(Thethaovanhoa.vn) - Ngôn ngữ, tự nó có những quy luật nội tại riêng biệt, được hình thành từ nhu cầu giao tiếp của một tập thể người sử dụng, hoặc của cả một cộng đồng dân tộc, tuyệt nhiên không thể gò ép theo ý muốn chủ quan của một cá nhân hay một tổ chức nào.
1. Ngôn ngữ luôn luôn cải biến theo yêu cầu của đời sống, đặc biệt là theo sự phát triển của xã hội. Nên mới có chuyện một số từ ngữ, khái niệm mà cách dùng đã cũ và tự nó mất đi để thay vào đó là những từ ngữ, khái niệm mới. Ví dụ như từ “liệt sĩ”.
Về từ ngữ: Trước đây mỗi khi nói về những người lính chết trận thì xã hội vinh danh là “tử sĩ”. Cụm từ “tử sĩ” vốn là một từ gốc Hán được Việt hóa, theo Từ điển Tiếng Việt - KHXHVN /1992, nó có nghĩa: “người chết trận” hoặc “quân nhân chết khi đang tại ngũ”.
Về khái niệm: chỉ những người đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ gì đó vì dân vì nước, kể cả những người đó không phải lính.
Sau đó, nhất là từ sau ngày hòa bình lập lại (1954), cùng với sự phát triển của khoa học xã hội, cụm từ “tử sĩ” được thay thế bằng “liệt sĩ”. Trong các văn bản nhà nước cũng như cộng đồng dân tộc đều viết và nói: “Nhớ ơn các liệt sĩ”, “Ngày thương binh liệt sĩ” (27/7).
2. Những ngày gần đây, không hiểu vì sao và căn cứ pháp quy nào mà lại xuất hiện thêm từ “anh hùng” đứng trước cặp từ “liệt sĩ” để trở thành một cụm từ hoàn toàn mới: “anh hùng liệt sĩ” (chúng ta thường nghe nói như: Nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ).
“Anh hùng” và “liệt sĩ” đều là từ gốc Hán được Việt hóa, chúng có nghĩa như sau:
- Anh hùng: Là người hào kiệt xuất chúng (Từ điển Hán Việt - Đào Duy Anh).
- Liệt sĩ: Là người chí sĩ trượng nghĩa (Từ điển Hán Việt - Đào Duy Anh).
Theo nghĩa của từ tiếng Việt thì “anh hùng” và “liệt sĩ” có nghĩa như sau:
- Anh hùng: Danh hiệu vinh dự cao nhất của nhà nước tặng thưởng cho người hoặc đơn vị có thành tích và cống hiến đặc biệt xuất sắc trong lao động hoặc chiến đấu. (Từ điển Tiếng Việt - KHXHVN, 1992).
- Liệt sĩ: Người đã hy sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ. (Từ điển Tiếng Việt , KHXHVN, 1992).
Và trong thực tế, “Bằng Tổ quốc ghi công” chỉ được trao tặng cho những người là liệt sĩ chứ không có đổi với những người là anh hùng. Tuy nhiên đối với những người anh hùng vừa là liệt sĩ thì đương nhiên phải được trao tặng cả hai bằng: Tổ quốc ghi công và cả bằng Anh hùng... Chế độ đãi ngộ của hai đối tượng anh hùng và liệt sĩ cũng hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là đối với thân nhân.
Từ những suy xét trên cả 2 phương diện nội hàm ngôn ngữ cũng như công lao đóng góp cho xã hội và cả chế độ đãi ngộ, thực tế của nhà nước và nhân dân đang thực hiện đối với cả hai đối tượng này.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm, trước hết là nghành Thương binh Xã hội xem xét lại việc sử dụng cụm từ “anh hùng liệt sĩ” trong việc tri ân những người đã hy sinh vì nước vì dân, đừng gò ép theo ý muốn chủ quan như hiện nay mà phải căn cứ vào khái niệm, ý nghĩa, chính sách, chế độ đãi ngộ của hai danh hiệu này. Bởi vì “anh hùng” và “liệt sĩ” là hai danh hiệu hoàn toàn khác nhau.
Nguyễn Nguyên Hoài
Thể thao & Văn hóa
Tags