WHO xác định rằng khoảng 17,5% người trưởng thành trên toàn thế giới bị vô sinh vào một thời điểm nào đó. Con số này có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực giàu và những nơi nghèo hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguy cơ cao gặp tình trạng vô sinh, hiếm muộn sẽ rơi vào những nhóm người nhất định.
Do đó, bất kể nam hay nữ, nếu bạn thuộc 1 trong 6 nhóm dưới đây thì nên đi khám và điều trị vô sinh, hiếm muộn càng sớm càng tốt.
1. Tuổi cao
Theo BS Lê Duy Thảo, bác sĩ lâm sàng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo tuổi. Theo đó một số nghiên cứu cho thấy khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm sau 27 và giảm nhanh sau 35 tuổi.
Ngoài ra, thống kê về tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì tỷ lệ thành công giảm từ 70% với những phụ nữ dưới 30 xuống còn 10% với phụ nữ trên 40 và 1% với phụ nữ trên 45.
Với nam giới, khả năng sản sinh tinh trùng có thể duy trì gần như đến hết đời, tuy nhiên chất lượng sẽ suy giảm rõ rệt khi qua độ tuổi 40.
2. Béo phì
Béo phì được kết luận khi có chỉ số khối cơ thể >30kg/m2. Tình trạng này thường đi cùng với những rối loạn chuyển hoá mà hay gặp nhất là đái tháo đường.
Ảnh minh họa: Yahoo
BS Thảo cho biết việc dư thừa mô mỡ cũng ảnh hưởng đến việc chuyển hoá các hormon nội tiết sinh dục và cụ thể là sự ứ đọng estrogen. Những rối loạn chuyển hoá, nội tiết trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn gây suy giảm trực tiếp khả năng sinh sản ở cả hai giới cũng như ảnh hưởng đến cả thai kỳ.
3. Có các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như lậu, chlamydia…)
Các bệnh này có thể gây ra những biến đổi lâu dài trên đường sinh dục ngay cả khi đã chữa khỏi. Những viêm nhiễm ở giai đoạn cấp tinh có thể gây viêm nhiễm cấp vùng tinh tinh hoàn ở nam giới hay viêm tiểu khung ở nữ giới, từ đó làm suy giảm trực tiếp chất lượng trứng và tinh trùng.
"Thậm chí nếu không được điều trị đúng cách nó có thể chuyển thành những di chứng như tắc ống dẫn tinh ở nam giới hay tắc vòi trứng ở nữ giới và đây cũng chính là một nhóm lớn trong nguyên nhân gây hiếm muộn nam nữ", BS Thảo cảnh báo.
4. Lạm dụng đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn nếu được sử dụng đúng cách có rất nhiều lợi ích như kích thích tiêu hoá, giảm nguy cơ bệnh tim, tăng mật độ xương, quản lý huyết áp…
Tuy nhiên đồ uống có cồn lại là "con dao hai lưỡi", nếu quá lạm dụng thì 1 trong những tác hại dễ thấy nhất đó là ảnh hưởng làm suy giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ.
Ảnh minh họa: Pinterest
5. Hút thuốc lá
"Ngoài các tác hại cho hệ hô hấp, hút thuốc lá còn là nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm chất lượng tinh trùng cũng như chất lượng trứng.
Việc hút thuốc lá chủ động hay bị động, thuốc lá truyền thống hay điện tử đều có những tác động nghiêm trọng đến cơ quan sinh sản", BS Thảo nhắc nhở.
6. Tiếp xúc nhiều với một số hóa chất và chất độc
Một số hóa chất, chất độc có thể kể đến như thuốc trừ sâu, bức xạ, chất kích thích, steroid… tiếp xúc lâu dài đều gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản ở cả 2 giới.
Tags