(Thethaovanhoa.vn) - Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu, với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo, mang lại những dấu ấn đậm nét, tạo nên bản sắc riêng cho văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với những thăng trầm của lịch sử, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cũng đã trải qua nhiều khó khăn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với tư cách một di sản văn hóa của dân tộc đang được đặt ra vô cùng cấp thiết.
TTXVN xin giới thiệu chùm 3 bài "Bảo tồn, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ" nhằm tái hiện bức tranh về ý nghĩa, lịch sử ra đời, phát triển cũng như giải pháp để bảo tồn tranh Đông Hồ - dòng tranh dân gian lâu đời và nổi tiếng nhất của Việt Nam đăng phát ngày 9, 10 và 11/11/2019.
- PGS-TS Nguyễn Thị Hiền: Nhà nước và cộng đồng đang nỗ lực bảo vệ di sản tranh Đông Hồ
- Sống chậm cuối tuần: Tranh Đông Hồ - ngàn năm không cũ
"Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh"
Nghề làm tranh câu ca dao nhắc tới chính là làng tranh Đông Hồ, xưa có tên là làng Mái (nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Cho đến nay, tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất, có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam.
Dòng tranh mang hồn Việt
Nói về lịch sử dòng tranh Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người có công gìn giữ tranh Đông Hồ cho biết: Theo tư liệu mà các cụ để lại, nghề làm tranh Đông Hồ có từ thế kỷ 16, đến nay đã tồn tại trên 500 năm. Cho đến nay, vẫn chưa có ai nghe nói đến ông tổ làng nghề, tất cả những tinh hoa của dòng tranh dân gian này đều được lưu truyền qua bàn tay các nghệ nhân dân gian từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Trước năm 1944, dòng tranh này ở thời kỳ phát triển cực thịnh. Khi đó, cả làng Đông Hồ có 2 nghề chính là nghề vẽ tranh bán Tết và nghề làm vàng mã. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, làng tranh Đông Hồ quanh năm tấp nập, trong làng có tới 17 dòng họ cùng nhau làm tranh. Thông thường, từ tháng giêng đến rằm tháng bảy âm lịch, cả làng làm vàng mã. Từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, cả làng lại chuyển sang làm tranh bán Tết.
"Khi ấy, vui nhất là tháng 12 âm lịch, bởi trong tháng có 6 phiên chợ đặc biệt, đó là phiên chợ tranh. Phiên đầu tiên mở vào ngày mùng 1, sau đó cứ cách 6 ngày lại mở một phiên, đó là vào ngày 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp, người dân khắp nơi đổ về chợ tranh để mua tranh, rồi lại đổ đi các ngả bán cho người dân mua chơi Tết. Không khí trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp, rộn ràng, người mua, kẻ bán tấp nập" - nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ lại.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Với sự phong phú, đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, từ phong tục, tập quán, sinh hoạt đến đời sống tinh thần của người dân Việt Nam vùng đồng bằng sông Hồng. Trải qua hàng trăm năm hình thành, phát triển, tranh dân gian Đông Hồ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.
Mỗi một bức tranh Đông Hồ đều có ý nghĩa riêng, thể hiện những ước mơ, nguyện vọng của người lao động, từ những điều bình thường, giản dị tới những điều thiêng liêng, cao quý. Các bức tranh "Vinh hoa", "Phú quý", "Tiến tài", "Tiến lộc", "Gà đại cát", "Phúc, "Thọ"... là một lời chúc năm mới tốt đẹp, phát tài, phát lộc. Để tưởng nhớ công lao của các anh hùng dân tộc có công với nước, các nghệ nhân vẽ tranh "Hai Bà Trưng trừ giặc Hán", "Bà Triệu đánh quân Ngô", "An Dương Vương", "Ngô Vương Quyền đánh Nam Hán"... Để giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc, các nghệ nhân vẽ tranh "Hiếu học", "Vinh quy bái tổ", "Mục đồng đọc sách", "Thầy đồ cóc"...
Trên phương diện xã hội, tranh dân gian Đông Hồ cũng có giá trị đấu tranh trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những bất công trong xã hội. Bức tranh "Đám cưới chuột" thể hiện sắc thái châm biếm sâu sắc đối với chú mèo là đại diện cho tầng lớp thống trị, chú chuột là hình ảnh người nông dân. Mèo gian tham, thích ăn hối lộ, chuột khôn ngoan, tinh quái, luôn cảnh giác với mèo. Tranh "Đánh ghen" với ngụ ý phê phán thói trăng hoa của các bậc nam nhi, vừa khuyên nhủ một cách kín đáo để can gián một bi kịch gia đình…
Dòng tranh Đông Hồ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên con người Việt Nam qua các bức tranh "Tứ bình", "Tứ quý" (về bốn mùa xuân -hạ-thu- đông), "Tùng hạc" (hạc và cây tùng), "Kê cúc" (gà và hoa cúc), "Liên áp" (vịt và sen)..., hay dòng lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc qua các bức vẽ phản ánh sinh động cuộc sống sinh hoạt, lễ nghi, hội hè của làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ như "Đánh đu", "Đánh vật", "Rước trống", "Múa rồng", "Múa lân", "Hội làng", "Chọi trâu", "Đấu vật"...
Bên cạnh đó, các nghệ nhân vẽ tranh Đông Hồ còn sáng tạo tác phẩm theo các bộ tranh truyện, còn gọi là "Tứ bình truyện", có nội dung, cảm hứng lấy từ những cốt truyện thể hiện sự thủy chung, nghĩa hiệp, đạo lý tốt đẹp trong văn chương Việt Nam như "Tống Trân - Cúc Hoa", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Thạch Sanh", "Nhị Độ Mai", "Truyện Kiều"…
Những sáng tạo bám sát thời cuộc
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, trong quá trình sáng tạo của mình, các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ đã có những sáng tạo bám sát theo thời cuộc, gắn với những biến đổi trong đời sống xã hội. Đó là vào thời kỳ phong trào Âu hóa phát triển rầm rộ, các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ cho ra đời nhiều bức tranh phê phán, đả kích sự lai căng, lố bịch trong xã hội thời bấy giờ. Có thể kể đến bức tranh "Nhảy đầm" mô tả một quầy bar, có ly, cốc, có bồi bàn, có rượu Tây với hai đôi trai gái dẫn nhau nhảy valse. Hay bộ tranh đôi "Trai tứ khoái - gái bảy nghề" phê phán thói sinh hoạt đàng điếm của đám trai, gái thị thành thời thực dân Pháp, làm mất đi thuần phong mỹ tục…
Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước cùng chung tay khắc phục khó khăn, diệt giặt dốt, giặc đói… các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ cũng hòa mình vào công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Nhiều bức tranh vẽ có chủ đề về bình dân học vụ, xóa mù chữ diệt giặc dốt như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có bức tranh vẽ buổi biểu diễn văn nghệ, hai cô gái nông dân múa, có đủ dàn nhạc trống phách, phía trên có lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng búa liềm và hai câu ca dao "Cùng nhau múa hát mấy bài/Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang".
Nhiền bức tranh Đông Hồ được các nghệ nhân vẽ để cổ động cho phong trào lao động sản xuất như "Vừa sản xuất vừa chiến đấu", "Bảo vệ hòa bình", "Kiến thiết quốc gia"… hay những bức tranh vẽ cảnh cày cấy, tát nước trên đồng ruộng cùng với khẩu hiệu "Canh nông vi bản", "Tăng gia sản xuất"… Nhiều bức tranh vẽ có kèm theo những câu ca dao, tục ngữ được cải biên khắc luôn vào ván bằng chữ Quốc ngữ cho dễ thuộc dễ nhớ.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, bản thân ông, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng đã sáng tạo ra khoảng hơn chục bức tranh có đề tài mới, như "Đổi công hợp tác", "Hợp tác xã mua bán", "Cải tiến nông cụ"... Có cả những bức tranh vẽ về thời gian chống chiến tranh phá hoại của địch như "Bác Hồ với thiếu nhi", "Phụ nữ ba đảm đang". Đặc biệt, bức "Không cho chúng nó thoát", được ông vẽ lại cảnh tượng quân, dân ta bắt giặc lái Mỹ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972, bức tranh này cũng được nhiều người nước ngoài đến hỏi mua.
Với những giá trị độc đáo, nội dung phong phú, đa dạng, mang nhiều giá trị nhân văn, dòng tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là di sản vô cùng quý báu trong kho tàng nghệ thuật dân tộc, còn có một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Bởi những giá trị đặc sắc đó, tranh Đông Hồ đã được Nhà nước đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện, tranh Đông Hồ đang được lập Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Bài 2: Thăng trầm làng nghề tranh dân gian Đông Hồ
Phương Lan
Tags