(Thethaovanhoa.vn) - Những gì M.U đạt được là những gì Man City đang mơ tới và họ sẽ quyết tâm thực hiện bằng được với sự hậu thuẫn của người Arab.
1. Sichuan Jiuniu FC chỉ mới tồn tại được 13 năm và cũng chẳng mấy thành công. Họ thay đổi tên tới 3 lần và không thi đấu kể từ mùa giải 2013-14. Thành tích của họ rất không tốt: Sichuan đứng thứ 24 ở giải hạng 3 Trung Quốc năm 2018. Chẳng có gì ngạc nhiên khi mỗi trận đấu chỉ có 4.000 người ủng hộ đội bóng.
Mặc dù vậy, Sichuan Jiuniu FC giờ là thành phần mới nhất trong dự án đầy tham vọng của Man City. Trong tuần này, một thỏa thuận hợp tác sẽ đưa Sichuan thuộc sở hữu của City Football Group (CFG), công ty mẹ của Man City. Nhờ đó, từ chỗ chỉ là một CLB ở China League Two, Sichuan Jiuniu FC giờ là thành phần thứ 7 của CFG.
Việc đội bóng Anh vươn cánh tay tới Trung Quốc không có gì là ngạc nhiên, đặc biệt khi giám đốc điều hành của họ là Ferran Soriano, cựu giám đốc điều hành của Barcelona từ 2003-2008. Soriano từng có kế hoạch giúp Barcelona thống trị thế giới. Thay vì chỉ là Barcelona, CLB nên có các CLB vệ tinh trên toàn cầu. Có điều, kế hoạch thất bại vì ý tưởng của Soriano khác xa so với Barcelona với mô hình CĐV đồng sở hữu. Vậy là năm 2008, ông rời Nou Camp và 4 năm sau, ông có mặt ở Etihad. Ngay khi đến đây, Soriano nhanh chóng bắt tay vào việc tạo ra một đội bóng anh em ở New York, để rồi vào tháng 5/2013, New York City FC chính thức trở thành thành viên của giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Và Man City giờ có thể được xem còn hơn một CLB khi họ là đỉnh trong một mạng lưới các CLB quanh thế giới. Chính xác thì mạng lưới của CFG giờ có 7 đội, trải dài từ New York City, một cánh cửa tới Mỹ, tới Club Atletico Torque của Uruguay, nơi sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng/người hơn bất cứ nước nào. Nói ngắn gọn, mỗi đội bóng anh em nằm trong những chiến lược khác nhau của CFG.
Ý tưởng cốt lõi của CFG là mọi CLB trong nhóm đều có thể giúp đỡ lẫn nhau. Cầu thủ và thậm chí là HLV được trao đổi giữa các CLB, trong một môi trường có phong cách thi đấu giống nhau, ngay cả khi đẳng cấp là không thể so sánh với Man City của Pep Guardiola.
2. Một câu hỏi đặt ra là tại sao CFG lại chậm trễ đến vậy trong việc mở rộng ảnh hưởng và thị trường ở quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc? Tính ra là đã hơn 3 năm kể từ khi China Media Capital sở hữu 13% cổ phần tại Man City, khoảng thời gian mà bóng đá Trung Quốc cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Theo nhiều chuyên gia, có lẽ Man City muốn có sự ổn định ở trong và ngoài sân cỏ trước khi tiến những bước vững chắc tại thị trường Trung Quốc. Họ sẽ xem đây như là một đối tác lâu dài và bền vững. Họ có thể tận dụng vị trí của mình ở Trung Quốc để tìm kiếm tài năng, mở rộng cơ hội kinh doanh hay đơn giản nhất là sở hữu một đội bóng tại đây sẽ giúp quảng bá hình ảnh của Man City.
Không có gì ngạc nhiên khi sau Anh, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Uruguay và Trung Quốc, CFG đang có kế hoạch sở hữu một đội bóng tại Ấn Độ.
Mạnh Hào
Tags