Gia đình cố tỷ phú Samsung tặng 23.000 tác phẩm cho các bảo tàng Hàn Quốc

Thứ Tư, 05/05/2021 08:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, gia đình của tỷ phú người Hàn Quốc Lee Kun Hee (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị thế hệ thứ 2 của Tập đoàn điện tử Samsung qua đời vào tháng 10 năm ngoái), đã công bố chi tiết về khối tài sản khổng lồ của họ, cũng như khoản thuế thừa kế mà 3 người con của ông định trả và các kế hoạch từ thiện bao gồm quà tặng là khoảng 23.000 tác phẩm từ bộ sưu tập nghệ thuật của vị doanh nhân quá cố.

'Giải mã' thành công của  tỷ phú Lee Kun Hee

'Giải mã' thành công của tỷ phú Lee Kun Hee

Những quyết định vượt xa tầm nhìn đương thời như làm việc tại nhà, kiên quyết không nghe điện thoại và tiếp khách (để buộc các quản lý cấp dưới phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm).

1. Các tác phẩm sẽ được gửi tặng cho các bảo tàng của Hàn Quốc trong khi hàng trăm triệu USD sẽ được dành cho các mục đích y tế.

Tập đoàn Samsung đã công bố trong một thông cáo báo chí trước đó rằng gia đình sẽ trả khoản thuế thừa kế hơn 12 nghìn tỷ won (khoảng 10,8 tỷ USD) cho khối tài sản được định giá vào khoảng 20 tỷ USD.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có mức thuế thừa kế cao nhất thế giới, lên tới 50% nếu vượt quá 3 tỷ won. Vì vậy, đây có thể là khoản thuế thừa kế cao nhất từng được trả tại xứ sở kim chi. “Đây là nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của chúng tôi là phải trả tất cả các khoản thuế”, gia tộc họ Lee tuyên bố với báo chí truyền thông trước vấn đề đang gây tò mò này.

Chú thích ảnh
Cố Chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Kun Hee

Trong số 23.000 tác phẩm được tặng, có tới hơn 20.000 là các tác phẩm truyền thống của Hàn Quốc sẽ được chuyển đến Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở thành phố Seoul. Chúng bao gồm hàng chục món đồ được Chính phủ Hàn Quốc xem như là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, hơn 1.200 tác phẩm nghệ thuật đương đại và hiện đại sẽ được tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại và Hiện đại Quốc gia (MMCA), bảo tàng có tới 4 chi nhánh trong cả nước.

Các tác phẩm được gửi tới MMCA hầu hết là kiệt tác thuộc về những “người khổng lồ châu Âu” như Claude Monet (bức vẽ về hoa súng), Salvador Dali, Paul Gauguin và Pierre-Auguste Renoir. Bảo tàng vốn tập trung vào các tác phẩm Hàn Quốc, vậy nên những món quà quý giá này sẽ giúp bộ sưu tập của MMCA trở nên đa dạng, toàn cầu hơn.Món quà cũng bao gồm dấu ấn từ các nghệ sĩ quan trọng của nghệ thuật Hàn Quốc thế kỷ 20 như Kim Whanki và Lee Jung Seop.

2. MMCA cho biết họ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu những tác phẩm nổi bật nhất được chọn lọc từ món quà vào nửa cuối năm 2021 này. Và buổi triển lãm cũng đã được định sẵn với tên gọi “Những kiệt tác trong Bộ sưu tập của Lee Kun Hee”, nhằm vinh danh vị doanh nhân, nhà từ thiện quá cố. Hoạt động này cũng đang được lên kế hoạch “lưu diễn” tại các bảo tàng ở những nơi khác trong đất nước Hàn Quốc và trên thế giới.

Chú thích ảnh
Bức tranh “Hoa súng” của danh họa Claude Monet nằm trong bộ sưu tập được tặng cho các bảo tàng

Theo Korea Herald báo cáo, một số tácphẩm cũng sẽ được gửi tặng đến Bảo tàng Nghệ thuật Daegu, Bảo tàng Nghệ thuật Gwangju, Bảo tàng Nghệ thuật Jeonnam tại phía Nam của thành phố Gwangyang, Bảo tàng Park Soo Keun và Phòng trưng bày nghệ thuật Lee Jung Seop trên đảo Jeju cũng sẽ nhận được những tác phẩm mà cựu Chủ tịch Tập đoàn Samsung thời còn sống từng sưu tầm.

Gia đình Lee có thời hạn 6 tháng để công bố kế hoạch của họ về việc sở hữu và thừa kế. Theo luật của Hàn Quốc, những người thừa kế sẽ phải trả khoản thuế thừa kế cho những tài sản về nghệ thuật này nếu chúng không được đem làm từ thiện.

Trước đó, đã có suy đoán rằng 3 người con của ông Lee Kun Hee có thể đưa các tác phẩm ra đấu giá để giúp trang trải hóa đơn thuế khổng lồ, khiến những tác phẩm giá trị có khả năng bị mang ra khỏi Hàn Quốc. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và các tác phẩm được đánh dấu đểtặng các bảo tàng sẽ không được đưa vào danh sách thuế thừa kế cuối cùng (một số báo cáo định giá bộ sưu tập nghệ thuật của Lee Kun Hee lên tới 2 tỷ USD).

Bên cạnh đó, thông tin không được đề cập trong thông báo của tập đoàn là về những tác phẩm chính của Alberto Giacometti, Mark Rothko và Francis Bacon, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Leeum - bảo tàng do Tập đoàn Samsung điều hành tại Seoul.

Quy mô và chi tiết về bộ sưu tập nghệ thuật củagia đình ông Lee và Tập đoàn Samsung sở hữu từ lâu đã trở thành chủ đề của nhiều người vì sự bí ẩn và khó hiểu. Hoạt động mua bán nghệ thuật liên quan đến công ty công nghệ này bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2008, khi một nhà kho của Samsung ngay phía Nam Seoul bị “đột kích” và các công tố viên tìm thấy những tác phẩm của Frank Stella, David Hockney và Barnett Newman vào thời điểm đó.

2 bảo tàng được điều hành bởi Tập đoàn Samsung là Bảo tàng Nghệ thuật Leeum và Bảo tàng Nghệ thuật Ho Am đã bị đóng cửa kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng nổ tại Hàn Quốc, dù cho hầu hết các tổ chức nghệ thuật khác trong cả nước vẫn mở. Năm 2017, vợ của cố tỷ phú Lee Kun Hee là bà Hong Ra Hee, đã từ chức giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Leeum sau khi “Thái tử Samsung” Lee Jae Yong bị bắt vì cáo buộc hối lộ và các cuộc triển lãm đặc biệt ở bảo tàng đã bị hủy bỏ hoàn toàn.

Cùng với việc tặng các tác phẩm nghệ thuật, 3 người con của cố Chủ tịch sẽ tặng 700 tỷ won cho đất nước để vượt qua đại dịch Covid-19, trong đó 500 tỷ won dành cho việc xây dựng bệnh viện đầu tiên trên cả nước phục vụ bệnh truyền nhiễm. Phần còn lại dành cho nghiên cứu vaccine, điều trị, xây dựng trung tâm nghiên cứu quốc gia về dịch bệnh. Ngoài ra, họ tặng thêm 300 tỷ won để hỗ trợ trẻ em ung thư và bệnh hiếm gặp. Số tiền được chi trả cho khoảng 17.000 bệnh nhân trẻ trong 10 năm tới.

Quỳnh Trang (Tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›