Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Thứ Năm, 28/01/2021 10:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị văn hóa cồng chiêng Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung gặp nhiều khó khăn. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, điển hình là đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020”.

 Cồng chiêng Tây Nguyên - điểm nhấn về văn hóa, du lịch giữa đại ngàn

Cồng chiêng Tây Nguyên - điểm nhấn về văn hóa, du lịch giữa đại ngàn

 Đến với Tây Nguyên, ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự đa dạng độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn là tiếng nói tâm linh, là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây. Trải qua 15 năm bảo tồn và phát triển, kể từ sau khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng đất cao nguyên.

Theo Đề án, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tỉnh Kon Tum thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn cồng chiêng như phục dựng lễ hội, tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ như “Tuần lễ văn hóa, du lịch”, “Liên hoan cồng chiêng”, “Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc”... Bên cạnh đó, các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức trên 100 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang và kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng. Đồng thời, từ nguồn ngân sách nhà nước, ngành Văn hóa đã trao tặng 40 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng.

Làng Pu Tá, xã Măng Ri được xem là một điểm du lịch cộng đồng của huyện Tu Mơ Rông. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, làng không có cồng chiêng. Trước thực tế đó, tháng 10/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã mở lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, các điệu múa xoang truyền thống cho 20 học viên của làng. Đồng thời, Sở trao tặng cho làng một bộ cồng chiêng và nhạc cụ trị giá hơn 50 triệu đồng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Ông A Ku, Phó Bí thư xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết, xã có 6 thôn người Xê Đăng, nhưng hiện chỉ có một bộ cồng chiêng nên mỗi dịp lễ hội đều phải đi mượn cồng chiêng, bởi vậy, nét văn hóa đặc sắc này dần bị mai một, nghệ nhân lớn tuổi cũng ngày càng ít đi. Trong khi đó, thế hệ trẻ lại không mặn mà với loại hình âm nhạc truyền thống này.

“Chúng tôi rất phấn khởi khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tặng bộ cồng chiêng, bởi hiện nay, bộ cồng chiêng của địa phương đang rất thiếu. Bộ cồng chiêng này sẽ góp phần giúp người dân các làng được truyền đạt, duy trì và phát triển văn hóa cồng chiêng”, ông A Ku vui vẻ nói.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, những nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số cũng góp phần không nhỏ trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Già A Thui (làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà) là một nghệ nhân như vậy. Ông đã mở lớp truyền dạy cho trẻ em trong làng biết đánh cồng chiêng, biết múa xoang nên thế hệ trẻ trong làng lớn lên vẫn lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Em A Nhật (sinh năm 2007, làng Kon Trang Long Loi) cho biết, em được già làng dạy cồng chiêng từ nhỏ. Đến nay, em đã đánh được tất cả các loại cồng, chiêng. Em rất tự hào vì đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc.

Già A Thui tâm sự, từ năm 2000, ông và bà con trong làng đã cố gắng tạo ra các hoạt động nhằm lưu truyền và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang hay các lễ hội mừng lúa mới, cúng nước giọt… Mỗi khi có lễ hội, làng thường chọn những thanh niên còn trẻ để tham gia múa những điệu cồng chiêng. Qua đó giúp cho các thế hệ trẻ hiểu hơn, thành thạo hơn trong việc sử dụng cồng chiêng vào các điệu múa. Đó cũng chính là cách để làng Kon Trang Long Loi bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh hiện có 2.134 bộ cồng chiêng, tăng 218 bộ so với năm 2015; đã sưu tầm, ghi chép được 145 bài cồng chiêng của 7 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tổ chức hỗ trợ 40 bộ cồng chiêng; toàn tỉnh có tổng số 502/622 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng, tăng 259 làng so với năm 2015.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Trên địa bàn hiện có 74 nghệ nhân có những đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được Chủ tịch nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 48 nghệ nhân thuộc loại hình diễn tấu cồng chiêng, xoang.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức 99 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang, trong đó có 79 lớp tổ chức tại các làng đồng bào các dân tộc thiểu số và 20 lớp tổ chức tại các trường học; 4 lớp về kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng. Ngoài ra, hàng chục lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang do chính đồng bào các dân tộc tự chủ động thực hiện. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 534 đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang trong làng đồng bào các dân tộc thiểu số; trên 8.600 người biết đánh cồng chiêng; hơn 300 nghệ nhân biết chỉnh âm cồng chiêng.Tỉnh đã thành lập hai Câu lạc bộ văn hóa dân gian của dân tộc Ba Na (nhóm Rơ Ngao) tại làng Kon Trang Long Loi, Thị Trấn Đăk Hà và của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Tơ Dră) tại làng Kon Klốk, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà.

Trong năm 2021, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tiếp tục tham mưu cấp có thẩm phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, chú trọng triển khai các nội dung như: hỗ trợ cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không có cồng chiêng; tổ chức mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không còn duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo mở lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang trong các cấp trường học có con em đồng bào các dân tộc tham gia học tập và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.

“Ngành sẽ tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian từ cấp tỉnh đến cơ sở và tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh bạn tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong công tác tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ được tổ chức trong và ngoài tỉnh, tỉnh ưu tiên cho lớp trẻ tham gia nhằm tạo sự kế thừa về giá trị di sản văn hóa cồng chiêng qua các thế hệ”, ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh.

Dư Toán/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›