Ngày 26/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố tổ chức Hội thảo "Sở hữu trí tuệ và ngành công nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số tại Việt Nam".
Theo bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế và giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink).
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản vô hình, nếu quản trị tốt có thể tạo ra những giá trị to lớn; là giải pháp để đảm bảo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm khuyến khích sáng tạo, làm phong phú và truyền bá, phổ biến các tài sản trí tuệ, tài sản văn hóa của quốc gia và nhân loại.
Hiện, môi trường số đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ, quyền sở hữu trí tuệ chính là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ các sáng chế, sáng tạo về công nghệ; giúp xúc tiến chuyển giao công nghệ hiệu quả. Vì vậy, quyền sở hữu trí tuệ cần được tuyên truyền và nhận thức đầy đủ hơn tại các viện nghiên cứu, trường học...
Chia sẻ về công tác bảo vệ bản quyền phần mềm và hỗ trợ các chính phủ duy trì phát triển ngành công nghiệp phần mềm, ông Tarun Sawney, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm (BSA) cho biết, Hoa Kỳ được xem là quốc gia có nhiều ý tưởng, nhiều phần mềm công nghệ nhất thế giới vì có công cụ bảo vệ tài sản sáng tạo rất tốt. Khi cá nhân có ý tưởng - giải pháp công nghệ tốt, nhà đầu tư mạo hiểm sẽ quan tâm để phát triển ý tưởng - giải pháp đó...
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả đối với phần mềm; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.
Tags