏ. Khán giả chửi: "Đá như ... mà bày đặt điệu đà. Bố tiên sư ông giày đỏ".
Họ giễu anh ta chỉ vì đôi giày đó nó hơi lạ với đồng phục chung màu đen của các đôi giày khác. Bây giờ, họ nhìn thấy người ta còn đi cả giày hai màu, họ nghĩ sao?
Phán xét rất là dễ. Chấp nhận cái mới, các khác, cái quái lạ so với mình mới là khó.
Và Nguyễn Mạnh Dũng cũng là người lì đòn thì mới tồn tại được, Thế nên, có guợng dậy hay không là do bản lĩnh chính mình. Suarez thì chắc chắn là vô cùng bản lĩnh rồi.
Phạm An: Có lẽ, khi suy nghĩ tự do, cởi mở và không quá cay nghiệt, chúng ta mới tìm ra được những cá nhân khác người và biết chấp nhận mặt tốt, cũng như mặt xấu của họ. Có lẽ là tốt nhất, những cá nhân khác người như Suarez và Balotelli không nên hành nghề ở… Việt Nam.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags