(Thethaovanhoa.vn) - “Lâu lắm tôi mới nghe một ý kiến hay như vậy, tôi rất đồng cảm” - nhà văn của “Nỗi buồn chiến tranh” bày tỏ khi nghe Kim Young Ha, một đồng nghiệp Hàn Quốc, nói văn chương có thể vượt qua biên giới và thời đại.
Trong Làn sóng Hàn, âm nhạc và phim ảnh hoàn toàn chiếm hữu, văn học là lĩnh vực chưa bao giờ được xem là trọng tâm. Kim Young Ha, tác giả tiểu thuyết Tôi có quyền tự hủy hoại bản thân, là một trong những nhà văn Hàn Quốc đầu tiên đến Việt Nam giao lưu ở cả TP.HCM và Hà Nội.
Buổi giao lưu ở Hà Nội diễn ra sáng 18/11 tại Đại học KHXH&NV, có nhà văn Bảo Ninh tham dự.
Nhà văn Bảo Ninh và nhà văn Kim Young Ha ký tặng sách cho nhau. Ảnh: Mi Ly.
Nhà văn không đại diện cho cả nền văn học
Trả lời câu hỏi về vị trí của văn học trong Làn sóng Hàn, Kim Young Ha mào đầu: “Khi nhắc đến Hàn Quốc, người ta thường nhắc đến các bộ phim truyền hình và những ngôi sao ca nhạc. Vì thế tôi khá băn khoăn khi đến Việt Nam giao lưu, công việc thường dành cho các ngôi sao giải trí”.
“Văn học thường đến chậm hơn các lĩnh vực văn hóa khác và có thể mất hàng trăm năm mới thể hiện rõ sức ảnh hưởng của nó lên một nền văn hóa. Nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng, bởi thế giới của văn học khác với các thế giới nghe nhìn khác. Trong văn học, người ta nhìn thấy những giá trị đồng cảm chung mà độc giả ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào cũng chia sẻ”.
Kim Young Ha lấy ví dụ về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tác phẩm Việt Nam mà anh yêu mến. “Tác phẩm đó lấy bối cảnh mấy chục năm trước nhưng ý nghĩa vẫn vượt qua không gian, thời gian”. Anh cũng cho rằng, không nên đóng đinh tác phẩm văn học là Hàn Quốc hay Việt Nam mà nên tìm ra giá trị phổ quát, nhân loại của chúng.
Nghe câu trả lời của Kim Young Ha (46 tuổi), nhà văn Bảo Ninh (52 tuổi) không ngừng gật đầu. Ông giơ tay phát biểu ngay sau đó: “Lâu lắm tôi mới nghe một ý kiến hay như vậy. Tôi rất đồng cảm với anh”.
“Người ta hay gán cho một tác phẩm là văn học Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ. Thực ra, viết văn là việc của cá nhân nhà văn. Tôi không bao giờ quan tâm tác phẩm văn học mang quốc tịch nào. Nhà văn Kim Young Ha đại diện cho cá nhân anh ấy chứ không đại diện cho nền văn học Hàn Quốc. Trong nhận thức của tôi không có điều đó”.
“Một phần trong tôi là món nợ với Việt Nam”
Có một điều Kim Young Ha ít tiết lộ, đó là Việt Nam ẩn sâu trong những sáng tác của anh. Bố của nhà văn là một người lính từng đến Việt Nam làm công tác hậu cần cho quân đội Hàn trong cuộc chiến tranh Việt Mỹ. Ông đã mua một chiếc máy ảnh Konica và chụp lại rất nhiều bức ảnh ở Việt Nam.
Kim Young Ha chia sẻ, ký ức của anh hằn sâu hình ảnh những con trâu bị bắn chết, những người lính Mỹ đang nghe nhạc Jazz hay nằm tắm nắng trên bãi biển. “Độc giả Hàn Quốc thường cho rằng tiểu thuyết của tôi có không khí đô thị Hàn Quốc và ảnh hưởng từ văn học cổ điển phương Tây. Nhưng có lẽ, thẳm sâu trong con người tôi đâu đó là dấu vết của những người lính trẻ và những con trâu chết”.
“Một phần trong tôi là một món nợ đối với Việt Nam” – nhà văn bộc bạch.
Làn sóng Hàn, mà mũi nhọn là Kpop, thường tạo cảm giác hào nhoáng phồn hoa. Nhưng Kim Young Ha khẳng định: “Những gì các bạn nhìn thấy ở Kpop hay phim truyền hình không chỉ là vẻ bề ngoài mà chính là những hình ảnh rất chân thực về Hàn Quốc, thể hiện một số đặc điểm của người Hàn như: thích làm đẹp, mặc đẹp, yêu thích văn nghệ; đồng thời phản ánh tình cảm nam nữ, tình cảm gia đình trong đời sống của chúng tôi”.
Nhưng bên cạnh những hình ảnh đó, Hàn Quốc trong mắt người Việt Nam và ngược lại, vẫn còn có những hiểu lầm. Kim Young Ha gọi đây là “hai nền văn hóa bị che khuất bởi những ảo tưởng và hiểu lầm”. Anh tin văn chương sẽ góp phần nối kết.
Mi Ly
Tags