(Thethaovanhoa.vn) - Các chuyên gia nghiên cứu sinh vật biển thuộc tổ chức Greenpeace cho biết tàu nghiên cứu của họ đang tìm và vớt những “lưới ma”, vốn là mối đe dọa lớn đối với các sinh vật biển ở khu vực Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Phi hàng nghìn km.
Trên con tàu nghiên cứu, thợ lặn Pascal Van Erp đã vớt lên một chiếc bẫy tôm. Dưới lớp tảo biển và nhiều sinh vật biển khác là chiếc lồng nhựa cứng màu xanh được dùng để bẫy tôm.
"Lưới ma” hay những dụng cụ đánh cá do con người cố tình vứt đi hoặc bị mất chiếm một phần đáng kể trong lượng rác thải gây ô nhiễm đại dương trên thế giới. Trung bình mỗi phút trên thế giới lại có thêm 1 tấn các loại lưới giăng, lồng và bẫy tôm, cua, cá bị vứt hoặc mất hút trong đại dương.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm có 640.000 tấn các dụng cụ, thiết bị đánh cá bị bỏ lại trên biển. Con số này tương đương với 50.000 chiếc xe buýt 2 tầng. Chương trình Môi trường LHQ và Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) ước tính những dụng cụ này chiếm 10% lượng rác thải nhựa ở biển và đại dương trên toàn cầu. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết nhựa mất 600 năm để có thể phân hủy, cuối cùng phân rã thành những hạt vi nhựa thâm nhập vào các chuỗi thức ăn, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Những "lưới ma" có thể khiến các loài cá lớn mắc kẹt và dần chết trong đau đớn. Theo Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới có trụ sở tại Anh, loại rác thải nguy hại này khiến 100.000 cá voi, cá heo, rùa biển và hải cẩu chết hoặc bị thương mỗi năm. Riêng năm ngoái, hơn 300 con rùa biển thuộc loài nguy cấp đã chết sau khi vô tình bơi vào một tấm lưới đánh cá bị bỏ lại ở miền Nam Mexico.
Năm 2007, Tổ chức Đánh bắt cá Đông Nam Đại Tây Dương (SEAFO), có trụ sở tại Nambia, đã cấm đánh cá tại núi Vema, ngọn núi dưới biển cách thành phố Cape Town của Nam Phi khoảng 1.600 km. Tuy nhiên, chỉ 1% diện tích đại dương trên thế giới nằm trong diện quản lý của những cơ quan chức năng khu vực như SEAFO. Khoảng 64% các đại dương nằm ngoài quyền tài phán của các nước trên thế giới.
Hiện các nhóm bảo vệ môi trường đang vận động các tổ chức liên chính phủ đưa ra những hệ thống quản lý toàn diện nhằm bảo vệ các loài sinh vật biển. Họ cũng thúc đẩy việc siết chặt các biện pháp thiết thực buộc ngư dân thu gom những dụng cụ đánh cá hoặc trả tiền để triển khai việc này. Trong khi đó, những tổ chức phi chính phủ tích cực tiến hành một số chiến dịch làm sạch rác trên biển.
Nguyễn Hằng/TTXVN
Tags