(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng nổi tiếng Louvre ở Paris (Pháp) đã buộc phải đóng cửa từ ngày 30/10/2020 để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 của Chính phủ Pháp. Tuy thiệt hại về mặt kinh tế, các nhà quản lý Louvre lại xem đây là cơ hội “vàng” để thực hiện việc tân trang bảo tàng – dự án mà họ không thể xúc tiến được khi mỗi năm có gần 10 triệu du khách đổ về đây.
Từ trên bức tường của bảo tàng, nàng Mona Lisa, kiệt tác 518 tuổi của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci, đã được chứng kiến nhiều điều trong cuộc đời mình. Nhưng hiếm khi, Mona Lisa gặp cảnh bảo tàng phải đóng cửa 4 tháng và không có khách.
Trước đại dịch, các nhân viên trong bảo tàng phàn nàn rằng họ không thể giải quyết tình trạng quá tải tại đây, với 30.000 - 40.000 lượt khách/ngày.
Một “người đẹp ngủ trong rừng”
Không giống như lần đầu tiên phải đóng cửa do đại dịch, lần đóng cửa thứ 2 này vẫn có khoảng 250 nhân viên làm việc bình thường tại đây. Họ là những người quản lý, nhà phục chế và công nhân có nhiệm vụ làm sạch các tác phẩm điêu khắc, sắp xếp lại đồ tạo tác, kiểm tra hàng tồn kho và tiến hành trùng tu nhiều hạng mục, trong đó có cải việc cải tạo phòng Ai Cập và Grande Galerie, hành lang lớn nhất của bảo tàng.
Laurent le Guedart, một chuyên gia về di sản kiến trúc tại đây, nói: “Chúng tôi đang tận dụng thời gian này để đẩy nhanh hoạt động bảo trì và bắt đầu sửa chữa những tác phẩm - điều vốn rất khó xúc tiến khi bảo tàng đang hoạt động bình thường”.
Theo Laurent le Guedart, hiện các nhà phục chế đang đứng trên các giàn giáo để thăm dò các bức tường và chuẩn bị cho kế hoạch tu bổ. Như vậy, họ có thể “du hành” trở lại thế kỷ 18 qua từng lớp sơn.
Ở một góc trong bảo tàng, người ta có thể nghe thấy tiếng những người thợ mộc đang cạy ván sàn lên để lắp đặt dây cáp cho một hệ thống an ninh mới. Trước đây, những công việc này chỉ có thể được thực hiện vào thứ Ba, ngày đóng cửa duy nhất trong tuần của Louvre. Giờ đây tiếng búa gõ, máy khoan và bàn chải cọ rửa vang lên suốt cả tuần và ít khi bị gián đoạn.
Tổng cộng, 10 dự án quy mô lớn bị đình chỉ từ tháng 3/2020 đang được tiến hành lại ở bảo tàng. Tiến độ các dự án diễn ra rất nhanh chóng, trong đó có việc phục chế các tác phẩm trong Khu La Mã và Etruscan cổ đại. Cuộc đại trùng tu nhà nguyện lăng mộ Ai Cập cổ đại của Akhethotep từ năm 2400 trước Công nguyên cũng đang được tiến hành.
“Khi bảo tàng mở cửa trở lại, mọi thứ sẽ trở nên hoàn hảo cho du khách - “Sleeping Beauty” (người đẹp ngủ trong rừng) này sẽ có thời gian để chỉnh trang sắc đẹp” - Elisabeth Antoine-Konig, Giám đốc bộ phận tạo tác tại đây, cho biết. “Du khách sẽ rất vui khi nhìn thấy lại những căn phòng ngập ánh sáng với sàn đã được đánh bóng và tủ trưng bày được tu sửa lại. Và những ai không thể có mặt trong thời điểm mở cửa bảo tàng tới đây vẫn có thể xem kho tàng nghệ thuật của Louvre trong các chuyến tham quan trực tuyến”.
Niềm tự hào của nước Pháp
Bảo tàng Louvre hiện có khoảng 38.000 hiện vật từ thời tiền sử đến thế kỷ 21 được trưng bày trên diện tích 72.735m2. Năm 2019, Louvre đón 9,6 triệu lượt khách, trở thành bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, số lượng du khách đã giảm 72% xuống còn 2,7 triệu du khách vào năm 2020, do đại dịch Covid-19.
Bảo tàng nằm trong Cung điện Louvre, ban đầu được xây dựng thành lâu đài Louvre vào cuối thế kỷ 12 đến thế kỷ 13 dưới thời Philip II. Dấu tích của pháo đài có thể nhìn thấy trong tầng hầm của bảo tàng. Do sự mở rộng đô thị, pháo đài không còn giữ công năng phòng thủ, và vào năm 1546, Francis I đã chuyển nó thành nơi ở chính của các vị Vua Pháp.
Tòa nhà được mở rộng nhiều lần để tạo thành Cung điện Louvre hiện nay. Năm 1682, Louis XIV chọn Cung điện Versailles làm nơi ở của mình, chủ yếu để bảo tàng Louvre làm nơi trưng bày bộ sưu tập hoàng gia, bao gồm bộ sưu tập điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại từ năm 1692.
Năm 1692 và 1699, tòa nhà được sử dụng cho các hoạt động của Viện Hàn lâm Minh văn và Văn học (Académie des Inscription et Belles-Lettres) và Viện Hàn lâm Mỹ thuật & Điêu khắc Hoàng gia (Académie Royale de Peinture et de Sculpture). Trong cuộc Cách mạng Pháp, Quốc hội đã ra quyết định rằng Louvre nên được sử dụng như một viện bảo tàng để trưng bày các kiệt tác của quốc gia.
Bảo tàng mở cửa vào ngày 10/8/1793 với cuộc triển lãm 537 bức tranh, phần lớn các tác phẩm là của hoàng gia và tài sản nhà thờ bị tịch thu. Tiếp đó, bảo tàng đã bị đóng cửa vào năm 1796 cho đến năm 1801 - khi bộ sưu tập được tăng lên dưới thời Napoleon và bảo tàng được đổi tên thành Musée Napoleon. Nhưng sau khi Napoleon thoái vị, nhiều tác phẩm do quân đội của ông thu giữ đã được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu của chúng.
Bộ sưu tập đã được tăng thêm trong các triều đại của Louis XVIII và Charles X, và trong thời Đế chế Pháp thứ 2. Bộ sưu tập được chia cho 8 bộ phận giám tuyển: Cổ vật Ai Cập; Cổ vật Cận Đông; Cổ vật Hy Lạp, Etruscan và La Mã; Nghệ thuật Hồi giáo; Điêu khắc; Nghệ thuật trang trí; Tranh; Bản in và bản vẽ. Đặc biệt, tượng Thần Vệ nữ (Venus de Milo) đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Louvre dưới thời trị vì của Louis XVIII. Trong thời kỳ từ năm 1814 đến năm 1830, Louis XVIII và Charles X đã bổ sung thêm 135 tác phẩm với chi phí 720.000 franc và tạo ra bộ phận cổ vật Ai Cập do Champollion quản lý.
Sau khi nền Cộng hòa thứ 2 của Pháp được thành lập vào năm 1848, Chính phủ mới đã phân bổ 2 triệu franc cho công việc sửa chữa và ra lệnh hoàn thành Galerie d'Apollon, Salon Carre và Grande. Năm 1861, Napoleon III đã mua 11.835 tác phẩm nghệ thuật bao gồm 641 bức tranh, vàng Hy Lạp và các cổ vật khác thuộc bộ sưu tập Campana.
- Bảo tàng Louvre ỏa Paris mở cửa trở lại sau làn sóng đình công
- Thiếu hụt nhân viên, Bảo tàng Louvre buộc phải đóng cửa
- Bảo tàng Louvre lập kỷ lục một phần nhờ... ca sỹ Beyonce
Từ năm 1852 đến năm 1870, bảo tàng đã bổ sung 20.000 tác phẩm mới vào bộ sưu tập của mình, Khu Pavillon de Flore và Grande Galerie được tu sửa lại dưới sự chỉ đạo của các kiến trúc sư Louis Visconti và Hector Lefuel.
Năm 1983, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đề xuất kế hoạch cải tạo Bảo tàng. Kiến trúc sư I. M. Pei đã được trao thiết kế dự án và đề xuất xây dựng một kim tự tháp bằng kính đứng trên một lối vào mới tại đây. Kim tự tháp và tiền sảnh ngầm của nó được khánh thành vào ngày 15/10/1988 và hoàn thiện giai đoạn thứ 2 với một hình kim tự tháp ngược phía vào năm 1993. Tính đến năm 2002, số lượng người tham quan bảo tàng đã tăng gấp đôi kể từ khi có công trình này.
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags