(Thethaovanhoa.vn) - "Đi đá bóng hay đi đánh nhau?". HLV Nguyễn Văn Biển chất vấn gắt gao học trò, khi cầu thủ U17 Hà Nội xông vào đánh đối phương ở giải giao hữu tại Trung Quốc. Bởi một cú đấm, ở trong khoảnh khắc không làm chủ được mình, đã gây phương hại nhiều thứ. Nó cũng có thể gieo mầm cho hạt giống bạo lực xuất hiện ngày sau.
Còn với V-League, mà lâu nay chúng ta vẫn ngán ngẩm gọi là “Võ League”. Vòng đấu gần nhất, đã có đến 4 thẻ đỏ được rút ra. Đó là trọng tài còn e dè và nương tay, theo kiểu muốn trận đấu về đích an toàn. Cầu thủ đá như đấu võ ở Lạch Tray trong trận chủ nhà Hải Phòng tiếp SHB Đà Nẵng.
Cùng lúc trên sân Vinh, ngoại binh Santos Marcio đã giật chỏ vào mặt Đinh Tiến Thành khiến trọng tài Ngô Quốc Hưng rút thẻ đỏ trực tiếp truất quyền thi đấu. Trước đó nữa hình ảnh rướm máu với 4 vết giày đinh hằn trên ống đồng của Trần Văn Kiên trong trận derby Thủ đô giữa Hà Nội và Viettel ở vòng 3 V-League 2019.
VIDEO: Nhận định Thanh Hóa vs Khánh Hòa (17h, 20/4), vòng 6 V-League 2019. Trực tiếp BĐTV, FPT Play
Bạo lực - đến hẹn lại lên
Nhìn lại, chỉ qua 5 lượt đấu khởi đầu, khi mà giải đấu chưa vào hồi cao trào. Đã thấy bạo lực sân tưởng như triệt hẳn lại đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ. Với đủ các hình thái biểu hiện từ cầu thủ, quan chức và cả khán giả trên sân. Cầu thủ đá bóng thì ít, đá người thì nhiều. Nóng đầu để rồi nóng chân. Trả đũa, chặt chém nhau trở thành chuyện như cơm bữa. Thậm chí có đội bóng còn cổ súy bằng việc đánh tráo khái niệm rằng đó là cách chơi bóng của những người đàn ông.
Bao nhiêu năm qua, bạo lực sân cỏ nước nhà như thứ “đặc sản”. Nó phổ biến đến mức một bộ phận khán giả quay lưng với bóng đá nước nhà. Còn với truyền thông và giới chuyên môn đã thật sự ngán ngẩm, khi chán nản thốt lên” Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Đã biết, đã nói, đã có biện pháp nhưng mọi thứ vẫn vậy. Vẫn chờ thời điểm và vẫn đến hẹn lại lên.
Bạo lực ở V-League không phải hành động mang tính đơn lẻ và bộc phát. Nó được những cầu thủ sử dụng như giải pháp để đạt được mục đích. Dẫu họ vẫn biết rằng khả năng sẽ gây tổn thương cho đồng nghiệp. Bạo lực sân cỏ chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn. Một vài án phạt vẫn chưa thể là liều thuốc đủ đô, để có thể loại bỏ thói quen chơi bóng bằng cùi chỏ, gầm giày. Nói không quá, dường như ngấm vào máu của nhiều người ra sân thi đấu.
Trong khi chúng ta đang hồ hởi bao nhiêu với những điểm sáng mà thầy trò ông Park đem lại trong thời gian qua. Cùng với đó là những tín hiệu có phần tươi mới trong cung cách điều hành và tổ chức của cơ quan quản lý bóng đá nhà. Ngược lại nền tảng cốt lõi để xây dựng và phát triển đội tuyển nói riêng và nền bóng đá nói chung là sân chơi V-League vẫn phải đang đương đầu với nhiều chuyện chưa được vui như thế.
Chất lượng chuyên môn rõ ràng vẫn chưa được nâng tầm trong những cuộc tranh đua có tính cạnh tranh sòng phẳng. Hơi hướng của tiêu cực và bạo lực bùng phát lại đang trỗi lên. Vì sao, như thế nào và lỗi tại ai. Câu hỏi tâm huyết đã được đặt ra và cần những lời giải căn cơ, minh bạch nhất.
Và đâu là giải pháp
Cần phải khẳng định với nhau như thế này. Bạo lực sân cỏ thể chưa biến mất, nhưng chắc chắn sẽ giảm thiểu khi những người làm bóng đá biết cách giáo dục, uốn nắn cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ, khi họ mới vào nghề. Chỉ có như thế, mới gầy dựng được những người chơi bóng tử tế, đàng hoàng.
Thế hệ cầu thủ đó dựa trên chuyên môn thuần túy để đá bóng và quan trọng biết cách chơi bóng trên tinh thần nhân văn nhất. Họ phải biết lấy mục tiêu phục vụ khán giả và bảo vệ hình ảnh bản thân, cũng chính là bảo vệ thương hiệu đội bóng lên hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên mà học trò của HLV Park Hang Seo tạo ra được xác tín đáng tin cậy cũng như hiệu ứng xã hội lớn đến thế.
Cho đến lúc này, cung cách và biện pháp quản lý, giáo dục, uốn nắn, đào tạo của những đội bóng, địa phương hay cả nhận thức của nhiều cầu thủ chúng ta vẫn theo kiểu đối phó và chưa được coi trọng. Vậy nên,cứ có chuyện, tất cả sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, từ cầu thủ trên sân cho đến băng ghế huấn luyện. Vấn đề giáo dục cầu thủ, không bao che cho các hành vi vi phạm ở các đội bóng đang gần như không được quan tâm đúng mức.
Chính thái độ thi đấu thiếu văn hóa, cố ý đá xấu của cầu thủ trên sân, đôi lúc đã được dung dưỡng từ sự nhún nhường của cả đội ngũ trọng tài. Chừng nào trọng tài chưa đủ độ nghiêm minh, để thể hiện quyền uy. Chừng nào không xử lý căn cơ và rốt ráo với lối đá thô bạo, thì đừng ngạc nhiên V-League vẫn cứ như sàn đấu võ cả. Tất cả đều chưa có giải pháp thỏa đáng, đều là một cái mớ bòng bong mà nhìn vào đó, người ta lại phải lắc đầu “chuyên nghiệp ở đâu?”.
Không phải đến bây giờ chuyện đá nhau như triệt hạ đồng nghiệp của mình mới được nhắc đến, chỉ có điều nó đã thật sự leo thang, như một vấn nạn, mà lâu nay do quá nhiều rào cản (phạt nhẹ, nâng lên hạ xuống, án chưa nghiêm…) đã thật sự làm lờn thuốc.
Khán giả vào sân, không đơn thuần là giải trí, mà người vào sân còn có cả trẻ con, không biết liệu những đứa trẻ ấy có bị ám ảnh bởi những pha bóng mang đậm tính võ đài thế không. Bởi thế, khi ra sân, xin các cầu thủ hãy coi mình như người của công chúng. Anh tôn trọng ý thức với nghề, anh sẽ tôn trọng và giữ gìn cho đồng nghiệp, cũng chính là tôn trọng bản thân mình.
Suy cho cùng, bạo lực sân cỏ Việt hôm nay lại bùng phát, không hề là câu chuyện mới. Nó đã đã cũ, quá cũ đến mức như vấn nạn. Đã đến lúc tất cả những ai tham gia địa hạt bóng đá nước nhà phải thật sự quyết liệt và tìm ra những giải pháp căn cơ, triệt để cho vấn nạn này. Đừng để mọi thứ cứ trôi nổi theo kiểu “ném đá ao bèo’.
Ai sẽ biết cách kiềm lại những cái đầu nóng trên sân, khi cầu thủ ở vào trạng thái mất kiểm soát? Bởi chính các HLV, trợ lý hay cả lãnh đạo đội cũng lao vào sân phản ứng. Rồi cả đùng đùng đòi bỏ dở trận đấu, đòi nghỉ chơi. Chính họ không biết luật, hay không tôn trọng luật, thì làm sao ghìm cầu thủ mình lại. Chỉ dựa vào các án phạt nặng là chưa đủ, mà cần có ý thức bản thân của chính những ai đang tham gia cuộc chơi. Một khi anh đã tham gia cuộc chơi, phải biết cách tôn trọng luật chơi đã có. Nên nhớ một điều, từ ý thức sẽ dẫn đến hành vi. Không còn cách nào khác là phải huấn giáo và chỉ dạy cầu thủ thường xuyên. |
Trần Tuấn
Tags