- Những lần các 'chiến thần livestream' Trung Quốc bị 'bóc phốt' và hệ lụy phía sau con số doanh thu vô tiền khoáng hậu
- Hào quang vụt tắt của một "nữ hoàng livestream": Bán cả tên lửa trên sóng trực tiếp, "ngã ngựa" vì trốn thuế 4.800 tỷ
- Sau sự kiện 4/4: Bán hàng có chiến thuật và đơn thuần "chỉ là livestream bán hàng" có gì khác nhau dù có chung mục đích
Các khách sạn ở thành phố lớn của Trung Quốc tiếp tục thử sức với mô hình phòng livestream cho thuê bởi ngày càng nhiều người đổ xô khởi nghiệp kinh doanh bán hàng qua mạng.
Khách sạn “biến hình”
Mùa hè là mùa của những màu sắc rực rỡ, ngoài quần áo, khung cảnh phòng livestream của Lily, chủ cửa hàng quần áo online ở Đằng Châu (Sơn Đông, Trung Quốc), cũng bắt đầu "chuyển mùa".
Nghĩ rằng trang trí gian phòng lại sẽ rất phiền phức, Lily đã tìm đến một khách sạn được xây dựng với phong cách cực kỳ “bắt trend” bên cạnh chợ quần áo, nơi cô thường chọn nguồn hàng. Lily đã thuê một phòng trong nửa tháng. Một người và một căn phòng nhỏ, hết livestream bán hàng rồi lại ăn và ngủ.
Nhận phòng vài ngày, Lily kinh ngạc phát hiện có rất nhiều chủ cửa hàng thời trang online khác cũng đến thuê phòng khách sạn này để livestream bán hàng hoặc chụp ảnh sản phẩm. Xung quanh có hơn 20 chợ bán sỉ quần áo lớn, đủ loại mẫu mã đang lên xu hướng.
Theo Lily, nhờ vào mô hình khách sạn này, người bán hàng không chỉ tiết kiệm thời gian đi lại, mà quan trọng hơn, còn tạo ra môi trường cho phép mọi người trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Lưu Nhược Kỳ, chủ khách sạn, là người rất thức thời và biết cách kinh doanh. Tại một trong những phòng cho thuê đắt tiền nhất, cô đã nhờ người đặt thêm hai đèn chuyên biệt dành cho khách hàng có nhu cầu “biến phòng thuê thành studio chụp ảnh sản phẩm”.
Phòng livestream theo phong cách này không chỉ thích hợp cho các chủ cửa hàng online phát sóng trực tuyến bán hàng, mà còn trở thành nơi lựa chọn của các blogger chụp hình theo chủ đề cổ phong, trang điểm làm đẹp, review mỹ phẩm chăm sóc da….
Ưu thế của các gian phòng trong khách sạn này là ánh sáng được bố trí đồng đều, dịu nhẹ có tác dụng đáng kể trong việc làm đẹp và sáng da cho các blogger và người livestream bán hàng. Riêng điều này đã là lý do khiến Lily chọn khách sạn làm “nơi hành nghề” vài lần trong năm.
Lưu Nhược Kỳ chia sẻ, khách sạn Lỗ Nam bị bỏ hoang nhiều năm ở thành phố Đằng Châu (Sơn Đông), cũng đã bắt đầu chuyển mô hình thành khách sạn cho “dân livestream bán hàng” thuê, sử dụng không gian của 18 tầng đầu tiên.
Vì cùng làm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn nên bà chủ Lưu Nhược Kỳ có quen biết một vài người bạn làm tại khách sạn Lỗ Nam Đằng Châu. Họ nói với cô rằng: "Trước đây khách sạn đã bỏ ra 150 triệu NDT (hơn 511 tỷ đồng) đầu tư. Dịch bệnh khiến mọi thứ lao đao, không ai muốn bỏ tiền tiếp quản khách sạn này. Vì vậy phải bán đi với giá rẻ bèo, 70 triệu NDT (hơn 238 tỷ đồng), để làm cơ sở thương mại điện tử, livestream bán hàng".
Đến nay, từ một khách sạn bỏ hoang, nơi đây đã trở thành một học viện chuyên đào tạo mọi thứ về thương mại điện tử, bao gồm đào tạo kỹ năng livestream bán hàng, nghệ thuật quảng cáo, cùng với đội ngũ hỗ trợ.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 6/2020 và hiện đã chính thức đi vào hoạt động được gần 3 năm.
Một bên là khách sạn tồn tại mấy chục năm chứng kiến biết bao thay đổi của thành phố, một bên là nền kinh tế livestream trực tuyến đang trở thành xu hướng thời đại. Sự va chạm của hai điều này đã thổi sức sống mới vào tòa nhà cũ kỹ này và nó đã trở thành một nơi rất nổi tiếng ở Đằng Châu.
“Phất lên” nhờ xu hướng “livestream bán hàng”
Có quá nhiều chủ cửa hàng online đến thuê phòng khách sạn và mang theo hàng tá sản phẩm. Lưu Nhược Kỳ chợt nảy ra một ý tưởng: phòng họp của khách sạn hơn 100 mét vuông vẫn còn trống, cũng không ai thuê để tổ chức các cuộc họp. Thế là cô dự định cải tạo lại theo phong cách hiện đại hơn để cho những chủ cửa hàng tổ chức chương trình livestream quy mô lớn hoặc bất cứ blogger nào có nhu cầu.
Lưu Nhược Kỳ đã hỏi Andy, một người bạn rất am hiểu về mô hình livestream bán hàng, về nhu cầu của các chủ cửa hàng online và những tính chất đặc thù riêng để tiến hành thiết kế và chọn các loại dụng cụ đi kèm phục vụ cho quá trình livestream.
Nhưng anh cũng nhắc nhở Lưu Nhược Kỳ: "Những người có nhu cầu livestream bán hàng đôi khi không cần không gian quá rộng như vậy, trừ phi là các tổ chức hay công ty lớn. Do đó, đừng để chi phí xây dựng quá cao, sau này cải tạo lại mô hình cũ sẽ rất phiền phức".
Trò chuyện với thợ đang thi công cải tạo lại gian phòng trong khách sạn của mình, Lưu Nhược Kỳ mới biết, hóa ra một số khách sạn gần khu vực đã bắt đầu đi theo mô hình kinh doanh mà cô đang làm. Bây giờ những người nổi tiếng trên mạng xã hội và livestream đã phổ biến, nhiều khách sạn nhỏ muốn nhân cơ hội “chuyển mình” kiếm được lợi nhuận càng nhiều càng tốt trước khi quá muộn.
"Bây giờ rất nhiều nơi đặt lịch thi công, có khách sạn làm một lúc mấy căn phòng, chúng tôi bận tối tăm mặt mày", thợ thi công cười nói.
Có lẽ vì mọi người đổ dồn sự chú ý vào sự bành trướng của những KOL hàng đầu và sự phóng đại của các con số doanh thu bán hàng, nên các khách sạn vừa và nhỏ đang dần có chỗ đứng trong chuỗi ngành này dường như không được biết đến.
"Dù sao đây cũng là một lối thoát tạm thời. Tôi không có ý dựa vào nó để kiếm nhiều tiền, chỉ cần bù đắp tổn thất do dịch bệnh gây ra là đã quá đủ", Lưu Nhược Kỳ chia sẻ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Lưu Nhược Kỳ ban đầu dự định đóng cửa khách sạn vào tháng 3/2020, nhưng đã được “hồi sinh” nhờ làn sóng kinh doanh online.
Trên thực tế, Lưu Nhược Kỳ nhận thấy rằng giá thuê phòng theo giờ thậm chí còn cao hơn sau khi được các chủ cửa hàng online và blogger livestream để mắt đến. Đỉnh điểm nhất là vào tháng 11/2020, khi các lệnh phong tỏa vẫn còn khá căng thẳng ở Trung Quốc, khách sạn đã “cháy phòng”, thậm chí có khách còn đặt thuê trước mấy tháng. Nhờ đó, cô đã kiếm được số tiền "kha khá" để tiếp tục mở rộng khách sạn của mình.
Nhớ lại đêm giao thừa năm ngoái, cùng chó cưng và nhiều chủ cửa hàng online trẻ tuổi xem pháo hoa, Lưu Nhược Kỳ cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh, như thể mới hôm qua vậy.
Khách sạn livestream và kinh doanh online tồn tại song hành
Cuối cùng, Lily đã trả phòng khách sạn của Lưu Nhược Kỳ và đến Hàng Châu, thành phố được gắn với câu nói vui: "Nếu muốn bán hàng, hãy đến thiên đường livestream bán hàng qua mạng".
Hàng Châu rất phù hợp với những bạn trẻ xuất phát điểm thấp, có động lực theo đuổi ước mơ cao. Thành phố này có rất nhiều khu vực sản xuất quần áo phân phối khắp cả nước.
Nhiều người bán hàng tương tự như Lily tập trung ở đây, họ bắt đầu làm việc từ 6-7 giờ hàng đêm và kết thúc livestream vào sáng sớm. Các khách sạn nhỏ gần đó và chợ bán sỉ trang phục truyền thống cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi mô hình nhanh chóng để chạy theo xu hướng thời đại.
Ở Hàng Châu, các chủ cửa hàng quần áo online đã hình thành một hiệu ứng tập hợp. Họ thường tụ tập và sống trong cùng một khu vực, thường gần cơ sở sản xuất quần áo, mặc dù giá thuê khách sạn và căn hộ cao nhưng vẫn ở mức bình thường đối với thu nhập tương đối cao.
Các khách sạn ở thành phố lớn của Trung Quốc tiếp tục thử sức với mô hình phòng livestream cho thuê bởi ngày càng nhiều người đổ xô khởi nghiệp, kinh doanh qua mạng.
Đối với Lưu Nhược Kỳ nói riêng và những chủ khách sạn đang chạy theo mô hình kinh doanh mới nói chung, họ rất hâm mộ những người trẻ tuổi như Lily vì dám mạnh dạn “lộ diện” và sử dụng tài ăn nói trên sóng livestream để kinh doanh kiếm lời.
“Ít nhất họ sẽ không bị thời đại bỏ rơi”, Lưu Nhược Kỳ cười nói.
Nguồn: CBNData, Sohu
Tags