Bao giờ hết 'nhồi sọ' con trẻ?

Thứ Tư, 30/11/2016 07:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về dạy thêm học thêm vốn dĩ đã trở thành cuộc tranh cãi liên miên trong một nền giáo dục thiếu triết lý. Khi mà cả tri thức và kỹ năng đều bất cập với quá tải giáo điều, nhồi nhét lý thuyết, đọc chép sách vở, thực hành chỉ qua loa...

Gần đây, cái sự học thêm ấy bị đẩy lên một 'nấc' cao hơn kéo theo nhiều lo lắng khi báo chí liên tục đưa tin các lớp học kích hoạt não trẻ nở rộ ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nó rầm rộ ngay cả khi nhiều chuyên gia khẳng định nó chưa có cơ sở khoa học.

Vậy là rất nhiều phụ huynh đang cho con em mình chạy đua trong một cuộc thử nghiệm.

Các lớp học này được quảng cáo tràn lan ở các trung tâm trên mạng. Nghe qua khá mơ hồ về phương pháp học, các em học sinh còn nhỏ tuổi sẽ được tham gia những khoá đào tạo "đặc biệt". Các em sẽ phải bịt mắt lại sờ vào một đồ vật và đoán màu sắc. Sau khi học "thày bói xem voi", bịt mắt đoán màu, các chức năng của não sẽ được cải thiện, khả năng học tập tăng lên gấp nhiều lần nhờ tối ưu hóa khả năng hoạt động của não bộ.

Những người quảng cáo và cả những người cho con theo học đều nghĩ rằng, đây là hoạt động kích hoạt não nhằm để mở "giác quan thứ 6" của trẻ. Cha mẹ các em được đưa vào những mê cung ảo tưởng của những ngôn từ hoa mỹ như "giáo dục sớm", "phát lộ thiên tài nhí".


Ăn vội hộp cơm trên đường để còn… đi học

Không biết nó có lên quan đến khả năng đọc thuộc "siêu việt" của các em học sinh tiểu học hiện nay. Như hầu hết học sinh được khảo sát tại TP.HCM đều có khả năng đọc trôi chảy, tốc độ đọc trung bình vượt gần gấp đôi chuẩn đọc quy định của chương trình dạy đọc tiếng Việt tiểu học. Nhưng dù đọc vanh vách, chỉ chữ nào biết chữ đó, nhưng khi hỏi nghĩa của đoạn văn hay của từ thì các con chỉ lắc đầu, kỹ năng đọc hiểu hầu như thấp. Kéo theo kỹ năng tổng hợp đơn giản, suy luận và diễn đạt thể hiện được từ việc đọc hiểu là rất thấp.

Thực tế, trẻ trong độ tuổi tiểu học trở xuống có khả năng trực giác rất cao. Bộ não trẻ có thể “chụp” lấy hình ảnh chữ và ghi nhớ nó trong đầu. Tuy nhiên, những chữ đó chỉ hiện diện dưới dạng hình ảnh, không có sự phân tích. Nếu chữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trẻ có thể nhận biết được theo kiểu: những chữ có hình dạng như thế thì phát âm như thế nào như một con vẹt.

Cũng mấy ngày qua, trên mạng lan truyền chóng mặt một video người đi đường ghi lại hình ảnh hai em bé mặc đồng phục được cha chở xe máy trên đường, ngồi phía sau, mỗi đứa trẻ bưng một hộp cơm cắm cúi xúc ăn. Đoạn clip khiến nhiều người ứa nước mắt, giật mình về chuyện ăn học của bọn trẻ bây giờ. Các em phải hành xác đến thế sao?

Thực ra, hình ảnh những đứa trẻ tranh thủ gặm bánh mỳ, mút hộp sữa sau xe máy cha mẹ để kịp giờ học nhan nhản trên đường mỗi ngày. Nhưng cầm thìa xúc cơm thì nhìn thật xót xa.

Thử hỏi, trong hành trình từ lớp 1 đến lớp 12 các em đã bị nhồi nhét bao nhiêu thứ kiến thức, như nhồi nhét những bữa ăn vội vàng, để qua bao nhiêu kỳ thi trong cuộc đời. Bao nhiêu đứa trẻ bị vùi sâu trong những áp lực từ người lớn, bị quên lãng trong thế giới kiến thức hỗn mang mà không có điều kiện trưởng thành về tâm hồn và thể xác?

Câu hỏi nhức nhối, nhưng các em vẫn bị buộc phải học, phải nhồi những thứ mà người lớn cho là cần thiết.


Đoạn clip khiến nhiều người ứa nước mắt, giật mình về chuyện ăn học của bọn trẻ bây giờ

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›