(Thethaovanhoa.vn) - Cơn bão số 12 có tên Damrey (Con voi) mạnh cấp 10 - 11, gió giật cấp 13 đang tiến thẳng vào vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Dự kiến đêm ngày 3, sáng ngày 4/11, bão sẽ đổ bộ.
- Tháng giông bão của Dortmund
- Thư chia buồn của Thủ tướng gửi các gia đình bị thiệt hại bởi siêu bão Linda
Sáng ngày 2/11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn ứng phó với cơn bão số 12 có tên Damrey (Con voi). Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) chủ trì cuộc họp.
Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ATNĐ hướng vào phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành vùng áp thấp, áp thấp gây ra lượng mưa lớn ở Nam Bộ, đạt ngưỡng 100 mm, lượng mưa đang giảm nhanh trong sáng nay, chủ yếu gây mưa vùng ven biển Sóc Trăng, Kiên Giang, riêng Cà Mau lượng mưa không đáng kể. Mưa lớn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên gây đợt lũ báo động 1, 2 có nơi báo động 3, lũ đã đạt đỉnh và đang xuống.
Tuy nhiên, cơn bão số 12 có tên Damrey (Con voi) mạnh cấp 10 - 11, gió giật cấp 13 đang tiến thẳng vào vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Dự kiến đêm 3, sáng 4/11, bão sẽ đổ bộ. Dự báo trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Ba, sông Cái Nha Trang sẽ đạt đỉnh, sau đó xuống dần; các sông khác từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, sông Dinh (Khánh Hòa) và các sông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến 7 giờ sáng nay (2/11), ATNĐ mới đã mạnh lên thành bão số 12 có tên Damrey (con voi), đang cấp 8 giật cấp 10 di chuyển hướng Tây, khi gần vào bờ khả năng chếch xuống phía Nam, bão di chuyển nhanh 15 - 20 km/giờ, khoảng 2 ngày nữa ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Nam Trung Bộ.
Tối 3/11, bão di chuyển xuống phía biển Nam Trung Bộ, nếu bão đến sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ từ đêm 3/11, nếu muộn thì đến sáng 4/11 ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển khu vực trên. Dự báo bão rất mạnh, cơn bão khả năng sẽ đạt cấp 10 – cấp 11, gió giật cấp 13, trọng tâm khu vực Nam Trung Bộ, khu vực ảnh hưởng Nam Trung Trung Bộ gồm Quảng Nam, Đà Nẵng.
Bão kèm theo mưa lớn gây ngập lụt từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Dự báo mưa trong 2 ngày 3 - 4/11, mưa tập trung ở Huế, Khánh Hòa, đến 5 - 7/11, mưa sẽ tiếp tục mở rộng đến Quảng Bình, Nghệ An.
Theo ông Cường, lượng mưa rất lớn, vùng mưa có thể di chuyển từ Bắc tới Nam, cũng có thể mưa dồn vào một khu vực, đây là điều nguy hiểm, vì có đài quốc tế dự báo tổng lượng mưa cả đợt lên tới 1.000 mm. Cả 2 kịch bản này đều rất nguy hiểm, rơi vào đúng thời điểm mùa mưa ở Trung Bộ, Nam Bộ. Mưa lũ có khả năng lên tới báo động 3, không loại trừ trong những ngày tới chúng ta sẽ đối mặt với loại hình thiên tai báo động trên cấp.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề nghị, các địa phương cần chủ động lên phương án phòng chống bão cụ thể, thông báo tàu thuyền trong khu vực tâm bão biết được thông tin hướng di chuyển của cơn bão. Các địa phương cần rút kinh nghiệm từ cơn bão số 11, cần triển khai cắt tỉa cành cây tránh tình trạng cây đổ ngã vào nhà dân hoặc tài sản của nhân dân; tập trung lực lượng tại các điểm dễ ngập úng để chủ được xử lý khi nhập lụt.
Các địa phương chủ động cấm biển phù hợp với tình hình thực tế. Lực lượng công an phối hợp địa phương tuần tra canh gác đảm bảo an toàn khu vực di dân cũng như khu vực dân đến; chủ động cho học sinh nghỉ học. Giám sát chặt chẽ phương án bảo vệ an toàn đối với các công trình đê biển đang xây dựng. Các địa phương cần xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình hồ thủy điện, thủy lợi.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai sẽ báo cáo tình hình cơn bão số 12 tới Chính phủ để có điều hành sát sao.
H.V/Báo Tin Tức
Tags