(Thethaovanhoa.vn) - Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, sau 2 năm, các cầu thủ HAGL đã có sự trưởng thành vượt bậc. Vì thế, việc họ đóng vai trò trụ cột ở U22 Việt Nam tại SEA Games 29 là điều hiển nhiên.
- Công Phượng lọt TOP 5 cầu thủ đáng xem tại SEA Games, U22 Việt Nam đối đầu ‘sát thủ’ từ châu Âu
- U22 Indonesia sẽ bị trừng phạt nếu không giành HCV SEA Games
- U22 Việt Nam và dấu hỏi 'quân xanh'
Cách đây 2 năm, tại SEA Games 28, chỉ có Công Phượng được suất đá chính trong đội hình của U23 Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện đã khác khi ở kỳ SEA Games 29, có đến 7 cầu thủ HAGL được triệu tập và rất nhiều trong số đó đóng vai trò trụ cột.
Lý giải cho sự thay đổi này, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh cho biết: “Thời điểm đó, các cầu thủ chưa đủ kinh nghiệm, cứng cáp như bây giờ để có thể giành suất ở U22 Việt Nam. Năm nay thì họ đã thi đấu 2 mùa tại V-League, có sự trưởng thành vượt bậc nên chuyện họ đóng vai trò trụ cột là điều tất yếu”.
Trước câu hỏi phải chăng dưới thời HLV Miura, chiến lược gia người Nhật Bản xây dựng lối chơi không phù hợp với phẩm chất mà các cầu thủ HAGL được đào tạo, đến khi HLV Hữu Thắng lên nắm quyền, triết lý bóng đá nhỏ, ban bật đã phù hợp hơn, ông Vinh nêu quan điểm: “Một HLV thường căn cứ vào cách chơi của từng cầu thủ một ở trên sân để xây dựng lối chơi. Ở thời điểm này, có nhiều cầu thủ từ lứa U20 biết kết hợp đá nhỏ đã giúp các cầu thủ HAGL có thêm nhiều đất diễn. Tuy nhiên, lối đá nhỏ chỉ tồn tại ở một số nước còn phần lớn các đội chơi hiện đại bằng cách kết hợp giữa đá nhỏ và chơi bóng dài.
Còn nếu đá theo kiểu rập khuôn bật nhả vào khu cấm địa đối phương thì rất dễ bị bắt bài. Lối chơi này chỉ được phép chơi ở khu trung tuyến. Còn quan điểm triết lý khác nhau của HLV Hữu Thắng và Miura đã tạo nên sự khác biệt về việc có ít hay nhiều cầu thủ HAGL lên đội tuyển là không phải. HLV Miura muốn áp đặt lối chơi mang tính hiện đại của Nhật. Bao giờ họ cũng có quan điểm, rập khuôn theo cách chơi ở Nhật đã mang đến hiệu quả với lối chơi tấn công nhanh, áp sát, quyết liệt.
Còn HLV Hữu Thắng có triết lý khác khi dựa vào lối chơi đá nhỏ của HAGL đào tạo. Tuy nhiên, để lối chơi này thực sự hiệu quả thì không phải là điều đơn giản, trong đó đòi hỏi nền tảng thể lực cực tốt. Còn chuyện hiệu quả như thế nào thì phải chờ SEA Games 29”.
Phân tích kỹ hơn về bộ ba Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, ông Vinh cho rằng: “Dưới con mắt của HLV trưởng thì người ta nhìn nhận sự quan trọng khác nhau của các cầu thủ. Chẳng hạn như Công Phượng với Tuấn Anh đã không thể trụ lại ở Nhật Bản vì không được các HLV tin dùng. Xuân Trường cũng như thế. Chúng ta ưa thích nhưng họ lại cho rằng chính các cầu thủ của mình khiến lối chơi tấn công của họ chậm đi nên không dùng là điều tất nhiên.
Tôi cho rằng việc sử dụng Công Phượng ở vai trò đá hộ công như HLV Miura từng dùng rất phù hợp và có thể phát huy tốt phẩm chất của tiền đạo này”.
Diễm Quỳnh
Tags