Bánh Trung thu Hà Nội hay sự tinh tế bị 'biến tướng'

Thứ Ba, 17/09/2013 08:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hẳn nhiều người không phải ở Hà Nội sẽ phải thốt lên: “Hà Nội cái gì cũng lạ” khi thấy cảnh đoàn người rồng rắn xếp hàng đợi đến lượt mình mua bánh Trung thu kiểu cổ truyền.

Báo chí mô tả, càng sát Trung thu, khung cảnh trước cửa hàng bánh Bảo Phương trên phố Thụy Khuê lại càng… hỗn loạn.

Bất chấp nắng, mưa, phải xếp hàng đợi lâu nhưng nhiều người dân vẫn kiên nhẫn chờ đợi để mua được cho mình và gia đình hộp bánh Trung thu được cho là "hot" nhất Hà Nội hiện nay. Họ chẳng được mua nhiều, mỗi người chỉ 2 cặp, và cũng nhận được sự đón tiếp chẳng mấy vui vẻ của những người bán hàng.

Nhiều người tự hỏi, nó có thật sự ngon đến mức mọi người phải khổ sở xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để mua không?


Xếp hàng đợi đến lượt mình mua bánh Trung thu. Ảnh: Internet

Người Hà Nội vốn tinh tế, thú ăn chơi ngày lễ tết lại càng cầu kì. Cứ nhìn thú uống trà tàu, thưởng rượu thạch lan hương, chơi mặc lan của người Hà Nội trong Vang bóng một thời của cụ Nguyễn Tuân thì đủ biết.

Tận bây giờ, những người Hà Nội hoài cổ vẫn “kiên định” đến bảo thủ cho thú ẩm thực mà họ cho là phong vị của mảnh đất này. Như Nguyễn Việt Hà đã viết về những gã Con giai phố cổ: “Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng…”.

Nhưng xưa kia, cái sự ngon đi kèm với những hành xử văn hóa. Các quán hàng người phục vụ đi lại nhẹ nhàng, gọi dạ, thưa vâng, ứng xử nhã nhặn, lịch sự. Hà Nội xưa, không thấy ai nói gì đến bún mắng, cháo chửi.

Bây giờ, có khi chính cái sự ít “dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng” lại khiến những người bán “làm cao”. Chuyện chen chúc mua bánh dễ làm ta liên tưởng đến đặc sản “bún mắng, cháo chửi” hiện nay. Để ăn được bát bún, bát phở đặc biệt người ta sẵn sàng chen chân, nghe mắng, ăn chửi.

Những người đang nghe chửi đợi ăn kia có phải tinh tế, hoài cổ? Dù muốn hay không người ta cũng có thêm một cách lí giải, họ bị cuốn theo tâm lí đám đông. Quán nào càng đông đúc người ta càng lao đến, càng chào mời thì lại… chạy xa. Người ta cứ nghĩ nơi chủ quán vừa mắng chửi vừa bán hàng mà vẫn đông khách chứng tỏ đồ ăn thức uống phải ngon thì chủ quán mới dám cất lời mắng nhiếc “thượng đế”.

Trong cuốn Thương học phương châm, Lương Văn Can đã chỉ ra 10 hạn chế của thương nhân Việt, điều thứ 8 trong đó là “kém đường giao tiếp”. Nếu bây giờ, nhà Nho kinh doanh và truyền… “đạo làm giàu” với trường Đông Kinh nghĩa thục giữa phố cổ Hàng Đào phải chỉnh rằng, người bán hàng không chỉ kém đường giao tiếp, thành ra “ác” đường giao tiếp, ác khẩu. Âu cũng vì đám đông “thượng đế” sành điệu kia…

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›