(Thethaovanhoa.vn) - Thứ 5 tuần này, ở thành Vinh, Hà Nội nếu có trọn 3 điểm trước SLNA sẽ lên ngôi trước 2 vòng đấu. Năm ngoái, V-League 2018, cũng chính từ trận thắng SLNA 2-0, đội bóng Thủ đô đã vô địch khi gác đội về nhì đến 16 điểm.
Với phong độ này của họ cùng thế cờ tàn cuộc này, chuyện Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vương, chỉ còn là vấn đề thời gian. Mà như thế, đội bóng Thủ đô thiết lập kỷ lục 5 lần vô địch sân chơi cao nhất của làng cầu nội.
Rõ ràng trong bối cảnh này, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đang “nắm dao đằng chuôi” rồi, không khác được. Quyền tự quyết trong tay, chắc hẳn họ không muốn phải bị níu nhau đến vòng cuối cùng. Bởi lẽ, càng vô địch sớm V-League bao nhiêu thì Hà Nội FC có thêm thời gian chuẩn bị cho những cái đích xa hơn, cho danh hiệu còn thiếu trong bộ sưu tập của mình. Chung kết lượt đi AFF Cup cùng Cúp Quốc gia là những mục tiêu đó. Tiềm lực của nhà ĐKVĐ không chỉ ở V-League năm nay mà cả nhiều mùa bóng qua là rõ ràng.
Viết đến đây, bỗng nhớ câu nói của HLV Nguyễn Đức Thắng (SLNA) khi đội bóng của ông để thua Hà Nội, như nhiều đội bóng khác: “Thua ai, chứ thua Hà Nội thì không sao cả, không có gì phải xấu hổ cả”. Có thể đó lời khen rất thật hay chỉ lời nói xã giao, hiểu thế nào cũng đươc. Chỉ biết rằng, Quang Hải và đồng đội trên trình so với phần còn lại của V-League.
V-League 2018, Thanh Hóa với nguồn lực từ bầu Quyết tưởng những đã bắt kịp và vượt qua Hà Nội. Mùa giải năm nay, đã có lúc người ta vỗ tay cổ vũ cho thầy trò ông Chung Hae Seong phá vỡ thế độc tôn của đối thủ. Nhưng tất cả những so kè đó của TP.HCM chỉ đơn giản tạo nên sắc màu mà thôi. Hà Nội vẫn đứng vững và biết cách vượt qua khó khăn bằng chính nội lực của mình để đứng trước cơ hội( đã rất gần) để lần thứ 5 nâng cúp.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của bóng đá nước nhà vài năm đổ lại đây, rõ ràng không có đội bóng nào hội đủ những yếu tố để lật đổ sự thống trị của Hà Nội. Nhắc lại quá khứ một chút, ít có đội bóng nào đó ở V-League duy trì vị thế vô địch lâu dài. Đã qua lâu rồi thời tung hứng của bộ tứ: “Gạch-Gỗ-Gốm và Đà Nẵng”. Mỗi mùa giải trôi đi, mỗi CLB luôn có sự biến động, không vấn đề này sẽ là câu chuyện khác ảnh hưởng. Nhưng từ lúc này, đã có niềm tin lớn về việc Hà Nội sẽ thống trị lâu dài tại V.League.
Không chỉ có một phiên bản gần như hoàn hảo dành cho một đội bóng chơi ở giải chuyên nghiệp. Ở đó, cái cách Hà Nội xây dựng được lối chơi đã thành thương hiệu, đã thành bản sắc, để thích mắt người xem là điều đáng trân quý. Để có được những mùa bóng chơi ra trò và thành tích đều như gieo đầu phải bỗng dưng mà có. Họ đã đầu tư, đã chăm bẵm, biết xây dựng cái nền vững chắc từ bóng đá trẻ. Nên nhớ vào lúc này, quân của bầu Hiển không chỉ “đa” mà còn “tinh” trong lòng các đội tuyển dưới thời ông Park.
Đúng 10 năm lên chơi V-League, với chức vô địch lần thứ 5 trong tầm tay, Hà Nội FC đã có những bước trở mình đáng ghi nhận. Không còn cách gọi mỉa mai đội bóng “tình- tiền”, bây giờ giản đơn hơn với cái tên Hà Nội. Hành trình để đi từ cái tên: “Đội bóng của bầu Hiển” đến: “Đội bóng của khán giả Thủ đô” cũng trải qua nhiều va đập và còn gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận từ ngày nào khán đài Hàng Đẫy sống trong cảnh đìu hiu khi không còn Thể Công hay CAHN cho đến con số trung bình 14.000 người vào sân hôm nay xem Hà Nội thi đấu, đã nói lên tất cả. Đó mới chính là sức sống và tình yêu người ta dành cho đội bóng áo tím.
Và thành Vinh, cuối tuần này, rất có thể đội bóng áo tím sẽ nâng cúp vô địch V-League lần thứ 5. Một kỷ lục ra đời.
Trần Tuấn
Tags