Hiện nay, tại đầu nguồn sông Sêrêpốk thuộc huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), nạn khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương.
Do nhu cầu lớn về xây dựng các công trình nhà cửa, dự án khu quy hoạch, đường giao thông… trên địa bàn tỉnh, khiến tình trạng khai thác cát ồ ạt với số lượng lớn, một số bến cát không được cấp giấy phép khai thác vẫn ngang nhiên hoạt động.
Tại xã Quảng Phú, hàng ngày có hàng chục tàu, thuyền hút lớn, nhỏ đủ loại thay phiên nhau “rút ruột” lòng sông Sêrêpốk, đưa cát lên bờ để bán trực tiếp cho khách hàng hoặc vận chuyển tận nơi tại địa điểm cần tiêu thụ. Tại khu vực thuộc xã, theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những bến cát được cấp giấy phép khai thác, có khá nhiều bến “cát chui” không có giấy phép khai thác nhưng máy hút vẫn hoạt động với công suất lớn. Một số địa điểm hai bên bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến diện tích đất đai, cây cối, hoa màu của người dân.
Phó Chủ tỉnh UBND xã Quảng Phú, bà Lương Thị Kim Anh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn, xã quản lý có 2 bến cát đã được cấp giấy phép kinh doanh khai thác đó là doanh nghiệp tư nhân Xuân Bình và doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai. Đến thời điểm này 2 doanh nghiệp luôn tuân thủ những điều đã cam kết khi thực hiện các kế hoạch khai thác, lẫn vận chuyển cát đi tiêu thụ”.
Thế nhưng, thực tế tại xã Quảng Phú, ngoài hai bến cát đã được cấp giấy phép khai thác thì còn khoảng 5 bến cát hoạt động thường xuyên vẫn không có giấy phép và ngang nhiên “hút” cát ban ngày lẫn đêm. Những đối tượng khai thác lậu này đã sử dụng từ những máy móc hút nhỏ chuyển sang sử dụng giàn khoan hiện đại có cần dài gần 20m, tạo nên cường độ, công suất hút sâu, số lượng nhiều hơn. Trước tình hình khai thác cát ồ ạt không phép hiện nay đã gây không ít sạt lở một số điểm bờ sông và nguy cơ gây sạt lở nghiêm trọng khi mùa mưa lũ năm nay được dự báo diễn biến khá phức tạp.
Hiện nay theo quy định cấp giấy phép khai thác cát, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về khai thác đúng cự ly từ lòng hồ đến các bờ sông để tránh sạt lở, đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước... Thế nhưng một số chủ tàu không có giấy phép ngang nhiên hút cát không theo quy định vì lợi nhuận.
Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai cho biết: “Doanh nghiệp trước khi khai thác cát đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cấp giấy phép. Chúng tôi có chỉ tiêu khai thác cụ thể trong năm và được hướng dẫn, tập huấn về cách thức khai thác sao cho không ảnh hưởng gây sạt lở hai bên bờ sông. Riêng các bến cát lậu xung quang đang khai thác không đảm bảo khoảng cách từ khu vực được phép hút cát đến bờ sông vẫn không có cơ quan chức năng xử lý”.
Việc khai thác cát trái phép không chỉ hưởng chỉ gây sạt lở đất sản xuất của người dân xung quanh khu vực có các bến tàu khai thác mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tuyến đường liên thôn, xã, tỉnh lộ. Với mật độ vận chuyển cát thường xuyên, trọng tải lớn khiến nhiều tuyến đường bị biến dạng, hư hỏng, xuống cấp. Nhiều xe chở cát thường xuyên không theo thời gian quy định còn gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Tình trạng khai thác cát trái phép hiện không chỉ diễn ra tại xã Quảng Phú, mà tại các xã Đắk Năng, Đức Xuyên, Nâm N’dir…, nhiều bến “cát chui” vẫn hoạt động ngày đêm. Hệ lụy từ việc khai thác cát bừa bãi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Krông Nô nói riêng là rất lớn nếu các ngành chức năng không ngăn chặn kịp thời.