(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, hàng loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật có sử dụng tác phẩm âm nhạc để biểu diễn nhưng không thực hiện quy định về quyền tác giả đã cho thấy tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời đã và đang gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền.
Báo động tình trạng vi phạm bản quyền
Những năm gần đây, tình trạng đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật sử dụng các tác phẩm âm nhạc để biểu diễn nhưng lại không thực hiện các quy định về quyền tác giả diễn ra ngày càng nhiều. Có thể kể đến những chương trình như: “Bằng Kiều & Diva - Nơi Mùa thu bắt đầu” ngày 8/9 tại Hà Nội do Công ty Cổ phần Truyền thông Max Media tổ chức; liveshow “Nhớ mùa thu Hà Nội” ngày 21/9 tại Hà Nội do Công ty Phát triển Văn hóa nghệ thuật Thăng Long tổ chức; liveshow “Gõ cửa trái tim” ngày 22/9 tại Hà Nội do Công ty Trách nhiệm hữu hạn truyền thông và giải trí Unicorn Việt Nam tổ chức; liveshow “Kim Tử Long - Thánh đường sân khấu” ngày 12/10 do Công ty Cổ phần Truyền thông VIETART tổ chức; chương trình nghệ thuật “Mây và em concert” ngày 19/10 tại Hà Nội do Thanh production và Nhà hát lớn Hà Nội tổ chức; liveshow “Đêm tình nhân 6" ngày 20/10 tại Hà Nội của IB Group Việt Nam và VN Show; chương trình “Lời chưa nói” ngày 20/10 tại Đà Nẵng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Hùng Dân Việt tổ chức; liveshow Khánh Ly "Tạ Ơn" ngày 26/10 tại Đà Nẵng do Kinh Kỳ Music Foundation tổ chức…
Một số tổ chức quản lý bản quyền (CMOs) như SACEM (Pháp), PRS (Anh), GEMA (Đức)… cũng gửi email đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hỏi thông tin về chương trình/bài hát nước ngoài đã được cấp phép sử dụng để biểu diễn hay chưa? Có thể kể đến một số chương trình như “Moonsoon festival” diễn ra ngày 26/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình “BoneyM Joy concert” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) ngày 3/8; “Make Life Flavorful - Independence Palace” diễn ra ngày 5/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Qua xác minh của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, hầu hết các chương trình mà các tổ chức quản lý bản quyền quốc tế quan tâm, hỏi thông tin đều chưa thực hiện xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả.
- VCPMC thu được hơn 111 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc năm 2018
- Trung tâm tác quyền Âm nhạc Việt Nam thu hơn 83 tỷ đồng trong năm 2017
Trao đổi về tình trạng vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết: Từ tháng 12/2015 đến tháng 10/2019, Trung tâm đã phát hiện 132 chương trình biểu diễn (có bán vé, quảng bá công khai) vi phạm quyền tác giả âm nhạc.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình nghệ thuật, sự kiện không bán vé, không công khai trên các phương tiện truyền thông có sử dụng tác phẩm âm nhạc để biểu diễn nhưng không thực hiện quy định về quyền tác giả. Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả này vẫn diễn ra thường xuyên tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… cho thấy tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp, chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời, đã và đang gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền.
Khó xử lý
Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc khi các quyền, các tác phẩm âm nhạc thuộc phạm vi quản lý, bảo vệ của Trung tâm có nguy cơ bị xâm phạm, Trung tâm đã gửi cảnh báo và đề nghị, yêu cầu trả tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm đến các đơn vị tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn thiếu hợp tác, thách thức, dù mời làm việc nhiều lần hoặc tìm kiếm lý do trì hoãn, hoặc có làm việc nhưng không tuân thủ nội dung biên bản làm việc… Tình trạng đó khiến cho việc xử lý vi phạm khó giải quyết dứt điểm, không thể giải quyết hoặc phải chuyển sang giải quyết bằng biện pháp dân sự, tiếp tục kéo dài và bất cập.
Thời gian qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tiến hành khởi kiện một số vụ việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ra tòa án. Nhưng quá trình giải quyết vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, trong số 8 vụ việc Trung tâm khởi kiện ra tòa án (tính riêng lĩnh vực biểu diễn) đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử, một số vụ còn chưa được tòa thụ lý mặc dù đã quá thời hạn. Đồng thời, trong quá trình giải quyết, tòa án cũng gặp khó khăn do gửi giấy triệu tập nhiều lần hoặc mở phiên hòa giải nhưng bị đơn đều không đến, vắng mặt không có lý do…
Đối với một số chương trình biểu diễn có sử dụng các tác phẩm âm nhạc nước ngoài mà các tổ chức quản lý bản quyền quốc tế gửi thư hỏi, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã xác minh và liên hệ, gửi văn bản đến đơn vị tổ chức nhằm đề nghị trả tiền, khắc phục. Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức/nơi tổ chức biểu diễn đều không quan tâm giải quyết. Do đó, hầu hết các cuộc biểu diễn mà tổ chức nước ngoài hỏi thăm đều không nhận được thông tin hay kết quả khả quan.
Điều này có thể gây ấn tượng xấu với bạn bè quốc tế về thị trường âm nhạc tại Việt Nam thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tích cực trong thực thi bản quyền, gây ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với quốc tế, các Điều ước mà Việt Nam đã ký kết, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bày tỏ lo ngại.
Nhiều nhạc sỹ rất bức xúc về tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan như hiện nay. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc chưa đầy đủ, nghiêm túc, dẫn đến quyền và lợi ích của tác giả đã bị xâm phạm, còn do các cơ quan liên quan chưa có chế tài xử lý triệt để các hành vi phạm bản quyền. Một số quy định của cơ quan quản lý nhà nước cũng đang gây ra bất cập cần khắc phục...
Theo nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung, trước đây theo quy định, trong hồ sơ xin cấp giấy phép tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật phải có văn bản cam kết đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả thì mới được cấp phép. Tuy nhiên, Điều 6 Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 9/10/2018 đã bãi bỏ quy định này, nên tình trạng vi phạm diễn ra ngày càng nhiều và rất khó xử lý. “Cấp phép biểu diễn trước, họ diễn xong rồi mới đi theo sau đòi tiền là rất khó. Tuy chúng ta đang hướng đến việc giảm thiểu thủ tục giấy tờ, nhưng nếu giảm giấy tờ mà góp phần làm gia tăng tình trạng vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng đến hàng ngàn nhạc sỹ thì điều đó cần phải cân nhắc”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại các quy định cũng như yêu cầu các đơn vị tổ chức biểu diễn tôn trọng, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với quyền tác giả, tác phẩm. “Để làm việc này một cách tốt nhất, cần thiết phải có quy định yêu cầu các đơn vị tổ chức trình giấy xác nhận đã đóng tiền tác quyền rồi mới cấp phép biểu diễn. Đó là quy trình chuẩn và cần thiết để quản lý đầu ra; nâng cao ý thức chấp hành của các đơn vị tổ chức biểu diễn và giảm tình trạng vi phạm bản quyền”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung khẳng định.
Phương Lan/TTXVN
Tags