Thời gian qua, Trấn Thành liên tiếp vướng phải sóng gió. Nam nghệ sĩ dường như đang bị đối xử bất công khi hứng chịu chỉ trích nặng nề vì những rắc rối trên trời rơi xuống.
Ngày 15/3, Trấn Thành bất ngờ viết trên trang fanpage chính chủ: "Tui thích riêng tư. Nên cứ gọi là Mr. Riêng Tư hen. Tên này cũng cưng như cái tên Thành Cry á! Chịu! Nhận luôn. Khỏi khịa. Cho vừa lòng. I'm Mr. Riêng Tư". Đây có thể coi như lời "hạ hồi phân giải" của nam nghệ sĩ về vụ ồn ào tại rạp chiếu phim xảy ra hồi đầu tháng này. "Trấn Thành tranh giành suất xem phim với khán giả" có thể coi là "drama" đầu năm mới của ngôi sao sinh năm 1987.
Cái sảy nảy cái ung, vụ việc này đã thành cái cớ để có thêm nhiều rắc rối từ trên trời rơi xuống đầu Trấn Thành. Khi tranh cãi xoay quanh tấm vé xem phim còn chưa lắng xuống, lại có người hậu bối đột ngột lên truyền thông khẳng định mình không có thầy trò gì với Trấn Thành. Sự xuất hiện của nhân tố bất ngờ như lửa được thêm dầu, khiến làn sóng dư luận vùi dập Trấn Thành càng được dịp lấn tới.
Năm 2023 sóng gió của Trấn Thành
Khi nói về thành bại của một bộ phim, người ta ưa dùng doanh thu phòng vé như một thước đo chất lượng gần như tuyệt đối. Nhưng với trường hợp phim của Trấn Thành, dù doanh thu phòng vé đều vào dạng vô tiền khoáng hậu cũng không giúp chúng bớt bị dư luận chỉ trích là ồn ào, không nhân văn, không có ngôn ngữ điện ảnh... Sự khắt khe bất thường của một bộ phận dư luận với các sản phẩm sáng tạo cộp mác Trấn Thành chỉ có thể so với kỳ vọng của các phụ huynh châu Á với con cái mình.
Đầu năm 2023, khi những tranh cãi xoay quanh Nhà Bà Nữ vẫn chưa lắng xuống, Trấn Thành lại "gặp hạn" liên quan đến chuyện phim ảnh, nhưng theo một cách chẳng ai ngờ. Một ngày đầu xuân, trên Internet xuất hiện một bài đăng "bóc phốt" Trấn Thành dùng đặc quyền ngôi sao để giành vé với khán giả khác. Chia sẻ một chiều này nhanh chóng thổi bùng lên một cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào Trấn Thành mà không lời giải thích, dù là từ các nguồn đáng tin cậy, nào có thể chống đỡ được. Sau cùng, mọi sự hóa ra chỉ là hiểu lầm tai hại khi bạn khán giả kia đã nhầm suất chiếu đặt riêng của Trấn Thành với suất chiếu công khai mà mình muốn xem.
Khi vụ việc tại rạp chiếu phim còn chưa kịp lắng xuống, với không một lời xin lỗi dành cho Trấn Thành, thì xui xẻo lại tiếp tục ập đến với ngôi sao. Lần này "sao quả tạ" chiếu xuống đầu Trấn Thành mang hình dáng của một học trò cũ, từng được anh chỉ dẫn trong một chương trình truyền hình hồi 2016. Xuất hiện trước truyền thông, người này mạnh miệng tuyên bố không coi Trấn Thành là thầy. Phát ngôn như chém đinh chặt sắt này lại một lần nữa thổi bùng lên những lời rì rầm trên không gian mạng. Lần này, người ta trao nhau những dòng bình luận ẩn ý kiểu "sống sao để bị học trò cũ nó nói cho như vậy", "chơi sao mà cứ dăm bữa nửa tháng lại có một người bạn bỏ mình".
Có bất cứ một mẫu số chung nào cho cả bốn câu chuyện kia không ngoài việc một trong hai nhân vật chính là Trấn Thành? Câu trả lời là có. Doanh thu của Nhà Bà Nữ và Bố Già bỏ xa các tác phẩm nội địa khác phát hành cùng thời điểm, Trấn Thành là ngôi sao còn người đăng bài tố anh giành vé chỉ là chàng-trai-vô-danh-nào-đó, Trấn Thành là huấn luyện viên còn người hậu bối kiên quyết không coi anh là thầy chỉ là thí sinh trong một chương chình. Và cuối cùng, so với những người bạn cùng nhóm, Trấn Thành mặc nhiên ở "chiếu trên" nếu so về độ nổi tiếng.
Đây dường như là một sự tương quan quá rõ, giữa một bên là người có trong tay cả danh tiếng, tiền bạc lẫn quyền lực mềm với phía bên kia là đối tượng thua kém về một trong ba, hoặc cả ba yếu tố. Kết quả, không có gì khó hiểu khi dư luận chọn đứng về phe yếu thế và đặt sự nghi ngờ vào Trấn Thành. Sự "cảnh giác" của dư luận còn nặng nề và cực đoan tới độ họ nghi ngờ cả những lời giải thích, hay lờ đi bản chất tự nhiên của mọi mối quan hệ - rằng có hợp thì có tan. Người bình thường có thể phạm sai lầm trong cư xử hàng ngày, có thể kết bạn rồi không chơi với nhau nữa. Thế nhưng, khi chủ thể của những hành động này là một người nổi tiếng, đặc biệt là Trấn Thành, nó mặc nhiên trở thành thứ gì đó đáng bị lên án, bài trừ bằng mọi giá.
Làm tốt vẫn chê, mắc lỗi nhỏ cũng bị nhắc đi nhắc lại
Theo thống kê tương đối của Wikipedia, đến nay, Trấn Thành đã có 15 vai diễn truyền hình, 17 vai diễn điện ảnh, tham gia 9 webdrama, lồng tiếng cho 4 phim hoạt hình, góp mặt ở 102 gameshow truyền hình trong nhiều vai trò, tham gia 2 chương trình truyền hình thực tế và ba năm liền đảm nhận vai trò người dẫn dắt chương trình Sóng xuân. Riêng trong vai trò đạo diễn phim, Trấn Thành là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam có hai phim điện ảnh liên tiếp soán ngôi tác phẩm ăn khách nhất phòng vé với doanh thu đều trên 400 tỷ.
Các thống kê trên không chỉ thể hiện Trấn Thành chăm chỉ hay "đắt show". Nó còn cho thấy nam nghệ sĩ đa tài, và cái tài của anh đóng góp không nhỏ cho thành công cho mọi sân khấu mình hiện diện. Không chỉ có cái tài, cái duyên với nghệ thuật, Trấn Thành cũng đủ thông minh và sắc bén cho những toan tính riêng - để mỗi lần xuất hiện của anh là một lần tỏa sáng. Dưới góc độ này, Trấn Thành là một ngôi sao giải trí tầm cỡ khi hội tụ được cả trí tuệ, tài năng lẫn cái tôi của một người nổi tiếng.
Nhưng cụm từ "cái tôi của nghệ sĩ" thường được đồng nghĩa với sự bị biệt, lạ đời và đôi khi khiến đám đông phải nhíu mày nhăn trán. Sự lắm tài nhiều tật này cũng đúng với Trấn Thành. Và có lẽ, nó cũng là nguồn cơn cho những rắc rối mà anh vướng phải sau này. Công chúng hẳn đã được một phen bối rối không hiểu chuyện gì vừa xảy ra khi thấy Trấn Thành mắt mũi đỏ hoe vì khóc giữa lúc đứng dẫn chương trình trên sân khấu. Đáng nói, việc này không chỉ xảy ra một lần. Họ chắc cũng không quá hào hứng khi thấy nam MC "bắn rap tằng tằng" khi dẫn chương trình Rap Việt nhiều năm về trước.
Đó là những khoảnh khắc "làm lố" đáng quên khi phần ngôi sao trong con người Trấn Thành đã lấn át trọng trách mà anh đang đảm nhận. Và có thể cũng vì chính những khoảnh khắc cực đoan ấy mà anh mất điểm trong mắt công chúng vốn đã quen thuộc với hình ảnh những người nghệ sĩ luôn ôn hòa, tránh những hành khiến mình bị gắn mác "chơi trội". Trấn Thành càng thành công, tần suất xuất hiện của anh càng dày đặc. Danh tiếng của Trấn Thành càng vang xa, cái tôi của anh lại càng lớn - trên cả không gian Internet lẫn những sân khấu anh hiện diện. Kết quả, vòng luẩn quẩn cảm xúc giữa một bộ phận công chúng và nam nghệ sĩ đã thành hình.
Dạo một vòng trên Internet, có thể thấy những lời công kích nhắm vào Trấn Thành xuất hiện ở bất cứ đâu, dưới bất kỳ hình thức hay văn cảnh nào. Bạn thấy một bài đăng chủ đề âm nhạc? Hãy kéo xuống phần bình luận. Đâu đó giữa những comment nổi bật, bạn sẽ thấy đoạn gif cắt cảnh Trấn Thành đang rap được post lên. Còn bài đăng chủ đề phim ảnh trong nước? Sẽ luôn có ai đó cố lái câu chuyện về Nhà Bà Nữ theo hướng tiêu cực. Lễ Oscar 2023 vừa diễn ra cũng là cái cớ để một bộ phận ác ý tấn công Trấn Thành khi nửa đùa nửa thật chuyện đáng tiếc Nhà Bà Nữ trượt Oscar - trong khi mọi người đều biết tác phẩm đại diện cho Việt Nam gửi dự Oscar 2023 không phải phim Trấn Thành.
Trấn Thành bật khóc trên sóng truyền hình, anh lập tức bị mỉa mai bằng cách tên "Lệ Tổ", "Thành Cry". Anh đặt một phòng chiếu riêng để được xem phim một cách riêng tư với bạn bè, lập tức cái biệt danh "Mr. Riêng tư" ra đời. Câu chuyện "Trấn Thành cần riêng tư" cũng trở thành chủ đề hot, là chất liệu cho hàng trăm, nghìn bức ảnh chế và tranh biếm họa trên Internet. Người ta cứ tìm cách nhạo báng Trấn Thành mà không hề nhận ra mình đang cười cợt những nhu cầu rất chính đáng của con người: khóc để giải tỏa cơn bùng nổ cảm xúc, muốn có không gian riêng cho gia đình và bạn thân…
Chấp nhận dư luận trái chiều như một phần của cuộc sống
"Cây hoa anh túc cao" là một hội chứng tâm lý có thực. Nó xảy ra khi một người bị tấn công, phỉ báng, thù ghét, chỉ trích thậm chí tẩy chay vì những thành tựu hay thành công của họ. Những năm qua, Trấn Thành đang bị nhìn nhận dưới lăng kính chất chồng quá nhiều định kiến. Cư dân mạng không hề xem nhẹ, nhưng có xu hướng xét nét quá chi li những thành công mà anh đạt được. Song song, họ cũng ghi nhớ từng lỗi lầm nhỏ nhất của anh, và tranh thủ mọi cơ hội để "phủi bụi" cho những câu chuyện ấy.
Trấn Thành từng chia sẻ trong chương trình Talk Soul của chúng tôi: "Cái gì trên đời này cũng có cái giá của nó cả. Khi bạn leo lên một đỉnh núi cao hơn, bạn cũng sẽ biết rằng nơi đó có diện tích thấp hơn, không khí loãng hơn, số người bên bạn ít hơn và bạn phải đối diện với độ cao… cao hơn khi bạn rơi xuống". Ở một chương trình khác, anh lại chia sẻ mình là người nghệ sĩ bị chửi nhiều nhất Việt Nam. Rồi mới nhất, anh lại thản nhiên đón nhận cái tên "Mr. Riêng tư" như thản nhiên đón nhận biệt danh đầy ác ý Thành Cry mà người ta dành cho mình nhiều năm trước.
Vậy câu chuyện ở đây ở là gì? Trấn Thành đã chịu khuất phục trước những bình luận tiêu cực? Hay anh đang "chơi chiêu" để chọc tức ngược lại những người đang muốn làm tổn thương mình? Ta hãy nói, Trấn Thành đã tìm được cách chung sống với sự nổi tiếng và những phiền phức mà mặt trái của nó mang lại. Anh tận hưởng ánh hào quang của mình cũng nhiều như cách anh chấp nhận sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn của nó - như một người đứng trên đỉnh núi biết rằng mình phải đối diện với cả nỗi cô đơn khi không còn bạn bè ở quanh lẫn cảm giác sợ hãi một cú rơi tự do có thể đến bất kỳ lúc nào nếu sảy chân.
Trấn Thành cũng hiểu anh không thể làm vừa lòng tất cả mọi người và chấp nhận quan điểm trái chiều, chấp nhận việc có người thích mình và có người ghét mình. Quan trọng là bản thân xác định rõ mục tiêu, đích đến và kiên trì với lộ trình đó. Chẳng vậy, mà sau khi chia sẻ mình là người nghệ sĩ bị chửi nhiều nhất Việt Nam, Trấn Thành chia sẻ "Một khi người ta ghét, tôi làm gì cũng bị ghét. Nhưng tôi không bận tâm nhiều. Tôi chỉ muốn mang hạnh phúc cho những người quan tâm, cần mình".
Nhân vô thập toàn, bản thân Trấn Thành cũng có những khuyết điểm mà không cần là anti-fan công chúng vẫn có thể nhìn thấy được. Anh cũng không ít lần tự rước họa vào thân vì những nét tính cách ấy. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại một lần nữa, vì nhân vô thập toàn nên thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào những khiếm khuyết của một cá nhân, dù là người bình thường, nghệ sĩ, hay một ngôi sao như Trấn Thành, ta rất dễ sa đà vào lối phủ nhận sạch trơn những thành tựu mà người ấy đạt được.
Khi mỗi khuyết điểm đều bị khoanh tròn, gạch chân bằng quá nhiều nét bút đậm, thì người xem sẽ chẳng thể nào thấy được vẻ đẹp hài hòa trong tổng thể của một bức tranh. Người họa sĩ đã vẽ bức tranh ấy chắc cũng chẳng còn tâm trí nào để tiếp tục sáng tạo. Ngược lại, về phía người xem, việc quá săm soi tìm lỗi cũng sẽ khiến radar của họ bị điều chỉnh lại theo hướng chỉ dò tìm những cái sai mà bỏ qua vẻ đẹp từ những điều tích cực. Nói ngắn gọn, điều ấy không khác gì bỏ gạo trắng để tìm lấy những hạn sạn rủi may lẫn vào.
Quay lại với câu chuyện của Trấn Thành. Anh chắc chắn đã qua cái thời, cái tuổi mà những bình luận tiêu cực có thể làm tổn thương mình. Tuy nhiên, nếu những tấn công ác ý nhắm vào anh bớt đi, và dư luận đón nhận Trấn Thành bằng thái độ chan hòa, cởi mở hơn, thì chắc chắn gánh nặng người nổi tiếng trên vai anh sẽ nhẹ bớt. Bởi sự thật là chẳng có ai lại không chạnh lòng khi phải khẳng định quá nhiều người ghét mình.
Tags