(Thethaovanhoa.vn) - Liên hợp quốc vừa đưa ra “báo động đỏ” cho nhân loại về tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu. Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực chung tay hơn nữa của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến cam go này.
Báo động đỏ cho nhân loại
Trong báo cáo đưa ra ngày 9/8, Ủy ban liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu, cũng như dự báo những thay đổi về khí hậu ở mọi nơi trên hành tinh trong những thập kỷ tới.
Trong 4 thập kỷ đàm phán về khí hậu, thế giới đặc biệt chú trọng và đều đặt ra mục tiêu để làm sao cắt giảm nhiều nhất lượng khí thải CO2 nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong báo cáo năm 2021 về biến đổi khí hậu của LHQ công bố ngày 9/8, các nhà khoa học hối thúc cộng đồng quốc tế tập trung cắt giảm khí thải methane, coi đây là hy vọng tốt nhất để làm giảm tình trạng biến đối khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt.
Báo cáo của IPCC khẳng định các nước cần đảm bảo cắt giảm mạnh mẽ và vững bền lượng khí thải methane bên cạnh việc cắt giảm khí thải CO2 để đạt được mục tiêu đề ra trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo cho rằng việc cắt giảm khí thải methane có thể sẽ trở thành thách thức của nhiều quốc gia vốn có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc.
Trên thực tế, cả khí methane và CO2 đều góp phần làm tăng nhiệt độ của không khí, song lượng phát thải vào không khí của hai loại khí này không giống nhau. Một phân tử CO2 có thể khiến nhiệt độ tăng ở mức thấp hơn so với 1 phân tử khí methane, tuy nhiên, CO2 lại tồn tại hàng trăm năm trong bầu khí quyển, còn methane có thể biến mất trong vòng 2 thập kỷ. Theo báo cáo, khí methane chiếm tới 30% nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.
Ngoài nội dung trên, báo cáo của IPCC cũng đề cập đến những tác động hiện hữu của biến đổi khí hậu. Báo cáo chỉ ra rằng, sự phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân khiến nhiệt độ hành tinh tăng thêm 1,1 độ từ 1850-1990. Báo cáo đồng thời cảnh báo, mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và chạm ngưỡng 1,5 độ C "sẽ nằm ngoài tầm với" khi mà không có bất kỳ sự cắt giảm phát thải khí nhà kính nào được thực hiện trên quy mô lớn và ngay lập tức.
Trên thực tế, ngưỡng 1,5 độ C là mục tiêu toàn cầu quan trọng bởi vượt qua ngưỡng này, điều gọi là điểm giới hạn ngày càng có nguy cơ xảy ra hơn. Các điểm giới hạn là một ngưỡng mà khi vượt quá, có thể dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược được trong hệ thống khí hậu, đẩy xa sự nóng lên toàn cầu. Nếu Trái Đất nóng thêm 2 độ C, báo cáo này cho rằng, sức khỏe con người và nông nghiệp sẽ tiến tới ngưỡng chịu đựng.
Khi trái đất ngày càng nóng lên, nắng nóng, hạn hán và mưa to trở nên thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn. Báo cáo cho biết những đợt nắng nóng cực đoan thay vì xảy ra 50 năm 1 lần, nay được dự báo sẽ xảy ra 10 năm 1 lần, trong khi tình trạng hạn hán và mưa bão sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn. Hạn hán có thể xảy ra với tần suất 5 đến 6 năm/lần, thay vì 10 năm/lần như trước đây.
Trong báo cáo, các nhà khoa học đưa ra một loạt dẫn chứng cụ thể như đợt nắng nóng tháng 6 vừa qua tại khu vực Tây Bắc nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, hay như Brazil đang phải trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 91 năm qua, nắng nóng tại Canada, cháy rừng tại California (Mỹ), lũ lụt tại Đức, Trung Quốc ...
Báo cáo khẳng định, không chỉ thay đổi về nhiệt độ, sự biến đổi khí hậu đang gây ra sự thay đổi ở những khu vực khác nhau. Những thay đổi này bao gồm hiện tượng mưa lũ nghiêm trọng hay hạn hán khắc nghiệt xảy ra ở nhiều khu vực. Các khu vực ven biển cũng tiếp tục chứng kiến mực nước biển tăng lên, cùng với đó là sự tan băng, hiện tượng axit hóa đại dương cùng nhiều tác động khác.
Theo sau đó còn là một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới. Chẳng hạn, chỉ một vài tuần trước, lũ lụt đã tàn phá châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ trong khi khí độc bao trùm Siberia, cùng với các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Mỹ, Canada, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mô tả nghiên cứu là “báo động đỏ đối với nhân loại”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt ngay lập tức sử dụng năng lượng từ than đá và những nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cao khác. “Những hồi chuông báo động đang bị phớt lờ. Nghiên cứu này gióng lên hồi chuông báo tử đối với than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của chúng ta”, ông Guterres nhấn mạnh.
Bình luận về bản báo cáo khí hậu của LHQ, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cho biết, báo cáo đã nhấn mạnh “tính cấp thiết quá lớn hiện nay”.
Sau khi nghiên cứu mới được công bố, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách về hành động chống biến đổi khí hậu Frans Timmermans khẳng định hiện vẫn còn có thể ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, nhưng chỉ khi thế giới hành động mang tính quyết định ngay bây giờ và cùng nhau hành động. Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi hành động toàn cầu khẩn cấp để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Thế giới cần đoàn kết và nỗ lực hơn nữa để ứng phó
Nhiều năm qua, nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu gần 200 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015. Thỏa thuận này nhất trí giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực giới hạn sự tăng nhiệt độ của hành tinh ở ngưỡng 1,5 độ C.
Chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu bằng hình thức trực tuyến. Cùng việc ký sắc lệnh đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, với sự góp mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới, sự kiện này đã được đánh giá là dịp quan trọng để cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp tập thể thiết thực hướng tới mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.
Với vai trò chủ nhà, Mỹ đã công bố mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng lên đến 50% lượng khí thải vào năm 2020, con số vượt xa mức 26-28% mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cam kết. Mỹ cũng công bố các khoản ngân sách mới nhằm kiềm chế tốc độ nóng lên của Trái đất dưới ngưỡng 1,5 độ C đến cuối thế kỉ 21 đồng thời kêu gọi các nước cùng đóng góp ngân sách cho nỗ lực này.
Sau những động thái tích cực từ hội nghị, Trung Quốc, quốc gia đứng cùng Mỹ trong danh sách hai nước phát thải lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới, cũng đã công bố mục tiêu giảm thải CO2 "lên mức cao nhất" trước năm 2030 và sau đó đưa về mức trung hòa vào năm 2060. Trước mắt, nước này sẽ giảm phát thải 18% CO2 trong vòng 5 năm tới.
- Bắc Cực - điểm nóng mới của tình trạng biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu: 3 triệu người Đức có thể trở thành nạn nhân
- Nghiên cứu mới: Béo phì cũng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu
Trong khi đó, EU thông báo đã đạt được một cam kết chính trị quan trọng đó là sẽ giảm phát thải khí CO2 ít nhất 55% đến năm 2030 với mục tiêu trở thành châu lục trung hòa khí thải carbon. Luật khí hậu này sẽ đặt EU vào "lộ trình xanh" nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Nga, quốc gia phát thải CO2 lớn thứ tư thế giới, cũng đặt lộ trình giảm lượng phát thải xuống ngưỡng thấp hơn EU.
Các sự kiện trên đã cho thấy, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ về tính cấp bách của biến đổi khí hậu. Các nước cũng đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần nỗ lực tập thể để giải quyết vấn đề hóc búa này, trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn hứng chịu thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do hệ quả của biến đổi khí hậu.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng chừng đó là chưa đủ để đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris. Theo LHQ, tới nay, hơn 100 quốc gia chịu trách nhiệm cho 65% lượng khí thải toàn cầu chưa chính thức công bố thời hạn trung hòa khí thải CO2.
Chính vì vậy, biến đổi khí hậu được xem là thách thức chung mà các nước cần đoàn kết và nỗ lực hơn nữa để ứng phó. Báo cáo được IPCC công bố chưa đầy 3 tháng trước khi diễn ra Hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) được xem là “lời cảnh tỉnh” để cộng đồng quốc tế có được những kết quả rõ ràng, với kế hoạch hành động cụ thể tới năm 2030 nhằm hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Tags