Đoàn Văn Hậu có lẽ sẽ cảm thấy may mắn vì AFF Cup 2022 chưa có Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR). Cả ĐT Malaysia cũng vậy. Nhưng để nâng tầm giải đấu, VAR là thực sự cần thiết…
Nếu có VAR, tỷ số trận đấu trận bán kết lượt đi giữa Malaysia và Thái Lan có thể đã rất khác. Nếu có VAR, có lẽ Văn Hậu đã lĩnh một cái thẻ đỏ. Và nếu có VAR, các trận đấu có lẽ đã không bị đẩy lên căng thẳng một cách quá mức.
Hưởng lợi từ VAR thì có vui
Sau trận bán kết thứ nhất ở Gelora Bung Karno, HLV Shin Tae Yong đã đăng lên trang Instagram của mình 3 clip về Đoàn Văn Hậu. Một là cú vào bóng bằng cả hai chân với một cầu thủ Indonesia. Hai là cú phá bóng kèm theo pha thúc vào chân Ricky Kambuaya ở phút bù giờ. Và ba là một pha huých vai vào mặt một cầu thủ Malaysia khi đang che bóng để cho Đặng Văn Lâm lao ra bắt bóng.
Bất kỳ fan bóng đá nào theo dõi ba clip ấy có lẽ đều nhận thấy rằng hậu vệ Việt Nam đã quá may mắn khi không dính một tấm thẻ phạt nào. Ý đồ của ông Shin thì đương nhiên rất rõ ràng: Gây áp lực mạnh mẽ lên các trọng tài ở lượt trận về, hoặc ít nhất có thể khiến Văn Hậu chùn chân hơn trong những pha vào bóng ở Mỹ Đình tối nay. Các fan bóng đá Indonesia đương nhiên nổi giận, bởi chắc chắn họ chưa quên "mối thù" liên quan đến chấn thương của Evan Dimas ở SEA Games 2019. Trong khi đó, ngay cả những fan bóng đá Việt Nam cũng chia đôi với những luồng ý kiến tranh cãi: Một cho rằng Văn Hậu không sai khi đá quyết liệt để "dằn mặt" đối phương. Một cho rằng Văn Hậu đá láo, và trước sau gì cũng phải trả giá.
Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu những tình huống mà được cho là "phạm lỗi có nghề" ấy bị đặt dưới kính hiển vi bằng công nghệ VAR thì Văn Hậu khó lòng thoát khỏi thẻ đỏ. Và những hệ lụy sẽ lớn hơn nhiều. Văn Hậu đang là lựa chọn số một bên hành lang trái, trong cả tấn công và phòng ngự. Vắng Hậu, đội tuyển Việt Nam sẽ phải trả giá nhiều hơn so với khi vắng Văn Toàn. Ở trận thắng Malaysia 3-0 ở Mỹ Đình, Văn Hậu thoát án phạt của trọng tài, nhưng dư luận thì không.
Hình ảnh của Văn Hậu trên sân bóng, và trên mạng xã hội đã xấu xí đi rất nhiều. Đừng ngạc nhiên nếu như ở Mỹ Đình tối nay, Văn Hậu phải nhận thẻ vì một tình huống đá rát, nhưng đúng luật. Đơn giản vì khi không có VAR, những quyết định sẽ mang cảm tính hơn, mà các trọng tài thì đang bị gieo vào đầu ý thức rằng Văn Hậu là một hậu vệ hay chặt chém.
Bao giờ AFF có VAR?
Văn Hậu chỉ là một trong số những minh chứng về sự bất cập khi không có VAR. Trận bán kết thứ hai giữa Malaysia và Thái Lan ở Bukit Jalil đã trải qua những phút rất căng thẳng khi trọng tài không công nhận một bàn thắng của đội chủ nhà dù Pansa Hemviboon bị chính đồng đội phạm lỗi chứ không phải cầu thủ chủ nhà. Cũng ở trận này, trọng tài cũng từ chối cho Thái Lan một quả phạt đền, dù pha quay chậm cho thấy lẽ ra ông phải làm điều ngược lại.
Dù khen "Văn Hậu chơi hay, giữ được cái đầu lạnh", nhưng có lẽ HLV Park Hang Seo cũng đã có những sự nhắc nhở riêng với hậu vệ người Thái Bình. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng cho rằng công nghệ VAR là xu hướng chung của thế giới. "Nếu áp dụng VAR thì chất lượng giải đấu sẽ tốt hơn. Trọng tài cũng là con người, họ sẽ không tránh khỏi những sai sót. Nếu có VAR thì sai sót của trọng tài sẽ được giảm bớt", ông chia sẻ. Việc lắp đặt VAR cho các trận đấu ở AFF rõ ràng là cần thiết để bảo đảm tính công bằng, đồng thời khiến các cầu thủ tiết chế các pha bóng thô bạo.
Nhưng từ ý tưởng đến việc thực hiện là không hề dễ dàng. Tại World Cup 2022 vừa qua, mỗi trận đấu có đến 42 camera, bao gồm nhiều camera chuyên biệt. Một ví dụ gần gũi hơn là ở vòng loại World Cup 2022 mà Việt Nam lọt vào vòng thứ ba, khi Mỹ Đình lần đầu được lắp đặt VAR, với 33 camera ở sân Mỹ Đình. Trong số này có 8 camera Super Slow Motion, 4 camera Ultra Slow Motion với tốc độ lên tới 120 khung hình/giây. Bên cạnh đó, một phòng VAR sẽ yêu cầu phải có một tổ vận hành, cũng như một nhóm trọng tài được đào tạo bài bản.
Và nên nhớ, AFF Cup hiện tại không diễn ra tập trung ở một nước mà dàn trải ra 10 quốc gia khu vực. Điều đó có nghĩa VAR sẽ phải lắp đặt ở ít nhất 10 SVĐ ở 10 nước khác nhau. Mà các nước Đông Nam Á thì không phải ở đâu cũng có cơ sở hạ tầng tốt như ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, hay Singapore. Bao giờ AFF có VAR?
50.000
Chi phí ước tính cho mỗi trận đấu có VAR rơi vào khoảng 50.000 USD. Con số này bằng với tiền thưởng của đội đoạt giải ba (đội vô địch AFF Cup năm 2020 được 300.000 USD, Á quân nhận 100.000 USD). Mà AFF Cup có tới 26 trận, theo đó nhân lên, chi phí không hề nhỏ.
Tuấn Cương