Vừa cùng anh em đồng nghiệp đi thăm khu di tích lịch sử Đền Hùng. Qua thành phố Việt Trì, nghỉ chân giải khát tại lầu đón gió Văn Lang, mái tròn lợp lá, tọa trên một ngọn đồi thấp nhìn ra bến nước, chợt nghĩ đến tên gọi đã băn khoăn từ lâu - “Ngã ba Hạc”.
"Ngã” ở đây là một danh từ đứng trước một danh từ chỉ số lượng, ví dụ “ngã ba, ngã bảy” là chỗ có ba, có bảy ngả đường hay ngả sông tỏa đi theo các hướng khác nhau. Chẳng hạn nói “Đôi ngả chia lìa (tên một bài hát)” hay “đến Sơn Tây, tôi đi thẳng ngả Trung Hà, anh rẽ ngả qua cầu sang tỉnh Vĩnh Phúc”, vv. Như vậy, ngã ba đường (hay sông) là một vùng giao giữa một con đường/con sông với một con đường/con sông khác tạo ra ba ngả.
Ở Bắc Bộ, đoạn sông Hồng từ chỗ vào đất Việt Nam đến Việt Trì, xưa kia, còn có tên gọi khác - sông Thao (Thao Giang), vẫn được nhắc đến trong một số tác phẩm văn thơ, âm nhạc.
Chảy đến xã Hồng Đà (huyện Tam Nông, Phú Thọ), sông Hồng (Thao) gặp sông Đà từ phía hữu ngạn chảy vào. Gần cửa sông Đà có cầu Trung Hà bắc qua - ranh giới giữa huyện Ba Vì thuộc TP Hà Nội và huyện Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ. Ngã ba sông này được gọi theo địa danh hành chính của nó - ngã ba Hồng Đà (hay ngã ba Trung Hà).
Sau đó, sông Hồng tiếp tục chảy xuôi một khoảng khá xa, đến phường Bạch Hạc thuộc TP Việt Trì, thì hợp lưu với sông Lô từ phía tả ngạn chảy vào, tạo thành một ngã ba sông khác, gọi là Ngã ba Hạc. Gần cửa sông Lô có cầu Việt Trì (còn có tên cầu Bạch Hạc) bắc qua, là ranh giới giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Như vậy, ngã ba Hạc và ngã ba Hồng Đà là hoàn toàn khác nhau; chúng cách nhau khoảng 12 km (Hình 1); một thuộc TP Việt Trì, một thuộc huyện Tam Nông.
Trong khi đó, ở rất nhiều tài liệu và văn bản nhà nước, kể cả cổng thông tin điện tử của tỉnh Phú Thọ thường gặp những câu, chẳng hạn “Ngã ba Hạc hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà, sông Lô” hay “Ngã ba sông Bạch Hạc, nơi gặp gỡ của ba con sông hùng vĩ và thơ mộng của miền Bắc là sông Hồng, sông Đà và sông Lô”, v.v...
***
Nhận thấy rằng, đây là một nhầm lẫn, có thể xuất phát từ sự hiểu lầm bài phú chữ Nôm Ngã ba Hạc phú của cụ Thượng thư triều Lê trung hưng, Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân (1701 -1785), trong đó có những câu:
Vui thay! Ngã ba Hạc; vui thay! Ngã ba Hạc
Dưới họp một dòng; trên chia ba ngác
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào
Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc
Về sau, bài phú này được nhà giáo Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) chọn đưa vào cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển, xuất bản lần đầu vào khoảng những năm 39 - 40 của thế kỉ trước và được tham khảo rộng rãi trong giảng dạy văn học ở các trường.
Là người dòng dõi thơ văn uyên bác được sinh ra tại đất Cổ Đô nổi tiếng, nằm bên bờ phải sông Hồng đối diện với Việt Trì, hẳn thời thơ ấu, tác giả bài phú đã từng chạy chơi trên con đê cái xanh mướt cỏ, ngắm nhìn đoạn Nhĩ Hà uốn cong như một vành tai, sau lưng sừng sững ba ngọn Tản Viên huyền bí. Trong bài phú đầy cảm khái của mình, đứng đó, tác giả nhìn rõ “ba ngác” nghĩa là ba ngả, gồm ngả sông Lô phía trước mặt, ngả sông Hồng phía xuôi bên tay phải và ngả sông Thao ngược lên bên trái. “Dòng biếc” là chỉ nước sông Lô trong xanh; “dòng đào” là chỉ nước sông Thao và sông Hồng ngầu phù sa. Còn sông Đà, sau khi hợp lưu với sông Thao ở ngã ba Hồng Đà, dòng “nước đen” của nó còn chảy xuôi tới ngã ba Hạc trước nhà cụ, mà chưa hoàn toàn hòa trộn với các dòng nước của sông Lô và sông Hồng, nên cụ nhìn thấy ba dòng nước khác màu.
- Điều chỉnh quy hoạch Đền Hùng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia
- Xây dựng Đền Hùng xứng tầm Khu di tích quốc gia đặc biệt
Như vậy, tác giả Nguyễn Bá Lân đã tả lại chính xác hình ảnh nhìn thấy mỗi sớm chiều, nhưng có thể về sau những người chú giải sách, ngồi trong tháp ngà văn chương mơ mộng, rung đùi bình thơ cụ đã nhầm, gộp cả hai ngã ba thành một. Và rồi điều đó lan truyền đến những thế hệ sau, tới tận bây giờ vẫn nói rằng “Ngã ba Hạc hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà, sông Lô”; còn nói “Việt Trì, thành phố ngã ba sông” thì cần hiểu rằng đó là Ngã ba Hạc, nơi sông Lô chảy vào sông Hồng mà thôi, sông Đà không ở đó.
Có thể nêu ra nhiều ví dụ hằng ngày về cách dùng từ tương tự như trên, khiến những người quan tâm đến tiếng Việt đặt ra câu hỏi: Phải chăng người Việt ta dễ dãi dùng những từ ngữ bay bướm, văn hoa, đại khái, không có thông tin, không đo lường được, say mê những truyền thuyết và huyền thoại, mà lại cho rằng đó là “văn hóa”, là “tâm linh”?
Đến một mức nào đó, nó sẽ gây tổn hại lâu dài cho việc học và đọc hiểu văn bản. Dùng từ ngữ không chặt chẽ và khó hiểu sẽ làm người đọc, người nghe chán nản, khó thu nhận kiến thức, và do đó, cứ mãi là một đất nước khó hội nhập.
TS Phan Văn Khôi
Tags