(Thethaovanhoa.vn) - 1.Trưa hôm qua tại quán nước chè chén cổng báo Tiền phong, tôi hơi bất ngờ trước nhận định của một anh bạn nhà báo trẻ: “Thú thực em ngán lắm báo chí bây giờ. Người ta đang chạy theo thương mại hóa và chỉ đưa cái gì có lợi cho báo thôi, bất cần giá trị của sự kiện nhân vật được đưa. Trong khi bao nhiêu chuyện động trời về quốc kế dân sinh, bao nhiêu nhân cách cao đẹp bị khuất lấp giữa đời thì hình như người ta ngại…”
Mà thật thế. Cứ tờ nào nhiều thông tin liên quan đến cướp, giết, hiếp thì bán chạy. Thử nhìn các mẹt báo dạo và tiếng loa rao trên đường thì biết. Rồi thì mô tả các vu án thì chi tiết đến từng centimet dù cái tít có vẻ định hướng phê phán hoặc lên án đấy, nhưng nội dung lại trần trụi. Một ông xe ôm bảo tôi: Báo chí các anh không khéo toàn “vạch đường hươu chạy”.
2. Báo chí có chức năng lớn lao là định hướng giáo dục chân thiện mỹ. Nhiều tờ báo đứng đắn làm rất tốt việc này dù lượng độc giả khiêm tốn hơn (dĩ nhiên). Trang mục văn hóa trên các báo này dành phản ảnh đời sống văn hóa, phê phán các hiện tượng văn hóa tiêu cực lối sống thiếu lành mạnh nhằm hướng người đọc đến việc xây dựng đời sống tình cảm và tâm hồn cao đẹp.
Tuy nhiên có không ít tờ báo coi chuyên mục văn hóa là nơi để câu khách bằng những hiện tượng nhố nhăng, phản văn hóa. Bây giờ vào mục “văn hóa” thường thấy đầy rẫy chuyện“sao”nhưng là “sao” kiểu mới nổi theo công nghệ lăng xê. “Sao” nữ lộ hàng, khoe hàng, có các vòng đo khủng… “Sao” nam thì lập dị, phát ngôn bừa bãi, nhố nhăng…
Văn hóa đâu chỉ có những chuyện showbiz . Văn hóa còn vô vàn những câu chuyện đáng bàn hơn về lối sống, về học vấn, về ứng xử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn di sản cha ông…
Vậy văn hóa báo chí là thái độ văn hóa của mỗi cơ quan báo chí đối trước bạn đọc và xã hội.
Nhà báo Tân Linh
Thể thao & Văn hóa