(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang chứng kiến một câu chuyện rất đặc biệt trong đợt bão lũ vừa qua: chuyện của những tấm bánh chưng. Gần một tuần qua và ngay cả đến ngày này, độc giả có thể bắt gặp hình ảnh của loại bánh truyền thống ấy ở bất cứ đâu: trên mặt báo, tại không gian mạng - và trực tiếp hơn, là trên những chuyến xe chở hàng.
Chưa bao giờ, bánh chưng lại được xuất hiện và nhắc đến nhiều như vậy trong những ngày tưởng như bình thường của người Việt Nam - thay vì ngày Tết truyền thống. Và cũng hiếm khi, loại bánh ấy lại đang được sử dụng với tần suất cao thế trong sinh hoạt thường nhật.
Cụ thể, tấm bánh chưng trong những ngày này đang là loại thực phẩm chính yếu để người dân cả nước gửi tới đồng bào miền Trung trong mùa bão lụt. Cách “ăn liền” đơn giản (chỉ cần bóc và xắt bằng dây buộc), lượng dinh dưỡng đủ no lâu và hình thức dễ vận chuyển, đóng gói là những ưu điểm nổi trội của nó để tiếp sức cho người dân ở những nơi gặp thiên tai, vốn dễ thiếu nước sạch và các phương tiện nấu ăn.
Cũng chẳng ai biết, vì sao bánh chưng bỗng trở thành lựa chọn số một để chúng ta gửi tới miền Trung trong mùa bão lũ năm nay. Đó có thể là câu chuyện từ sáng kiến của một số người, được chia sẻ trên không gian mạng và dần tạo thành trào lưu. Và, cũng có thể bắt nguồn từ hình ảnh của những tấm bánh chưng đầu tiên được chuyển tới miền Trung - mà được chú ý nhất là bức ảnh ghi lại cảnh một “anh Tây” chèo thuyền đưa bánh và cháo tới những người dân vùng ngập.
Chẳng biết, và cũng chẳng cần biết. Bởi, khi hiểu rằng bánh chưng là một giải pháp thực tế và hữu hiệu để gửi tới miền Trung, tự thân một làn sóng gói và nấu bánh chưng đã dâng cao trên mảnh đất hình chữ S vừa qua, với nhiều câu chuyện cảm động.
- Bão số 8 tăng cấp mạnh giật cấp 14 đang tiến vào các tỉnh miền Trung
- Thông tấn xã Việt Nam quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, bão lũ
Đó là chuyện của những người dân tại Thanh Chương (Nghệ An), thường xuyên xảy ra ngập lụt mùa mưa bão và hiểu thấu nỗi khổ của đồng bào tại Hà Tĩnh, Quảng Bình khi lũ lụt bao vây tứ phía. Để rồi, từ học sinh, đoàn thanh niên, bộ đội cho tới những người dân bình thường, tất cả đều hướng về câu chuyện “cứu đói” và xuyên đêm, liên tục nổi lửa để nấu hàng ngàn chiếc bánh chưng.
Là chuyện của những người dân làng La Phù (Hà Nội) với cảnh đội mưa đi tới từng nhà trồng chuối để xin lá gói bánh, rồi lại tranh thủ buổi trưa tan giờ làm, hối hả chạy về cùng nhau cắt lá, đổ nếp, luộc thịt bên những chiếc nồi xếp hàng dài. Cũng ở Hà Nội, hơn 100 tăng ni, phật tử tại chùa Đình Quán (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chung tay gói hàng nghìn chiếc bánh chưng chay để gửi tới người dân Thừa Thiên-Huế.
Đó còn là chuyện của những người dân tại Đắk Lắk, không có lá chuối nên đội mưa vào rừng tìm loại lá khác để gói bánh, với suy nghĩ rất chân tình rằng “mưa bão, ai cũng khổ hết nhưng mình còn nhà cửa, còn cái ăn cái mặc - trong khi bà con giữa lũ thì đâu được như vậy”. Là chuyện của những người dân ở Bình Dương tự gói bánh tét - để rồi cuối ngày, những chuyến xe miễn phí chạy tới từng xóm “gom” bánh chuyển đi. Và bao câu chuyện khác.
Chẳng bao giờ, từ miền núi tới đồng bằng, từ rừng xuống biển, tấm bánh chưng của người Việt lại được gói nhanh, nhiều với sự hối hả và đồng lòng như thế.
Chỉ vài tuần trước, rất nhiều người trong số chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ tới “kịch bản” sử dụng bánh chưng trong mùa bão lụt như thế này. Nhưng cũng không có gì lạ, khi những sáng tạo như thế vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện trong đời sống hàng ngày một cách rất tự nhiên.
Bởi, trong vô thức, bản chất của người Việt chúng ta vẫn là sự nhân ái và sẵn sàng sẻ chia. Sự nhân ái tiềm ẩn ấy không mâu thuẫn gì với xu hướng phản biện đang bắt đầu hình thành như một thói quen thường trực ở mỗi người, trước mọi vấn đề của xã hội. Nó cũng giống như chuyện bão lũ lặp lại mỗi năm (mặc dù mức độ ảnh hưởng không giống nhau), như một chu trình tất yếu do những đặc thù về địa lý và địa hình của Việt Nam. Nhưng chẳng ai thờ ơ vô cảm, khi những cơn bão ấy luôn gắn với nỗi đau của những người sống trên cùng một dải đất với mình.
Anh Bảo
Tags