(Thethaovanhoa.vn) - Báo chí Việt Nam có lịch sử vừa tròn 1,5 thế kỷ tính từ khi tờ Gia định báo xuất bản số đầu ở Sài Gòn vào ngày 15/4/1865. Nhưng không nhiều người biết, một tờ báo chuyên về thể thao thì mới chỉ ra đời cách đây không lâu, đó là tháng 5/1930 với tờ Nam Kỳ thể thao.
80 năm có thể chưa hẳn quãng thời gian dài với báo chí một lĩnh vực chuyên ngành, tuy nhiên, chừng đó cũng là đủ cho cả thăng trầm lẫn biến cố của làng báo thể thao Việt.
Ra đời...
Không khó để lý giải cho sự ra đời muộn của báo chí thể thao trong nước bởi phải tới những thập niên đầu của thế kỷ 20, các môn thể thao hiện đại như: bóng đá, xe đạp, quần vợt... mới theo người Pháp vào Việt Nam. Dù nằm trong chính sách khai hóa của thực dân, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, phong trào thể thao bắt đầu hình thành nên ở cả 3 miền.
Thời điểm đó, những tờ báo trong nước như: Lục tỉnh tinh văn, Công luận (Sài Gòn); Nam Phong (Hà Nội)... cũng đã đăng tải những tin tức thể thao. Tuy nhiên, phải đến ngày 8/5/1930, tờ báo thể thao đầu tiên được xuất bản là Nam kỳ thể thao tại Sài Gòn, 6 tháng sau ở Hà Nội là tờ Bắc kỳ thể thao. sau đó là một số tờ khác nhưng thường tồn tại không lâu và chủ yếu là thông tin về các môn của người Pháp.
Thể thao & Văn hóa chính là tờ báo tiên phong trong lĩnh vực thông tin giải trí, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tờ báo thể dục thể thao đầu tiên chính thức ra đời với tên "Việt Nam khỏe" thuộc Nha Thể dục trung ương Việt Nam được xuất bản số 1 vào ngày 30/3/1946. Trên số báo này đã đăng lời “Hô hào đồng bào tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng được xem là tiền thân của báo chí thể thao Cách mạng.
Cũng có một nguyên nhân khác khiến báo chí thể thao trong nước trước đây còn ít khi đảm trách vai trò cơ quan ngôn luận chuyên ngành. Năm 1957, báo Thể dục thể thao của ngành Thể dục thể thao được xuất bản, rồi sau năm 1975 có thêm tờ Thể thao TP.HCM và đáng chú ý đó đều là các tờ tuần báo.
... và "bùng nổ" với Espana '82
Nếu cần phải tìm cột mốc đánh dấu sự "bùng nổ" của báo chí thể thao Việt Nam, thì đó chính là World Cup Espana 1982. Trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn lúc đó, thì dễ hiểu là công chúng cũng rất “đói” thông tin giải trí, đặc biệt là thông tin thể thao. Năm bắt được nhu cầu của bạn đọc trên cơ sở dự báo chính xác xu hướng phát triển của báo chí, lãnh đạo TTXVN đã quyết định bước đi táo bạo khi xuất bản tờ Tin nhanh Espana '82 và nhanh chóng nhận được sự đón nhận hết sức ấn tượng của người đọc.
Tờ Tin nhanh Espana '82 chính là tiền thân của báo Thể thao & Văn hóa hôm nay và có thể khẳng định rằng đây là tờ báo chuyên về thông tin giải trí đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam sau năm 1975 để mở ra một cách làm mới, mang tính đột phá cho làng báo thể thao nước nhà - Xuất bản báo hàng ngày.
Từ thành công của Tin nhanh Espana '82 , sau này báo Thể thao & Văn hóa còn tiếp tục xuất bản các tờ tin nhanh World Cup, Euro và tới cuối thập niên 90 bắt đầu hàng loạt các tờ báo chuyên ngành thể thao ra đời như: Thể thao hàng ngày; Bóng đá; Thể thao ngày nay; Thể thao Sài gòn giải phóng; Thể thao 24h, Bóng đá toàn cầu... các báo thể thao khác cũng nâng thành... 7 kỳ/ tuần như: Thể thao TP.HCM, Thể thao & Văn hóa.. thậm chí, một số báo khác dù không chuyên ngành nhưng vẫn làm hẳn tờ báo thể thao như Thể thao Thanh niên, thay vì chỉ ra Tin nhanh mỗi khi có sự kiện lớn.
Đỉnh điểm của trào lưu "ngày hóa" là vào thập niên đầu của thế kỷ 21 khi trên sạp báo luôn xuất hiện tới... cả chục tờ báo thể thao và thú vị là tờ nào cũng có được độc giả cho riêng mình. Đó cũng chính là giai đoạn được xem là "bùng nổ, hoàng kim" nhất của làng báo thể thao và nó cũng tạo nên sức tác động không hề nhỏ lên sự phát triển chung của báo chí nước nhà với cách làm nhanh nhậy, hiện đại, tích hợp được sức mạnh truyền thông của thời đại "bùng nổ" của Internet.
Đến chuyện chật vật tìm chỗ đứng
Nhưng quá trình phát triển "quá nóng" của làng báo thể thao cũng để lại những mặt trái khó lường. Cách làm báo kiểu "mỳ ăn liền" là nguyên nhân khiến từ nội dung đến chất lượng bị xem nhẹ. Hệ quả là các tờ báo thể thao có từ hình thức đến nội dung "na ná" như nhau, không ít tờ đánh mất bản sắc riêng để mất dần đi bạn đọc.
Công tác tổ chức, điều hành với các tòa soạn cũng là vấn đề lớn. Vào thời cực thịnh, để đáp ứng yêu cầu sản xuất nhanh, bộ máy các tòa soạn đều "phình" ra về mặt nhân sự, sau với sự ra đời của báo mạng, truyền thông đa phương tiện, lại cần lực lượng lao động đông đảo hơn. Khi tờ báo còn bán chạy, thì chuyện "nuôi người" không mấy vấn đề, nhưng ngược lại thì đó là gánh nặng cùng những gánh nặng tài chính khác từ tiền giấy mực công in, nhuận bút, chi phí điều hành, quản lý, tổ chức sản xuất... khiến không ít tờ báo phải giảm trang, rút kỳ xuất bản, thậm chí là... đóng cửa! Đã từng có 1 tờ báo thể thao "lập kỷ lục" với việc ra được đúng... 13 kỳ!
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, cơn thoái trào chung của báo giấy và sự lên ngôi của các loại hình báo chí khác như: Truyền hình, báo điện tử... cũng là những nguyên nhân khách quan khác.
Dĩ nhiên, làng báo thể thao thì vẫn tồn tại bởi đơn giản đó vẫn là nhu cầu có thật của đông đảo công chúng, bất chấp khái niệm "báo chí truyền thống" đang nhòa dần trước sự lên ngôi của mạng xã hội, cùng nhiều loại hình thông tin khác. Vấn đề là làm thế nào để tìm được chỗ đứng trong một thị trường ngày càng trở nên chật hẹp và cạnh tranh khốc liệt mà thôi. Câu trả lời vẫn thuộc chính các đơn vị báo chí thể thao.
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags