Vừa ôm bụng bầu vừa đi học tiếng Pháp, những ngày đầu của chị Trâm tại Thụy Sĩ gặp vô vàn khó khăn.
Lấy chồng Thụy Sĩ, gặp 3 lần liền chốt cưới
Đầu năm 2018, Võ Thị Phương Trâm sang Singapore du lịch thì vô tình gặp anh Maxime (quốc tịch Thụy Sĩ). Lúc đó thấy chị Trâm đang đi chơi cùng một nhóm bạn nữ, anh Max nói chuyện thấy hợp rồi xin đi chung. Đến ngày cuối cùng, Max hẹn gặp riêng Trâm tại quán cafe. Tại đây anh nói muốn giữ quan hệ tình cảm sau khi 2 đứa về nước.
Đáp lại Trâm nói thẳng: "Em năm nay đã 30 tuổi rồi, công việc cũng khá bận nên không có thời gian yêu chỉ để yêu. Nếu tính tới chuyện yêu xa mà hợp thì sẽ tính lâu dài chứ không có chuyện yêu chơi chơi".
Sự quyết đoán của cô gái Việt Nam lại càng khiến Max càmg thêm ngưỡng mộ, yêu mến. Sau ngày hôm đó, cả hai duy trì liên lạc ở hai đầu đất nước cách xa nhau 10.000km. Tháng 4/2018, Max về Việt Nam 2 tuần thăm gia đình Trâm. Đến tháng 9 năm đó, cô lại bay qua Thụy Sĩ gặp gia đình anh. Đầu năm 2019, cặp đôi tiến tới kết hôn dưới sự chúc phúc của người thân, bạn bè.
Dù trước khi cưới đã qua Thụy Sĩ chơi song khi theo chồng qua đây định cư, Trâm vẫn gặp phải nhiều cú sốc. Thời tiết ở nơi đây khắc nghiệt, mùa đông 0 độ, thậm chí xuống mức âm. Sự khác nhau về văn hóa ẩm thực hai đất nước cũng khiến bà mẹ Việt "đau đầu": "Chồng mình không ăn sáng theo kiểu Việt Nam. Ở Việt Nam hay có mấy món hủ tiếu, bún bò, tá lả món... Bên đây chỉ có bánh mì, quẹt với bơ, mứt. Ăn quanh năm suốt tháng vậy đó. Bữa nào khác lắm cũng chỉ có ngũ cốc, sữa chua...".
Chị Trâm kể, tại Thụy Sĩ, tất các các siêu thị mở từ thứ 2-thứ 7, đóng cửa lúc 18h30 hàng ngày. Điều này khiến chị thấy khá lạ lẫm. Đường xá tại đây cũng chưa quen, có lần đi lạc, chị phải nhờ chồng tới đồn cảnh sát đón về.
"Hồi đó mới qua chồng đưa mình đi học bằng ô tô. Những lần sau anh dẫn đi bằng tàu, xe buýt. Tại cũng không muốn phụ thuộc chồng nhiều vì bản thân mình khá độc lập. Mấy lần đi xe buýt thử quan sát đường, rồi dòm Google mà có lần bị chỉ lộn qua khu nông thôn.
Lúc đó biết mình bị lạc rồi. Có 2 ông cảnh sát cứ nhìn nhìn miết, mình mới gọi điện cho chồng. Chồng hỏi đang ở đâu, mình cũng không biết ở đâu luôn. Ông kêu gửi định vị cũng không biết gửi, sau đành bảo thôi em tấp vào đồn cảnh sát gần đó, anh tới đón", chị Trâm kể lại kỷ niệm nhớ đời.
Ôm bụng bầu đi học, được chồng chu cấp tài chính
Hai tháng đầu mới qua, thấy ở nhà buồn chán nên chị Trâm xin vào làm cho một nhà hàng lấy kinh nghiệm. Song công việc phục vụ đem lại nhiều trải nghiệm không tốt nên chị lại xin nghỉ. Lúc đó chị phát hiện đang mang thai 2 tháng. Chị tự rút ra bài học, nếu không biết ngoại ngữ, không biết văn hóa của đất nước họ thì sẽ lại gặp những trải nghiệm tương tự.
Nghĩ là làm, chị Trâm ôm bụng bầu đi học tiếng Pháp. May mắn, quá trình học chị không gặp quá nhiều áp lực vì được chồng chu cấp toàn bộ tài chính.
Hiện chị Trâm đang làm công việc bảo mẫu, giữ trẻ tại nhà dưới sự quản lý của tổ chức chính phủ. Theo chị Trâm, việc giữ trẻ ở Thụy Sĩ nếu không thông qua chính phủ mà tự mở dưới danh nghĩa cá nhân sẽ được coi là bất hợp pháp. Để làm được công việc này, bà mẹ 1 con đã trải qua hành trình không hề dễ dàng. Lần đầu phỏng vấn, chị Trâm bị đánh rớt vì ngôn ngữ chưa ổn.
"Bước ra xe mình khóc như mưa vì nỗ lực 2 năm như vậy vẫn không đạt", Trâm kể. Sáu tháng sau, chị apply lại thì nhận thông báo đỗ.
"Cũng như apply tất cả các công việc khác ở Thụy Sĩ, đòi hỏi phải đào tạo ở Thụy Sĩ theo trình tự nộp CV, phỏng vấn. Thật ra cơ duyên mình đến với công việc này cũng tình cờ. Mình học ngành này để làm việc trong nhà trẻ chứ không phải giữ trẻ ở nhà. Thời điểm apply xin việc, con mình mới được 15 tháng. Nhiều lúc nghĩ cũng hơi kỳ vì mình đi gửi con mình ở nhà trẻ rồi mình lại đi giữ con của người khác", chị Trâm nói.
Chị Trâm cho biết, bảo mẫu ở Thụy Sĩ phải đào tạo chuẩn theo khung Sư phạm, bao gồm có việc đọc sách, cho bé đi ra ngoài chơi. Riêng ăn uống, nếu bé trên 12 tháng tuổi sẽ ăn tại nhà bảo mẫu, nếu dưới 12 tháng sẽ theo yêu cầu, mong muốn của phụ huynh. Nhà của bảo mẫu phải đáp ứng về diện tích, tối thiểu 2 phòng ngủ để các bé có không gian chơi, ngủ nghỉ. Ngoài ra, thiết kế đồ đạc cũng phải an toàn, đủ điều kiện theo quy định.
Giờ đây, nhìn lại những khó khăn đã trải qua, chị Trâm thấy biết ơn và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Chị luôn tự nhủ sẽ "nhìn những mảnh đời khó khăn hơn" để lấy đó làm động lực cho bản thân. Bà mẹ Việt dự định thời gian tới vẫn sẽ học thêm về tiếng Pháp, ngoài ra học các khóa nghiệp vụ bảo mẫu phục vụ cho công việc.
"Mình muốn cảm ơn gia đình ở Việt Nam rất nhiều. Mình không phải áp lực tài chính cho gia đình ở Việt Nam, cũng không áp lực tài chính ở đây luôn. Nên vì thế mà được thư thái đầu óc, tập trung toàn tâm phát triển sự nghiệp. Cũng gửi lời cảm ơn chồng vì đã luôn hỗ trợ vợ...", chị Trâm nhắn nhủ.
Nguồn: Người kết nối, Ảnh: FBNV
Tags