(Thethaovanhoa.vn) - Vì quá nhiều người có sở thích lấy điện thoại ra tự chụp ảnh bản thân trước những bức họa nổi tiếng, Bảo tàng Quốc gia ở London (Anh), đã phải hủy bỏ lệnh cấm chụp ảnh.
Nhà sử học Barrie Garnham kể với Guardian về Bảo tàng Quốc gia (Anh) gần đây: “Những nhân viên trông coi không còn can thiệp khi khách tham quan rút điện thoại ra. Tôi tự hỏi có phải vì điện thoại di động không phát sáng giống nhau nên họ không nhận ra chăng”?
Chính xác, việc khó phân biệt đó là lý do chính khiến ban quản lý Bảo tàng Quốc gia gỡ bỏ lệnh cấm “selfie” vào tháng trước, chỉ để ngoại lệ với những bức tranh mới có bản quyền…
Chụp ảnh và chẳng thèm thưởng thức
“Sau khi bảo tàng được trang bị wifi thì nhu cầu sử dụng máy tính bảng và các thiết bị di động tăng vọt. Thế nên rất khó cho các nhân viên bảo tàng trong việc kiểm soát những người chụp ảnh” – tuyên bố của bảo tàng ghi.
Thay đổi này đã gây ra phản ứng phức tạp trong công luận. Những người yêu nghệ thuật dậy sóng với thông tin này. Đèn flash của máy ảnh luôn là thứ đe dọa chất lượng của những bức tranh cổ hàng trăm năm. “Bộ sưu tập tranh màu nước Wallace phải trưng bày đằng sau một bức màn bởi ngay cả ánh sáng bình thường của phòng tranh cũng gây hại đến chất lượng tranh” – ông Garnham lấy ví dụ.
Nhưng còn có nỗi lo lớn hơn hướng về tương lai của nghệ thuật và trình độ thưởng thức của con người. Không còn bị cấm đoán, người xem tha hồ chụp ảnh trước bức Hoa hướng dương của Van Gogh. Điều này gây hại gì cho nghệ thuật? “Thay vì thực sự trải nghiệm thì người ta ghi lại hình ảnh minh họa trải nghiệm đó. Bạn nghĩ đến chuyện chứng tỏ mình sau đó, chứ không sống với hiện tại. Khi bạn thêm khuôn mặt mình vào ảnh, bản chất cuộc tham quan đã thay đổi” – tờ Guardian viết.
“Mọi họa sĩ sẽ ghét xu hướng selfie này” – Garnham nói. “Bởi họ luôn muốn tác phẩm của mình được nhìn ngắm và thưởng thức, chứ không phải được dùng làm hậu cảnh chụp ảnh”.
Một độc giả đã kêu ca trên trang web Art History News: “Tôi phải nói rằng tôi rất đau lòng mỗi lần ai đó chụp ảnh, tệ hơn, họ còn chẳng thèm nhìn bức tranh lấy một lần bằng con mắt của chính mình. Họ chỉ chụp ảnh và bước đi”.
Những người yêu nghệ thuật lo ngại, với thói quen “selfie” gây bão trong đời sống và trên internet, nghệ thuật sẽ không bao giờ được thưởng thức và trân trọng như trước. Giờ đây, người ta chụp “selfie” trước một bức tranh nổi tiếng là để khoe trên internet rằng họ đã đến xem bức tranh này. Họ không thèm bận tâm giá trị lớn lao của bức tranh.
Và như vậy, các tác phẩm nghệ thuật lớn cũng không hơn gì một hình nộm, một bãi biển hay một phong cảnh nổi tiếng để làm nền cho một gương mặt to đùng ở tiền cảnh của “selfie”.
Xu thế không thể tránh
Nhưng, một luồng ý kiến khác cũng nổi lên, dù không bác bỏ lo ngại này nhưng cũng góp một phần “bào chữa” cho “selfie”. “Selfie” từng được một số tờ báo nhắc đến như một loại hình nghệ thuật hiện đại, thậm chí từng được triển lãm riêng, và đến nay, những người ủng hộ nhắc lại quan điểm của mình.
Tờ Standard (Anh) đăng ý kiến một độc giả cho rằng, hiện nay không một lĩnh vực nào trong đời sống có thể thoát khỏi ảnh hưởng của công nghệ. Các bảo tàng với những hiện vật hàng trăm năm không phải là ngoại lệ.
Ghi lại hình ảnh là nhu cầu cực kỳ phổ biến thời nay, bởi vậy không có cách nào ngăn cản người tham quan chụp lại hình ảnh họ bên các bức tranh. Trong bối cảnh đó, quyết định của Bảo tàng Quốc gia (Anh) là rất hợp thời và có thể coi là bước ngoặt trong cách quản lý các bảo tàng nghệ thuật. Các bảo tàng có thể sẽ trở thành những “trung tâm selfie”, nhưng tốt hơn là họ nên chuẩn bị để kiểm soát việc này chứ không còn có thể ngăn chặn.
Bảo tàng Quốc gia (Anh) mở từ năm 1824, là ngôi nhà của 2.300 bức tranh từ giữa thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Tại đây sưu tầm tranh của các danh họa như Michelangelo, Leonardo da Vinci và Rembrandt. Bộ sưu tập tranh của bảo tàng này thuộc về công chúng Vương quốc Anh và mở cửa tự do. Đây là bảo tàng đông khách thứ 4 thế giới sau Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Anh và Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô ở Mỹ. |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags