(Thethaovanhoa.vn) - Một ca khúc đình đám của một trong những nữ nghệ sĩ nổi bật, đứng top đầu các BXH trên khắp thế giới, bán được tới hơn 3 triệu bản;thế nhưng, lại thường xuyên bị nhầm “nhân dạng”. Vô số người tưởng nó là của người này người kia hát, thậm chí, là gốc tiếng Italy, tiếng Pháp. Đó là thực tế về Bang Bang (My Baby Shot Me Down) của Cher.
Ca khúc Bang Bang trước đây được khán giả yêu nhạc biết đến qua giọng ca của Thanh Lan, một ca sĩ hát nhạc Pháp nổi tiếng. Thanh Lan hát Bang Bang bằng lời Pháp và phần lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy. Sự hấp dẫn, lôi cuốn qua phiên bản tiếng Pháp của bản nhạc Mỹ này làm nhiều khán giả và cả giới ca sĩ ở Việt Nam cho rằng Bang Bang là một bản nhạc Pháp…
Sonny & Cher
Không biết Cher và Sonny Bono nên cười hay khóc về những câu chuyện vô tiền khoáng hậu liên quan tớiBang Bang nhưng có một điều chắc chắn, bộ đôi đã thành công trong nỗ lực phá tan mọi ranh giới về văn hóa khi có những kết hợp vượt không gian, thời gian.
Sonny và Cher được Rolling Stone bình chọn vào danh sách 20 cặp đôi vĩ đại nhất mọi thời đại. Trong thập kỷ ở bên nhau, Sonny và Cher đã được đề cử Grammy 2 lần và bán được hơn 40 triệu đĩa khắp thế giới. Nhưng họ đã có một khởi đầu khá khiêm tốn.
Cherilyn Sarkisian (tên thật của Cher) lần đầu gặp Salvatore Bono (tên thật của Sonny) tại một quán cà phê ở Los Angeles vào tháng 11/1962, khi cô mới 16 tuổi. Hơn cô 11 tuổi, Sonny đang làm việc cho nhà sản xuất thu âm Phil Spector tại phòng thu Gold Star ở Hollywood. 2 người trở thành bạn thân, rồi người yêu và được cho là đã kết hôn năm 1964.
Thông qua Sonny, Cher thành ca sĩ hát nền trong một số bản thu cổ điển của Spector như Be My Baby của Ronettes, You’ve Lost That Loving Feeling của The Righteous Brothes hay A Fine, Fine Boy của Darlene. Dù vậy, tham vọng của họ lớn hơn nhiều: Sonny muốn viết nhạc và sản xuất theo khuôn mẫu của Spector còn Cher thì muốn thành ngôi sao.
Họ nhận được ít nhiều chú ý khi hóa thân thành cặp đôi huyền thoại trong Caesar And Cleo mặc dù đã phát hành một số đĩa đơn trong năm 1964 như The Letter, Do You Wanna Dance và Love Is Strange. Tháng 9/1964, họ phát hành Baby Don’t Go dưới tên Sonny & Cher và là hit địa phương đầu tiên của họ. Album bộ đôi đầu tiên - Look At Us - năm 1965 cuối cùng cũng đạt No.1 với đĩa đơn I Got You Babe. Họ xuất hiện trên những chương trình truyền hình hàng đầu của thời đại đó, thậm chí lên phim.
Nhưng thành công quốc tế chỉ thật sự đến với bộ đôi qua album solo thứ hai - The Sonny Side Of Chér (1966) - khi người hâm mộ khắp thế giới phải tranh nhau tấm vé vào xem họ diễn. Đỉnh cao của album này chính là Bang Bang - ca khúc đầu tiên của Cher bán được hàng triệu bản, leo lên tới No.2 BXH Billboard Hot 100 và No.3 BXH Đĩa đơn của Anh.
Bang Bang là hoài niệm về thuở thơ bé với trò chơi bắn súng đồ chơi. Cậu bé và cô bé ngày nào còn chơi bắn súng giờ đã lớn và dẫn nhau tới lễ đường. Nhưng cô dâu lại bị chú rể bỏ rơi. Một cách ẩn dụ, nàng đã bị chàng “bắn hạ” một lần nữa. Một lần tuy chẳng có tiếng “bang bang” chói tai nào nhưng lại là một cái chết thật, ở trong lòng. (Ai nghĩ được là sau này, chính Cher lại là người phải đệ đơn ly dị vì Sonny kiểm soát cô quá ngặt nghèo, như một ông chủ toàn năng).
Món salad đa văn hóa
Trong MV đi kèm, Cher lại còn tạo nên một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất của mình khi kịch tính hóa hết mức câu chuyện trong Bang Bang và mọi thứ liên quan tới hôn nhân. Chất tự sự, câu chuyện buồn man mác trong Bang Bang khiến bất cứ ai, dù ở đâu, chủng tộc nào, cũng sẽ phải lòng. Nhưng đó chưa phải lý do duy nhất.
Sonny và Cher có lẽ đã tính toán rất kỹ cho màn vượt Đại Tây Dương của mình. Họ cùng nhau xây dựng hình ảnh sành điệu, chất châu Âu cho Cher, làm tăng thêm vẻ ngoài ngoại lai của cô. Cher cũng đã Pháp hóa tên mình trong tựa album và hát lại một vài ca khúc trước đây từng được Édith Piaf thể hiện.
Hơn thế, giai điệu lôi cuốn Sonny viết cho Cher lần này nhớ tới các “chanson” của Pháp, tiếng violin Gypsy và nhạc folk của tổ tiên Mỹ.Rung cảm Gypsy mà Cher có trong thời kỳ đầu sự nghiệp đặc biệt đáng chú ý trong Bang Bang. Mặc dù Cher có khả năng “cân” mọi thể loại, ca khúc nặng tính rock này vẫn là một điều mới mẻ. Tất cả biến Bang Bang trở thành “mục tiêu” hoàn hảo cho các bản cover.
Bang Bang như một món salad pha trộn hoàn hảo đặc tính âm nhạc của nhiều vùng miền khác nhau, khiến nghệ sĩ ở đâu cũng có thể rút ra từ đó một phần quen thuộc với mình rồi phóng đại nó lên. Thế nên, rất nhiều nghệ sĩ lừng danh đã hát lại Bang Bang trong những bản phối vừa lạ vừa quen, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Nhưng điểm thú vị hơn nằm ở chỗ, các bản cover này tự thân nó lại có một cuộc sống riêng, được đối xử như một hit mới! Có thể kể tới như bản của Nancy Sinatra trong album How Does That Grab You? khi được Quentin Tarantion đưa vào bom tấn Kill Bill, đài BBC thường sử dụng, thậm chí làm sample cho nhạc hip-hop(nhiều người vẫn nghĩ Bang Bang là của Sinatra!). Bản của Sheila thì là hit lớn tại Pháp mùa Hè năm 1966.
Tuy nhiên, chắc không có quốc gia nào đắm đuối Bang Bang nhiều như Italy. Phiên bản của Cher leo lên No.6 BXH pop nước này nhưng ít nhất 2 phiên bản khác của nó thậm chí được hát lại nhiều hơn và vượt bản gốc trên BXH. Thành công nhất trong số này là của ban nhạc rock Equipe 84, nhóm nhạc đi đầu phong trào “bitt” (hay beat) thập niên 1960 của Italy. Bang Bang của Equipe 84 đứng đầu BXH pop Italy trong 5 tuần cuối năm 1966 và sang đầu năm 1967, bị “cướp” vị trí No.1 bởi… Bang Bang phiên bản của ca sĩ phòng trà người Italy gốc Pháp sinh tại Ai Cập- Dalida.
Mặc dù thật đáng ngạc nhiên khi 2 phiên bản của cùng một ca khúc gốc lại tranh nhau vị trí No.1, nhưng đây cũng có vẻ là điều không thể tránh khỏi để hoàn thành chuỗi ảnh hưởng giữa các nền văn hóa: Một ca sĩ người Mỹ phối hợp âm thanh châu Âu; một ban nhạc châu Âu phối hợp âm thanh Mỹ; và cuối cùng, một ca sĩ sinh tại Ai Cập mang đến cho nó phong cách châu Âu chính hiệu.
Dấu ấn của “Bang Bang” tại Việt Nam Tại Việt Nam, Bang Bang cũng có “nhân dạng” khá thú vị. Ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt là Khi xưa ta bé. Nhiều ca sĩ Việt Nam đã trình diễn phiên bản này như Thanh Lan, Diễm Chi, Nguyên Khang, Nguyễn Hưng, Kỳ Duyên… và gần hơn là Thu Phương, Lệ Quyên, Thu Minh, Phương Vy, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm. Đáng nói, dù nguồn gốc là từ Mỹ, khi tới Việt Nam, Bang Bang được gán nhãn là… nhạc Pháp lời Việt. Điều này có thể dễ hiểu khi xét tới xu hướng chuộng nhạc Pháp tại Việt Nam trong những thập niên trước. Trong phiên bản tiếng Pháp đình đám, Sheila thật sự đã tạo ra một diện mạo mới cho ca khúc khi biến giai điệu folk rock Mỹ thành một bản ballad da diết Pháp, đi vào lòng người. Khi đặt lời Việt, nhạc sĩ Phạm Duy cũng “trung thành” với bản tiếng Pháp hơnvới những câu không có trong bản gốc như “chơi công an đi bắt quân gian”. Các ca sĩ Việt Nam xưa khi thu âm cũng giữ hơi thở Pháp, thậm chí hát song ngữ Pháp - Việt. |
Thư Vĩ
Tags