(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 22 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11-12.
- Bão số 5 di chuyển nhanh, đã sẵn sàng mọi phương án phòng chống bão
- Dự báo thời tiết: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 giật trên cấp 11
- Dự báo thời tiết: Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, không khí lạnh gây mưa to ở Trung Bộ
- Dự báo thời tiết tin bão mới nhất: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 mạnh lên thành bão
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Gió mạnh trên Biển: Ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ở vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11-12; biển động rất mạnh.
Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11-12, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh; ở Nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Gió mạnh trên đất liền: Từ trưa và chiều nay (30/10), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10-11; Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7; Gia Lai, Đắc Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Mưa rất lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên: Trong 02 ngày 30-31/10, ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to (tổng lượng mưa 50-100mm/đợt); khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm); ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to (Tổng lượng mưa 300-400mm/đợt, có nơi 400-600mm/đợt).
Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi 300-500mm/đợt). Cảnh báo: Từ ngày 04-05/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Bão số 5 di chuyển nhanh, chủ động mọi phương án phòng chống bão
Bão số 5 có diễn biến di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng Tây cộng thêm khối không khí lạnh có khả năng mạnh thêm và thời điểm đổ bộ có triều cường, các bộ, ngành, địa phương chủ động mọi phương án phòng chống bão, không chủ quan, đặc biệt là các khu vực chịu ảnh hưởng lớn của bão số 5. Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại cuộc họp ứng phó với số 5, vào sáng 30/10, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, bão số 5 ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong khi đó, khu vực Trung Bộ là vùng mạnh về kinh tế biển và các hoạt động du lịch. Từ thực tế trên, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn neo đậu các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch), đặc biệt chú ý hướng dẫn, thông tin cho gần 600 tàu tại Phú Yên và Quảng Ngãi chưa vào bờ. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, trong đó lưu ý đến khách du lịch nước ngoài.
Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với các địa phương tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố lồng, bè, bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.
Khu vực miền núi, trung du cần chú ý đến các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời dân (chuẩn bị các thiết bị có thể điều khiển vào các vùng sâu, vùng xa chụp ảnh, ghi hình và các phương án ứng phó phù hợp).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương kiểm tra, kiểm soát các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong đó lưu ý các hồ đã xuống cấp, hồ nhỏ để có phương án khắc phục đảm bảo an toàn cho người, tài sản và vùng hạ du. Đặc biệt là cần chú ý kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết khi mưa lũ lớn. Các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông; đồng thời, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế, du lịch trên các đảo và ven biển. Các địa phương thực hiện tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhấn mạnh: Bão số 5 có diễn biến di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng Tây cộng thêm khối không khí lạnh có khả năng mạnh thêm và thời điểm đổ bộ có triều cường, cần chú ý công tác ứng phó và phòng tránh bão. Bão đổ bộ vào bờ kết hợp với triều cường lên (từ 20 - 23 giờ ngày 30/10), kết hợp sóng cao sẽ gây nguy cơ ngập úng rất lớn. Nguy cơ tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất rất lớn.
Theo báo cáo, tính đến 6 giờ ngày 30/10, cơ quan chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.715 phương tiện/278.407 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, trong đó hoạt động trong khu vực nguy hiểm có 557 tàu/6.230 người; hoạt động khu vực khác và neo tại bến là 56.158 tàu/272.177 người. Hai tàu bị sự cố là tàu BĐ 98413 TS có 6 ngư dân đang được các tàu trong tổ đội hỗ trợ kéo khỏi phạm vi nguy hiểm; tàu BĐ 96389 TS có 8 ngư dân lúc 6 giờ ngày 30/10, tàu Hải quân (KN411) đã tiếp cận và lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.
Hiện tại, dung tích các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đạt từ 60%-85%, hiện còn 53 hồ chứa đang hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Khu vực Nam Trung Bộ dung tích hồ chứa còn ở mức thấp đạt từ 40%-72%, hiện còn 24 hồ chứa đang hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. Khu vực Tây Nguyên dung tích bình quân đạt từ 72%-89%, hiện còn 41 hồ chứa đang hư hỏng và 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 19 giờ ngày 29/10, đê biển Đà Nẵng đến Bình Thuận có 8 vị trí đê, kè biển xung yếu, cần quan tâm (Quảng Nam 1, Bình Định 2, Khánh Hòa 3, Ninh Thuận 2); 2 tuyến kè biển đang thi công (Đà Nẵng 1; Quảng Ngãi 1). Khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Cứu nạn tàu cá cùng 8 ngư dân gặp sự cố trên vùng biển Bình Thuận
Theo thông tin từ Vùng 4 Hải quân, rạng sáng 30/10, Chi đội Kiểm ngư 4 (Tổng cục Thủy sản) đã tiếp cận và triển khai cứu nạn đối với tàu cá BĐ 96389-TS/8LĐ cùng 8 ngư dân trên tàu gặp sự cố tại khu vực biển tỉnh Bình Thuận, sau đó tiến hành lai dắt tàu về đảo Phú Quý.
Trước đó, chiều 29/10, Chi đội Kiểm ngư 4 nhận được thông tin tàu BĐ 96389-TS/8LĐ bị hỏng máy trôi dạt ở khu vực biển cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 26 hải lý theo hướng Bắc Tây Bắc. Tàu gặp nạn do anh Đặng Hà Mỹ (sinh năm 1995, quê xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng; trên tàu có 8 lao động, trong đó có ngư dân Lê Tuấn Anh (sinh năm 1993, đồng hương với thuyền trưởng) bị thương ở vùng lưng do va đập vào ròng rọc tàu.
Nhận thấy tàu cá cùng các ngư dân đang ở trong khu vực thời tiết nguy hiểm, Chi đội Kiểm ngư 4 đã phối hợp với các đơn vị Hải quân, Biên phòng trong khu vực nắm thông tin và duy trì liên lạc với tàu BĐ 96389-TS/8LĐ, đồng thời động viên các ngư dân bình tĩnh chống chọi với mưa bão, chờ lực lượng ra cứu nạn.
Lúc 0 giờ 40 phút ngày 30/10, Chi đội Kiểm ngư 4 điều động tàu KN411 lên đường làm nhiệm vụ và tìm thấy BĐ 96389-TS/8LĐ vào lúc 5 giờ cùng ngày. Sau khi được chăm sóc y tế, sức khỏe các thuyền viên ổn định, riêng ngư dân Lê Tuấn Anh cần được điều trị khi về đến đất liền. Dự kiến đến trưa 30/10, tàu KN 411 sẽ lai dắt tàu BĐ 96389-TS/8LĐ về đến đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Quảng Nam sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm do bão số 5
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công điện yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 5 và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo dự báo, bão số 5 sẽ gây mưa lớn diện rộng trong ngày 30-31/10 ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp thời; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra…
Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển và trên đảo.
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố; hướng dẫn các tàu, thuyền vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến sáng 30/10, còn 39 tàu cá của Quảng Nam vẫn đang hoạt động trên biển, trong đó có 30 tàu cá hoạt động xa bờ với hơn 800 lao động. Tất cả các tàu cá đã nhận được thông báo về diễn biến và được yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, về nơi trú ẩn an toàn.
Dự báo thời tiết ngày và đêm 30/10/2019
Hà Nội: Ít mây, ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù. Gió đông bắc cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời rét. Độ ẩm từ 35 - 85%. Nhiệt độ thấp nhất từ 17 - 20oC. Nhiệt độ cao nhất từ 27 - 30oC.
Phía Tây Bắc Bộ: Có mây, ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời rét. Độ ẩm từ 45 - 92%. Nhiệt độ thấp nhất từ 16 - 19 độ, có nơi dưới 16 độoC. Nhiệt độ cao nhất từ 27 - 30 độ, có nơi trên 30 độoC.
Phía Đông Bắc Bộ: Ít mây, ngày nắng, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù. Gió đông bắc cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời rét. Độ ẩm từ 35 - 90%. Nhiệt độ thấp nhất từ 17 - 20 độ, vùng núi 15-17 độ, vùng núi cao có nơi dưới 13 độoC. Nhiệt độ cao nhất từ 27 - 30oC.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Nhiều mây, phía Bắc ngày có mưa vài nơi, đêm có mưa rải rác; phía Nam ngày có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông, đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, riêng Thừa Thiên-Huế có mưa rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 3, phía Nam cấp 3-4. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Độ ẩm từ 60 - 99%. Nhiệt độ thấp nhất từ 20 - 23 độ, phía Bắc có nơi dưới 20 độ.oC. Nhiệt độ cao nhất từ 25 - 28oC.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió mạnh cấp 4-5, từ chiều ở các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10. Độ ẩm từ 75 - 100%. Nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25oC. Nhiệt độ cao nhất từ 25 - 28oC.
Tây Nguyên: Nhiều mây, có mưa, chiều và đêm có mưa to đến rất to và dông. Gió tây bắc đến tây cấp 3-4. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 65 - 99%. Nhiệt độ thấp nhất từ 18 - 21oC. Nhiệt độ cao nhất từ 25 - 28oC.
Nam Bộ: Nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió tây đến tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 60 - 97%. Nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25oC. Nhiệt độ cao nhất từ 29 - 32oC.
Phú Yên cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong bão số 5
Ngày 30/10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên Phạm Văn Cường đã ký công văn khẩn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị trực thuộc về việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn khi dự báo bão số 5 sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực đất liền của tỉnh Phú Yên.
Công văn nêu rõ: Cho phép học sinh được nghỉ học từ sáng 30/10 đến hết ngày 31/10/2019; giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở, không tụ tập bạn bè đi xem nước lũ, nước lụt ở sông suối ao hồ nơi có vùng nước sâu để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Các trường có kế hoạch phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, có kế hoạch dạy bù cho những ngày nghỉ học…
Tại huyện miền núi Đồng Xuân - nơi thường xảy ra lũ lớn và bất ngờ, kế hoạch cho học sinh nghỉ học đã được triển khai từ sớm và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Ông Phạm Trung Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Xuân cho biết: Khi tiếp nhận công văn của Sở, Phòng đã yêu cầu các trường thực hiện ngay. Bằng các kênh liên lạc như hệ thống loa truyền thanh, điện thoại, zalo..., từ tối 29/10, các giáo viên chủ nhiệm đã thông báo cho phụ huynh học sinh cho các em nghỉ học. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh học sinh đưa con em về nhà tránh bão (nếu đã đưa đến trường) ngay trong sáng 30/10. Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phân công cán bộ đi kiểm tra các trường, nhất là địa bàn vùng trũng; yêu cầu chủ động di dời tài sản để tránh thiệt hại khi bão vào đất liền và có mưa lớn xảy ra.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Trường Trung học Phổ thông Lương Văn Chánh và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có học sinh ở các huyện, thị xã về thành phố Tuy Hòa theo học. Việc hướng dẫn cho học sinh nghỉ học để tránh bão số 5 được các trường triển khai từ sớm, tạo điều kiện cho các em về nhà bằng các phương tiện giao thông an toàn chậm nhất là trong sáng 30/10/2019.
Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Lương Văn Chánh cho biết: Đặc thù của trường là có nhiều học sinh từ các huyện xa về theo học như huyện Đồng Xuân, Sông Hinh… Nhà trường đã thông báo cho học sinh và phụ huynh về chủ trương nghỉ học để chủ động đón con em mình về nhà và giám sát trong 2 ngày nghỉ học. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian này.
Nhi Thảo
Tags