(Thethaovanhoa.vn) - Cúp quốc gia Bamboo Airways 2020 đã khởi đi, giờ đến lượt LS V-League 1. Bóng đá Việt hội quân trở lại có thể nói là rất tưng bừng.
Trong khoảng thời gian nền bóng đá bị đóng băng bởi đại dịch Covid-19, khát khao lớn nhất của nhà tổ chức và các đội bóng là làm sao để bóng lăn trở lại. Đó là lý do mà, dù thể thức thi đấu mới có thể phá vỡ cấu trúc giải đấu, xong cơ bản các CLB đều đồng ý. Và trận đấu giữa DNH Nam Định với HAGL ở Cúp quốc gia trở thành một điểm nhấn, một cột mốc quan trọng.
Cúp quốc gia hay giải hạng Nhất quốc gia vốn dĩ không gây được nhiều sự chú ý. Tham vọng của các đội bóng ở những sân chơi loại 2 này cũng rất nửa vời. Nhưng, V-League thì khác, mọi thay đổi đều cần phải tính toán thật kỹ.
Tất nhiên, nội hàm V-League, một trong 3 hạng mục giải chuyên nghiệp Việt Nam, nhà tổ chức (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF) không phải không có các giải pháp khác, thậm chí giữ thể thức cũ và tạo thành mùa giải nối, như những năm đầu thế kỷ 21, thời điểm V-League mới ra đời. Chỉ có điều, nhà tổ chức có lẽ phải cố vun vén đẹp lòng nhà tài trợ, cũng là đảm bảo hợp đồng đã ký với nhà tài trợ theo dạng năm một.
Lịch sử V-League 20 năm tuổi luôn đặt ra những tình huống khó, đòi hỏi năng lực điều hành và xử lý tình huống của đơn vị tổ chức. Mấy bận, Trưởng giải phải từ chức và làm mới liên tục. Giờ khái niệm Trưởng giải không còn tồn tại nữa, mà thay vào đó là Trưởng Ban chỉ đạo. VPF cũng tập quyền hơn so với gần 10 năm trước, khi công ty này mới được thành lập. Tất cả thu về một đầu mối, chí ít thì đỡ phải đùn đẩy trách nhiệm.
Đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi, nhiều nỗ lực của nhà tổ chức, song không phải thay đổi nào cũng hiệu quả và cái mới không phải bao giờ cũng tốt hơn cái cũ. Lấy ví dụ như việc hạn chế các suất đăng ký ngoại binh/CLB, không được xem là một giải pháp kích cầu nguồn nội lực hay, mà ngược lại, nó khiến chất lượng chuyên môn của các trận đấu và giải đấu kém đi, năng lực cạnh tranh của các CLB cũng kém đi.
Một thời gian tính bằng hơn nửa thập niên thay đổi quy định này, chúng ta đã vấp phải một cuộc khủng hoảng thiếu về nhân sự, khi tại một số CLB, vấn đề đào tạo trẻ không được chú trọng. Hải Phòng thậm chí giải tán toàn bộ các tuyến trẻ, chỉ đầu tư cho đội 1. Và, ngay cả các đội bóng giàu truyền thống đào tạo như SLNA hay Nam Định, Đồng Tháp, thì cung vẫn không đủ cầu, vẫn phải vay mượn, mua thêm.
Nói thế để thấy rằng, song song với việc phát triển nguồn nội lực, thì việc tận dụng chất xám ngoại lực vẫn rất cần thiết. Tất nhiên, nó cũng sẽ tiêu tốn các khoản kha khá về ngân khố của các đội bóng. Cuộc chơi mà!
Bóng đá Việt Nam bao năm qua vẫn bị ví như "tằm ăn rỗi". Mạnh vì gạo, bạo vì tiền và đèn nhà ai nấy sáng. Một quy định về luật cân bằng tài chính hay quỹ chuyển nhượng/mùa/CLB vẫn là khái niệm rất mơ hồ. Nhiều đội bóng phải chạy ăn từng bữa, song cũng có đội lại khá dư giả. Nó là vấn đề kinh doanh của CLB. Đến ngay cả VPF cũng ăn đong theo mùa, hiếm nhà tài trợ nào gắn bó lâu dài.
Sau tất cả, việc bóng lăn trở lại mang nhiều yếu tố tích cực, thậm chí là cứu cánh cho rất nhiều người, nhiều việc. Lúc này mọi thứ dễ nói chuyện hơn nhiều và nhà tổ chức sẽ chỉ phải cố gắng làm sao để giải đấu "về đích an toàn", còn sau thì... tính tiếp!
Tùy Phong
Tags