(Thethaovanhoa.vn) - Tóc vàng hay đen, mảnh khảnh hay thon thả, da màu hay da trắng, là công chúa hay tổng thống, Barbie vẫn mãi là búp bê ưa thích của các em nhỏ. Trải qua hành trình 60 năm, búp bê mang tính biểu tượng này đã luôn thay đổi để theo kịp nhịp sống của thời đại.
Vào ngày 9/3 tới, Barbie sẽ tròn 60 tuổi. Ở độ tuổi này, nhiều phụ nữ phải ghen tị với Barbie bởi "cô" không hề có nếp nhăn. Barbie lần đầu ra mắt các em nhỏ tại Hội chợ Đồ chơi Mỹ ở thành phố New York vào tháng 3/1959 với phiên bản da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Vẻ đẹp hoàn hảo của những cô búp bê Barbie đầu tiên với số đo ba vòng chuẩn là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ, song đã gây ra làn sóng tranh cãi vào thời điểm đó.
Theo nhà thiết kế Barbie Carlyle Nuera, vào năm 1959, hình thể của Barbie đã bị phóng đại để tương xứng với quan điểm thẩm mỹ của những người bảo vệ quyền phụ nữ ở thời kỳ đó. Nhiều ý kiến cho rằng hình mẫu Barbie như vậy là phi hiện thực.
Tuy nhiên, MG Lord, tác giả cuốn "Forever Barbie", lại cho rằng không có lý do xác đáng cho ý kiến chỉ trích búp bê Barbie, bởi hình mẫu của Barbie đại diện cho những gì mà đứa trẻ muốn. Cách em gái nghĩ về Barbie cũng chính là cách mà mẹ của em đó đặt ra về sự nữ tính. Vấn đề ở đây không phải là một món đồ chơi có kích thước gần 30cm, mà là nền văn hóa rộng hơn và quan điểm về sự nữ tính.
Để làm hài lòng với tất cả ý kiến của các khách hàng, tập đoàn Mattel đã liên tục đưa ra thay đổi về màu tóc, màu da, số đo 3 vòng, thậm chí nghề nghiệp của Barbie. Vào năm 1965 - tức 4 năm sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng- Barbie đã có phiên bản nhà du hành vũ trụ. Đến năm 1968, búp bê Barbie da màu đầu tiên ra mắt em nhỏ với cái tên Christie. Và hiện 55% số búp bê Barbie được bán trên thế giới không phải phiên bản mắt xanh hay tóc vàng.
Mattel hiện có hơn 100 nhân viên làm việc tại xưởng thiết kế El Segundo nằm gần sân bay Los Angeles. Từ bản phác thảo sơ bộ, các nhà thiết kế sẽ bắt đầu hoàn thiện từng chi tiết, từ việc tạo búp bê bằng phần mềm máy tính, vẽ mặt của Barbie bằng kỹ thuật in 3D, tạo kiểu tóc, chọn vải và thiết kế trang phục. Toàn bộ quá trình "thai nghén" và tạo ra một cô nàng búp bê Barbie đẹp rạng rỡ có thể mất từ 12-18 tháng. Các nguyên bản của búp bê Barbie sau đó sẽ được gửi tới các nhà máy ở Trung Quốc và Indonesia để sản xuất hàng loạt.
Nếu như trong ngành nước giải khát có Coca-Cola, hay ngành đồ ăn nhanh có McDonald, thì nổi lên trong ngành công nghiệp đồ chơi là búp bê Barbie. Sự phủ sóng của búp bê "vạn trẻ mê" này được chứng minh qua con số hơn 1 tỷ sản phẩm đã được tiêu thụ kể từ năm 1959. Năm 2018 được coi là năm thành công đối với búp bê Barbie khi doanh thu từ cô búp bê dễ thương này đã tăng 15% trong vòng 9 tháng đầu năm, lên tới gần 700 triệu USD.
Ước tính, 58 triệu búp bê Barbie đã được bán ra mỗi năm tại hơn 150 nước trên thế giới. Sự bền bỉ đã làm thành công của Barbie trong 60 năm qua và đây là chặng đường không hề dễ dàng khi sự cạnh tranh trong ngành sản xuất đồ chơi ngày càng khốc liệt và những hãng sản xuất đồ chơi hiện nay chỉ mất từ 3 đến 5 năm để tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Thành công trong công nghiệp sản xuất đồ chơi, búp bê Barbie còn ghi dấu ấn trên mạng xã hội với tên tên đầy đủ là Barbie Millicent Roberts, đến từ thành phố Willows. Đã có khoảng 2 triệu người theo dõi tài khoản Instagram của Barbie (@barbiestyle). Cô còn có êkíp trang điểm, tạo kiểu tóc và nhiếp ảnh gia đi cùng mỗi chuyến đi trên khắp nước Mỹ và nước ngoài. Barbie trực tiếp trò chuyện với các bé gái về cuộc sống của mình cũng như những vấn đề được các bé quan tâm.
Vào năm 2018, Mattel đã đưa ra chiến dịch "Dream Gap", sự dụng hình ảnh búp bê Barbie đã giúp các em gái trở nên tự tin hơn về bản thân mình.
Thanh Hương/TTXVN
Tags